Tin nông nghiệp Kỹ sư cơ khí bỏ việc để làm nông nghiệp sạch

Kỹ sư cơ khí bỏ việc để làm nông nghiệp sạch

Tác giả Như Quỳnh, ngày đăng 08/05/2017

Kỹ sư cơ khí bỏ việc để làm nông nghiệp sạch

Nhận thấy quê hương có nhiều ruộng bỏ hoang, cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nông nghiệp, anh Phạm Hồng Thái quyết định phát triển mô hình trồng trọt và sản xuất sạch ngay tại địa phương.

Anh Thái chế biến tỏi đen. Ảnh: Bizmedia.

- Tại sao anh lại từ bỏ nghề cơ khí để gắn bó với nghề nông?

- Trước khi trở thành chủ nhiệm hợp tác xã Thái An, tôi đã từng là một kỹ sư cơ khí tại địa phương. Năm 2013, khi thấy quê mình có nhiều ruộng bỏ hoang, tôi đã cùng bà con tận dụng phát triển nguồn đất này và thành lập hợp tác xã Thái An tại Móng Cái. Cho đến nay, chưa bao giờ tôi hối hận về quyết định của mình.

- Hợp tác xã của anh phát triển những giống cây chủ lực nào?

- Hiện, chúng tôi phát triển 3 giống cây trồng chính là chùm ngây, tỏi tím và măng tây xanh. Những loại cây này đều bổ dưỡng và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Móng Cái. Từ nguyên liệu này, chúng tôi có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm như trà chùm ngây, tỏi đen, rau măng tây xanh... Chủ trương của hợp tác xã là không phát triển nhiều loại cây mà sản xuất tập trung nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

- Phương pháp canh tác mà anh áp dụng trong mô hình trồng trọt của mình là gì?

- Tôi hướng tới mô hình sản xuất hữu cơ vì đây là mô hình tốt, thân thiện với môi trường. Về nguồn giống, tôi lựa chọn các loại hạt, cây giống thuần chủng, không lai tạo. Trong quá trình chăm sóc, tôi và bà con trong hợp tác xã dùng vôi bột và phân chuồng hoai mục để diệt sâu bọ, tuyệt đối nói không với hóa chất.

- Trong quá trình sản xuất hợp tác xã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Khi thực hiện dự án "Ứng dụng công nghệ sản xuất tỏi đen tại Móng Cái", hợp tác xã được hỗ trợ từ Sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh. Ngoài 200 triệu đồng tiền vốn cấp phát, chúng tôi còn được Công ty TNHH Phát triển công nghệ Branwork chuyển giao quy trình công nghệ gồm: quy mô, công nghệ sản xuất, thiết kế nhà xưởng, cách chọn lọc và sơ chế nguyên liệu, ủ tỏi đen và lựa chọn, đóng gói thành phẩm. Ngoài ra, sản phẩm tỏi đen sản xuất ra cũng được các công ty bao tiêu.

Thuận lợi là vậy nhưng chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi triển khai trồng măng tây xanh. Đây là loại nông sản mới nên chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm ngoài việc tìm hiểu trên sách báo và Internet. Trong quá trình canh tác, tôi vừa học vừa làm, làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó. Bên cạnh đó, việc thuyết phục bà con tin và làm theo cũng không phải là chuyện đơn giản. Tôi phải đưa họ tới trang trại măng tây của mình để quan sát thực tế, đồng thời hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất.

- Thành tựu lớn nhất mà anh và bà con trong hợp tác xã đạt được?

- Thành tựu lớn nhất mà tôi nhận được chính là niềm tin của người nông dân và khách hàng. Đến nay, hợp tác xã Thái An đã thu hút trên 200 hộ tham gia sản xuất. Đối tượng khách hàng ngày càng mở rộng ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... Bên cạnh đó, tôi và hợp tác xã còn nhận được những bằng khen, chứng nhận "Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng" cho sản phẩm tỏi đen, và cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.


Trồng chanh dây sạch, thương lái tranh nhau mua Trồng chanh dây sạch, thương lái tranh nhau… Giới thiệu giống điều mới và mô hình tưới tiết kiệm Giới thiệu giống điều mới và mô hình…