Nuôi gà Kỹ Thuật Chăm Sóc, Nuôi Dưỡng Gà Con Giống

Kỹ Thuật Chăm Sóc, Nuôi Dưỡng Gà Con Giống

Ngày đăng 30/08/2013

Kỹ Thuật Chăm Sóc, Nuôi Dưỡng Gà Con Giống

Chăm sóc, nuôi dưỡng gà con rất quan trọng, có được tỷ lệ nuôi sống cao, gà con màu mỡ đạt được khối lượng cơ thể theo tiêu chuẩn giống sẽ có đàn gà dò hậu bị giống tốt.

+ Úm gà: Thường úm 3 tuần tuổi đầu, nếu trời còn lạnh có thể đến 4 tuần. Thường úm trên nền chuồng có độn trấu, hoặc dăm bào dày 7-10cm, có quây, mỗi mét vuông tuần đầu 40-50con, tuần thứ hai 25-20 con. Sau 2-3 tuần có thể bỏ quây cho gà đi lại rộng rãi. Nếu úm trên lồng thì mật độ cao hơn 50-60con/m2 trong 2 tuần đầu. Qua kinh nghiệm thực tế, chuồng úm gà con có thể đóng sàn tre, lót gỗ, cao 40-50cm, diện tích 1-2m2 nuôi 50-200 con. Chung quanh đóng dóng tre cách nhau 2-2,5cm, che lưới khi gà còn bé, sau đó bỏ lưới cho gà thò đầu ra ăn uống ở máng đặt ngoài chuồng. Chuồng được che ấm bằng carton, bao tải.

Cần chuẩn bị chụp sưởi bằng bóng điện, dây may xo, hoặc gằng gaz, hoặc bếp sưởi úm đảm bảo nhiệt độ, độ thoáng, độ ẩm, ánh sáng. Trước khi thả gà con vào úm là phải chuẩn bị chuồng đầy đủ như bật điện sưởi, máng uống có nước, đặt sẵn máng ăn (chưa đổ thức ăn), cho quạt chạy thông thoáng khí (rồi tắt đi)…

+ Nuôi dưỡng chăm sóc: gà mới nở ở bụng còn chứa một lượng lòng đỏ tiếp tục cung cấp dinh dưỡng nuôi cơ thể gà. Vì thế, gà sơ sinh có thể chở đi xa một ngày đêm.

Gà chở đến thả vào chuồng đã chuẩn bị sẵn, cho uốngnước ngay, nước có pha đường, vitamin nhóm B loãng, nếu trời nắng nóng cho thêm vitamin C. Sau 2-3 giờ cho gà ăn ngô nghiền nhỏ trong ngày đầu, rồi ngày sau cho ăn thức ăn hỗn hợp nhỏ và số lượng tăng dần theo ngày tuổi.

Ở gia đình nuôi ít, gà giống mua về có thể ghép với đàn gà con mới nở ở nhà, nhốt chung lẫn, dùng mực phẩm bôi đều lên tất cả gà con mới và cũ để gà mẹ không phân biệt được con lạ và ấp ủ cho ấm.

Thức ăn cần có nhiều protein hơn chất béo lipid nên tăng bột cá, đỗ tương, giảm khô lạc nhân, tỷ lệ protein động vật và thực vật là 1/2 để gà hấp thu tốt. Sau 5 tuần tuổi thức ăn cần tăng lipid, giảm protein, vì thế nên dùng đậu tương rang, khô lạc nhân (loại tốt), tấm, ngô vàng, nếu dùng tấm, cám cần bổ sung vitamin A hoặc rau xanh, bí ngô.

Nếu tự trộn thức ăn thì phải theo cách “mở rộng dần”, loại nguyên liệu ít trộn với một lượng ngô nghiền, tấm cám vừa đủ, sau đó tăng lượng ngô, cám trộn tiếp vài ba lần nữa mới đều các loại. Không thể trộn tuỳ tiện thức ăn không đều các loại nguyên liệu, gà sẽ lớn không đều, con được ăn ngon lớn nhanh, con ăn thức ăn dở lớn chậm.

Khi chuyển giai đoạn nuôi từ thức ăn gà con khởi động sang gà con lớn hơn phải thay thế thức ăn từ từ:

Ngày đầu: 1/3 thức ăn mới + 2/3 loại cũ

Ngày thứ 2: 1/2 thức ăn mới + 1/2 loại cũ

Ngày thứ 3: 2/3 thức ăn mới + 1/3 loại cũ

Ngày thứ 4: hoàn toàn thức ăn mới.

Thức ăn chế biến sẵn của các công ty thức ăn bán trên thị trường hiện nay có 2 loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc, còn có bán cả một số loại thức ăn bổ sung vitamin, khoáng… Người chăn nuôi cần xem kỹ nhãn hiệu và hướng dẫn để pha trộn sử dụng, tránh lãng phí chất thừa, chất thiếu, hoặc dùng không đúng.

Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là loại đã pha trộn đầy đủ các loại nguyên liệu cho từng loại gà, mua về cho ăn ngay.

Thức ăn đậm đặc là loại có hàm lượng protein, Ca, P, vitamin, khoáng vi lượng cao. Thường trộn 30-35% thức ăn đậm đặc với 65-70% ngô, tấm, cám,… thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh đủ tỷ lệ các chất dinh dưỡng cho các loại gà (cần trộn tỷ lệ theo hướng dẫn của công ty sản xuất).

Tuyệt đối không dùng ngô mốc (loại hạt đầu đen quá 2-3%), cám có mùi dầu, tấm gạo mốc. Nấm mốc có độc tố aflatoxin gây ngộ độc nguy hiểm cho gà, nhất là gà con rất mãn cảm.


Chăn Nuôi Gà Đẻ Theo Hướng VietGap Chăn Nuôi Gà Đẻ Theo Hướng VietGap Bệnh Ký Sinh Trùng Máu Trên Gà (Leucoccytozoonosis Disease) Bệnh Ký Sinh Trùng Máu Trên Gà (Leucoccytozoonosis…