Bưởi Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại bưởi thời kỳ quả non

Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại bưởi thời kỳ quả non

Tác giả Trần Văn Quyết, ngày đăng 23/03/2019

Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại bưởi thời kỳ quả non

Hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh thời kỳ quả non: duy trì độ ẩm, dinh dưỡng để nuôi lộc quả non, bón phân qua lá, theo dõi và tiến hành phun phòng trừ các đối tượng bệnh hại cây: sâu vẽ bùa, rệp, bọ xít, sâu ăn lá bằng một trong các loại thuốc: Rigent, Cofidor, Supracid,...

Việc chăm sóc cây bưởi ở thời điểm này cần được bổ sung dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả để duy trì năng suất, mẫu mã và chất lượng. Giai đoạn này cây bưởi rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh đặc biệt là chế độ nước tưới, dinh dưỡng và sâu bệnh, do đó các chủ vườn bưởi cần chủ động chăm sóc cho cây bưởi thời gian này  để giữ quả không bị rụng và cây nuôi quả thuận lợi sẽ quyết định đến năng suất bưởi quả.

1. Chăm sóc

- Trong thời kỳ này cần duy trì đủ độ ẩm đất để quả non phát triển tốt, nếu khô hạn thì cần tưới nước từ 7-10 ngày/lần, đặc biệt đối với vùng đất cát khả năng giữ nước kém. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài mà không có mưa có thể tưới bổ sung nước cho cây vào sáng sớm hoặc chiều mát (3-4 ngày/lần).

- Về dinh dưỡng: Giai đoạn này cây rất cần dinh dưỡng để nuôi lộc và quả non. Thời điểm cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 tiến hành bón thúc quả với lượng 1,5kg NPK12.5.10/cây, bằng cách xăm đất từ mép tán vào trong, cách gốc 40 - 45 cm rồi rắc đều phân hoặc dùng xà beng chọc thành các lỗ sau đó rắc phân vào. Bón xong tưới đẫm nước, dùng rơm rạ rải đều trong tán, cách gốc cây 40 - 45cm.

Ngoài ra, có thể dùng một số loại phân qua lá như Bo trac, One Bo, Rich Bo, Frofarm – Lbor, Atonic, XO Cam,… để phun bổ sung thêm dinh dưỡng làm tăng khả năng đậu quả, giúp quả sáng bóng và hạn chế rụng quả non. Liều lượng pha theo hướng dẫn trên bao bì. Để đảm bảo phun đều tán cho cả cây, lượng dung dịch cần 3-4 lít phun cho mỗi cây. Dùng các loại máy bơm có áp lực mạnh, phun dưới dạng xương mù lên toàn bộ bề mặt tán cây sẽ giúp lá cây hấp thu nhanh và tăng hiệu lực của dinh dương bổ sung. Việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây giúp giữ cho bộ lá khoẻ có khả năng quang hợp tốt nhất để nuôi quả.

2. Phòng trừ sâu, bệnh gây hại.

Thời kỳ cây có quả non cũng thường bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại sớm, nên cần chủ động kiểm tra, phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời và đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Bà con cần theo dõi và tiến hành phun phòng trừ các đối tượng bệnh hại: sâu vẽ bùa, rệp, bọ xít, sâu ăn lá bằng một trong các loại thuốc: Rigent, Cofidor, Supracid, …

- Cần đặc biệt chú ý các loại nhện, chúng không những làm rụng quả mà còn gây nên hiện tượng nám vỏ quả ảnh hưởng đến mầu sắc, hình dạng và độ lớn quả sau này. Phun phòng trừ lần 1 khi tàn cánh hoa (có thể kết hợp với phun phân qua lá để đỡ tốn công); lần 2 vào giai đoạn quả nhỏ (quả bưởi to bằng quả bóng bàn), sử dụng các thuốc Comite; Alfamite, Ortus,  …

- Bệnh chảy gôm, thối quả do nấm Phytophtora gây nên, có thể dùng thuốc Aliette; Ridomil…. để phun, phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

- Ngoài ra cần chú ý đến cắt tỉa nhằm loại bỏ các cành lá bị bệnh, những cành mọc chen lấn nhau, cành tăm, hạn chế nơi trú ngụ của các đối tượng sâu bệnh hại… Tiến hành tỉa quả vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 (tỉa bớt những quả dị hình, quả sâu bệnh, quả nhỏ ở những chùm sai) tạo điều kiện cho quả đồng đều, tăng được giá trị kinh tế khi số quả trên cây tương đối ổn định.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc giai đoạn này cần được tiến hành triệt để và đúng kỹ thuật sẽ tạo điều kiện tốt cho cây bưởi giữ quả và nuôi quả thuận lợi là tiền đề cho cây bưởi sai quả và quyết định đến năng suất bưởi quả.


Chiết bưởi cảnh Chiết bưởi cảnh Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi Diễn và sử dụng túi bao quả Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi…