Nuôi gà Kỹ thuật chăn nuôi gà sao thịt (phần 1)

Kỹ thuật chăn nuôi gà sao thịt (phần 1)

Tác giả TS Nguyễn Duy Điều, ngày đăng 01/11/2017

Kỹ thuật chăn nuôi gà sao thịt (phần 1)

Gà sao có nhiều tên gọi như: gà Nhật, gà Phi, gà lôi, chim trĩ châu Phi… Gà sao có tỷ lệ nuôi sống rất cao (96,6 - 100%). Năng suất trứng/mái/18 tuần đẻ là 71 - 83 quả. Khả năng cho thịt đến 12 tuần tuổi 1,4 – 1,9 kg. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng từ 2,3 - 2,5 kg. Gà sao có phẩm chất thịt, trứng đặc biệt thơm ngon, giá bán thường cao gấp 1,5 - 2 lần so với thịt gà khác.

Gà sao có nhiều ưu điểm như: sức đề kháng cao, dễ nuôi, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn. Đặc biệt gà sao không mắc các bệnh như: marek, gumboro, leucosis, do vậy mà gà sao không phải tiêm vắc- xin marek, không phải nhỏ gumboro. Những bệnh mà trong giai đoạn sinh sản các giống gà khác thường hay mắc như: mycoplasma, sallmonella thì ở gà sao chưa thấy mắc. Trong dịch cúm gia cầm mấy năm vừa qua chưa thấy bệnh xuất hiện trên gà sao. Đây là một trong những đặc điểm quý của gà sao.

Trong quá trình nuôi gà sao, cần chú ý đến những đặc điểm khác biệt của gà sao so với gà thường. Vì gà sao cần có không gian rộng để chúng bay nhảy nên chuồng trại nuôi phải thiết kế đặc biệt hơn. Ngoài việc đảm bảo cho gà có sân chơi thoáng rộng, còn phải tạo lập cho chúng hệ thống sào đậu phù hợp vì chúng vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã. Những chiếc sào đậu sẽ là chỗ cho chúng ngủ rất tốt vào ban đêm, là nơi chúng có thể tránh kẻ thù. Ngoài ra chuồng trại phải quây lưới xung quanh tránh gà có thể bay ra ngoài.

Gà sao thường nhút nhát, dễ bị hoảng sợ, hay bị kích động bởi môi trường xung quanh như: mưa, gió, sấm, chớp, tiếng rơi vỡ của đồ vật. Những lúc đó gà thường chạy xô đàn về góc nhà chồng đống lên nhau, hoặc kêu ầm ĩ. Vì vậy chuồng trại nên có lưới chắn ở các góc

Gà sao rất mẫn cảm với ánh sáng, nên ban đêm phải thắp sáng để tránh cho gà khỏi những kích động bất thường. Để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, giai đoạn dò chỉ dùng ánh sáng mờ, đủ cho gà nhìn thấy giúp chúng đỡ hoảng sợ

Gà sao là loài ăn tạp, dễ nuôi, chúng có thể tranh giành nhau bất cứ vật gì lạ trong nền chuồng như: những chiếc que hay những sợi dây..., nên hay làm tổn thương niêm mạc miệng. Do vậy trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng phải nhặt bỏ những vật cứng dễ nuốt trên nền chuồng.

1. Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong nuôi gà sao:

- Xây dựng chuồng trại

Trước lúc xây dựng chuồng trại cần phải đảm bảo chắc chắn đất đai, nguồn nước ở địa điểm xây dựng không bị nhiễm khuẩn, hoá chất. Vị trí chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát, cách các trại nuôi gia cầm khác càng xa càng tốt nhằm hạn chế tối thiểu mức rủi ro, do lây nhiễm bệnh tật chồng chéo. Trại cũng cần phải cách xa các đường vận chuyển gia cầm khác với khoảng cách nhất định. Trại cần phải được bao quanh bằng tường, rào để tránh sự xâm nhập của người lạ và các loại động vật hoang dã.

Chuồng nuôi phải được thiết kế theo kiểu bán chăn thả. Nửa ngoài không cần mái che nhưng phải được quây kín bằng lưới tránh gà bay mất. Ngoài ra còn phải có hệ thống sào đậu cho gà vì chúng rất thích bay nhảy lên cao nơi hẻo lánh, đồng thời giúp cho gà sao có thêm không gian sống, mặt khác còn là chỗ để cho gà sao tránh kẻ thù.

Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nền chuồng thiết kế đúng kỹ thuật, chắc chắn vì gà sao rất nghịch ngợm, rất hay làm hỏng nền chuồng.

- Phòng tránh chim hoang và chuột

Không để chim hoang, các loại gặm nhấm vào chuồng, nhất là chuồng úm gà vì chúng sẽ gây kích thích, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của đàn gà. Hơn nữa chúng là vật mang nhiều mầm bệnh như mycoplasma, newcastle, hội chứng giảm đẻ…

Cần có kế hoạch tiêu diệt loài gặm nhấm hữu hiệu. Phải ghi chép, đánh dấu dụng cụ sử dụng, vị trí và thời gian diệt chuột hoặc theo dõi vị trí và thời gian chuột hay xuất hiện. Thường xuyên thực hiện chương trình diệt chuột cho cả bên trong và bên ngoài chuồng gà. Lập quy trình để kiểm soát sự phát triển của côn trùng, vì chúng là vật chủ mang mầm bệnh trực tiếp truyền, lây nhiễm cho gà.

-  Sắp xếp đàn gà

Để dễ theo dõi, quản lý và kiểm soát bệnh tật. Nên sắp xếp đàn gà cùng lứa tuổi, xuất phát cùng một nơi vào một dãy chuồng. Vì nếu nuôi đàn gà với nhiều lứa tuổi sẽ không thể cắt đứt được đường truyền nhiễm mầm bệnh và sẽ phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Giữa hai đàn gà kế tiếp nhau bắt buộc phải có thời gian trống chuồng tối thiểu 14 ngày.

- Biện pháp vệ sinh trống chuồng

Ta cần tạo môi trường thoải mái cho đàn gà 01 ngày tuổi bằng cách chuẩn bị chuồng nuôi thích hợp sao cho không phải gánh chịu các độc tố có nguồn gốc từ các đàn gà trước hoặc từ môi trường xung quanh. Sau khi chuyển đàn gà đi chuồng khác, phải thực hiện các công việc sau đây để đảm bảo môi trường phù hợp cho đàn gà mới:

+ Phải phun sát trùng ngay lớp độn chuồng bằng thuốc sát trùng phổ rộng. Nếu thấy các loại ký sinh trùng thì phải trộn thêm thuốc diệt côn trùng.

+ Phải đưa  tất cả các loại dụng cụ đã được dùng (máng ăn, máng uống …) ra bể ngâm có chứa thuốc sát trùng để cọ rửa.

+ Đưa toàn bộ lớp độn và phân đến vị trí quy định để xử lý, sau đó quét dọn sạch toàn bộ nền chuồng.

+ Rửa sạch trần, nền và tường chuồng bằng máy phun cao áp

+ Sát trùng chuồng: phun thuốc sát trùng phổ rộng.

+ Quét vôi toàn bộ nền, tường chuồng.

+ Quét dọn khu vực xung quanh chuồng gà và phun thuốc sát trùng.

+ Đặt thuốc diệt loài gặm nhấm vào nơi chúng hay xuất hiện trong khu vực nuôi gà.

Sau khi làm xong các bước trên, để trống chuồng 2 - 3 tuần. Trong thời gian trống chuồng, cần đóng kín các cửa để các loài động vật, côn trùng không xâm nhập vào được, đồng thời bảo dưỡng chuồng trại và sửa chữa trang thiết bị.

2. Chuẩn bị điều kiện nuôi

Trước khi nuôi gà cần chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất kĩ thuật như: chuồng nuôi, rèm che, cót quây, chụp sưởi, máng ăn, máng uống. Kiểm tra các trang thiết bị lần cuối trước khi đưa gà vào nuôi.

Tất cả các dụng cụ phải được khử trùng trước khi sử dụng 2 - 3 ngày. Chuồng được xông hơi bằng KMnO4 + fóc-môn (120 ml fóc-môn/60g KMnO4 cho 4m3chuồng) rồi đóng kín cửa lại trong 24 giờ, sau đó mở cửa và thông hơi 12 – 24 giờ trước khi đưa gà vào nuôi. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết cho đàn giống.

Chất độn chuồng: trấu, dăm bào sạch hoặc rơm chặt ngắn, trải lên nền chuồng dày 5 - 10 cm được phun thuốc sát trùng (fooc mol 2%). Sưởi ấm chuồng 10 – 12 giờ trước khi đưa gà vào.

Máng ăn: Đảm bảo đầy đủ máng ăn để gà không chen lấn và ăn đồng đều. Trong 2 - 3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn hoặc nhựa, với kích thước 60x80 cm  cho 100 gà con. Sau 3 tuần thay bằng máng ăn dài hoặc máng P50, Chiều dài máng ăn bình quân/ gà 1-2 tuần tuổi:  3-4 cm/ con, 3-6 truần tuổi: 4-5 cm/ con, giai đoạn 7- giết thịt 5-6 cm/con.

Cần cho gà ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gà. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ. Sau 3 tuần nên thay khay ăn bằng máng dài và phải gắn chắc chắn vì gà sao rất nghịch ngợm. Máng treo không phù hợp với gà sao vì khi bay nhảy làm nghiêng máng nên hay bị đổ thức ăn.

Máng uống: Sử dụng chụp nước uống tự động bằng nhựa, chứa 3,5 lít nước cho 100 con. Giai đoạn gà dò sử dụng chụp nước uống bằng nhựa 6-8 lít cho 50-100 gà. Vị trí đặt chụp nước có khoảng cách thích hợp với khay ăn để thuận tiện cho gà ăn uống.


Kỹ thuật nuôi gà sao thịt (phần 2) Kỹ thuật nuôi gà sao thịt (phần 2) Các phân tử peptit nhân tạo có thể ức chế các chủng virus cúm gia cầm Các phân tử peptit nhân tạo có thể…