Kỹ Thuật Nuôi Nghêu Trên Bãi Triều
Nghêu là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Nếu áp dụng đúng và đủ các biện pháp kỹ thuật, năng suất có thể cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống.
1. Đặc điểm sinh học
Nghêu thích sống ở bãi triều trên vùng biển cạn. Chất đáy nơi nghêu phân bố là cát pha bùn, tỷ lệ cát thích hợp là 60 - 70%. Nghêu sinh trưởng theo mùa, đặc biệt là vào mùa mưa, chất hữu cơ từ các cửa sông đổ ra nhiều, nghêu mau lớn, sinh trưởng nhanh. Đây là loài sinh sản quanh năm, nhưng tập trung vào tháng 1 - 2 và tháng 7-8. Tỷ lệ đực cái trung bình 1:1, 5. Đẻ trung bình 5 triệu trứng/cá thể. Nghêu là động vật ăn lọc, không có khả năng chủ động săn mồi và chọn lọc thức ăn.
2. Kỹ thuật nuôi
Chọn bãi nuôi: Chọn bãi triều gần cửa sông, ít sóng gió, bằng phẳng. Khi triều xuống thấp có khả năng phơi bãi vài giờ /ngày. Chất đáy nên chọn là cát bùn. Không chọn nơi có nguy cơ bị nước thải ô nhiễm tấn công vì nghêu rất nhạy cảm với môi trường ô nhiễm.
Sau khi chọn được bãi nuôi, tiến hành vệ sinh mặt bãi, dọn tạp chất, cây cối ở nền đáy. Nếu nền đất cứng phải xới lên cho tơi xốp, mềm, giúp nghêu vùi mình tốt. Dùng đăng tre hoặc lưới chắn xung quanh, cao 0,6 - 0,7m, chân đăng vùi sâu 0,2-0,3m. Dùng cọc cắm cho đăng lưới đứng nghiêng về phía trong, các cọc cách nhau 1,2-1,5m. Trong bãi, căng nhiều dây ngang dọc theo chiều gió để hạn chế nghêu đi theo hướng nước chảy và gió lớn.
Thả giống: Thả làm 2 đợt vào tháng 2 - 3 và tháng 7 - 8.
Đợt 1: Thả giống kích cỡ 3.000- 5.000 con/kg. Sau 5-6 tháng ương thì san thưa để nuôi lớn.
Đợt 2: Thả giống kích cỡ 500-800 con/kg. Nên thả nuôi luôn, không cần san thưa, mật độ 300-450 con/m2.
Chú ý, nên thả lúc triều lên để nghêu dễ vùi xuống lớp bùn đáy.
Vận chuyển giống: Dùng rong biển trùm lên nghêu giống và thường xuyên tưới nước biển cho nghêu để giữ ẩm trong quá trình vận chuyển. Trong trường hợp vận chuyển gặp mưa, phải đậy kín, không để nước mưa ngấm vào làm nghêu yếu hoặc chết.
Chăm sóc, quản lý: Khi mới rải nghêu ra bãi nuôi, vỏ nghêu còn yếu, chưa thể vùi sâu xuống đáy nên hạn chế đi lại trên bãi nghêu. Bắt hết các loại ốc mỡ trơn trong bãi rồi mới thả nghêu giống. Trong quá trình nuôi, kiểm tra thường xuyên để kịp thời bắt ốc hại nghêu con.
Thường xuyên kiểm tra rào chắn, chân rào để ngăn chặn nghêu thoát ra ngoài. Nếu nghêu tập trung vào một chỗ phải san giãn ra vì mật độ cao sẽ làm nghêu chậm lớn. Đặc biệt, khi triều lên, nghêu giống dễ bị sóng và thuỷ triều đưa vào bờ, phải theo dõi để đem nghêu thả lại chỗ sâu.
3. Thu hoạch:
- Sau khi nuôi 8-10 tháng có thể thu hoạch nghêu. Nên lựa cuối mùa mưa để thu hoạch vì lúc này nghêu béo nhất.
- Thu hoạch khi thuỷ triều rút vì khi đó nghêu được ăn no, thải ra các thức ăn thừa nên thịt rất sạch.
- Năng suất nghêu bình quân đạt 20 - 25 tấn/ha, nếu người nuôi có kinh nghiệm và kỹ thuật cao có thể đạt 50 - 55 tấn/ha.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ