Kỹ Thuật Trồng Chuối Tiêu Hồng
Tiêu hồng thuộc nhóm chuối tiêu vừa, thân giả cao 2,1- 2,5m, sinh trưởng khỏe, lá xanh sáng, bản lá rộng, số lá hoạt động khi trỗ buồng thường đạt từ 10- 12 lá. Buồng hình trụ, bình quân có 10- 12 nải, nặng khoảng 45 kg/buồng. là giống cho năng suất cao, trung bình đạt 40- 45 tấn/ha. Khi chín vỏ quả có màu vàng sáng đẹp nhưng cuống quả vẫn còn xanh, thịt quả rắn, ăn ngọt và thơm, đáp ứng thị yếu người tiêu dùng nên bán được giá cao.
Chuẩn bị đất: Chọn đất: đất dễ thoát nước, đất thịt nhẹ, không quá chua hoặc mặn, độ dày tầng canh tác >50cm.
Kỹ thuật làm đất và đào hố: đất phải cày bừa kỹ, sạch cỏ, kích thước hố 40 x 40 x 40 cm.
Mật độ: 2.000 – 2.400 cây/ha
- Cách 1: hàng cách hàng 2,2 m, cây cách hàng 2,5m. Tương đương với mật độ 60 – 70 cây/sào Bắc bộ.
- Cách 2: trồng theo khóm 2 cây, khoảng cách: hàng cách hàng 3,5 m, khóm cách khóm 3 m, khoảng cách giữa 2 cây trong khóm 50 – 60 cm. Tương đương với mật độ 78 – 80 cây/sào Bắc bộ.
- Cách 3: trồng 3 khóm cây. Khoảng cách: hàng cách hàng 3,5 m, khóm cách khóm 3,5 m, cây cách cây trong khóm 70 cm. Tương đương với mật độ 80 – 90 cây/sào Bắc bộ. Khi trồng theo cách 3 chỉ nên duy trì thu hoạch 2 năm thì hủy toàn bộ vườn chuối và trồng lại.
Bón phân: lượng bón: đạm 290 g/hố; Kali 370 g/hố; lân 600 g/hố; phân chuồng 5 –7 kg/hố.
Bón lót: mỗi hố lót 5 – 6 kg phân chuồng trộn đều với 400 g phân lân + 10 – 15g Furadan. Sau đó lấp đất trồng cây lên trên.
Bón thúc: ngoài phân bón lót cần bổ sung phân cho cây vào các đợt như sau:
+ Đợt 1: 10 – 20 ngày sau trồng 10g Urê/hốc.+ Đợt 2: 30 ngày sau trồng 10 g Urê + 10 g Kali/hốc.
+ Đợt 3: 60 ngày sau trồng 40 g Urê + 50 g Kali/hốc+ Đợt 4: 120 ngày sau trồng 100 g Urê + 100g Kali/hốc.
+ Đợt 5: 180 ngày sau trồng 100 g Urê + 100 g Kali/hốc.+ Đợt 6: Trước khi trổ buồng (khi cây ra lá non) 30 g Urê + 100 g Kali/hốc.
Cách bón: ở giai đoạn cây non có thể hòa nước tưới, ở giai đoạn cây trưởng thành bón theo hố cách gốc 0,5 – 0,6 m (hố sâu 5 – 6 cm rồi lấp đất lại).
Kỹ thuật trồng:
Sau khi lót phân phủ đất, tiến hành xé túi bầu, đặt cây ngay ngắn giữa hố, giữ cho cây đứng thẳng, phủ đất cho kín gốc. Phần xung quanh vùng rễ cây nên lấp bằng đất nhỏ. Tưới nước từ từ kết hợp với lắc nhẹ cây chuối cho đất trôi theo nước lèn chặt gốc cây và tiếp xúc với rễ. Sau đó phủ rơm rạ xung quanh hốc, tưới nước giữ ẩm (tránh làm vỡ bầu cây) chú ý khi trồng tránh để cây tiếp xúc với phân lót.
Tưới nước: chuối là cây chịu nóng kém, nhưng lại cần rất nhiều nước vì vậy cần phải thường xuyên tưới nước cho cây giữ ẩm để cây có thể phát triển bình thường. Thiếu nước lá sẽ ra chậm và trổ buồng chậm, buồng nhỏ năng suất kém.
Kỹ thuật tỉa mầm để chồi non:
- Trên mỗi cây mẹ chỉ nên để 2 chồi con, có thời gian cách nhau bốn tháng, nên chọn chồi ở xa gốc cây mẹ và tránh vị trí dưới buồng chuối. Chọn tuổi chuồi so le sao cho 1 năm được thu hoạch từ 2 buồng.
- Bẻ bắp bao, quầy chuối: sau khi trổ buồng xong hàng hoa cái thì tiến hành bẻ bắp. Nên bẻ bắp vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa, sau đó có thể dùng bao giấy xi măng để bao buồng chuối hạn chế nám trái hoặc côn trùng phá hại.
Chăm sóc:
Cần xây tường bao (nếu có điều kiện) hoặc trồng cây để chắn gió nhằm hạn chế lá chuối bị rách (lá rách làm giảm khả năng tổng hợp chất), luôn kiểm tra đất, nếu thiếu ẩm phải tưới nước ngay và thường xuyên. Trong thời gian cây chưa khép tán, bà con có thể trồng xen các loại cây họ đậu, lạc vừa tận dụng diện tích đất trống, vừa tăng độ màu mỡ cho cây chuối sử dụng sau này. Không nên trồng khoai lang. Sau khi trồng được 1,5 tháng bắt đầu tiến hành bón thúc lần 1. Thời điểm này nên chú ý bón đủ đạm, kali nhằm tạo điều kiện tốt cho thân cây phát triển. Có thể tiến hành bón thúc lần 2 cách thời gian trồng khoảng 4 – 5 tháng, thời điểm này cây phát triển mạnh, cần tăng lượng đạm, kali nhiều gấp 1 – 3 lần so với lần 1. Chuối tiêu hồng chỉ nên để một cây duy nhất, do đó nếu không có ý định ươm thêm giống, bà con phải kiểm tra mầm thường xuyên, phát hiện có mầm mới phải dùng dao cắt bỏ, tránh tình trạng phân tán dinh dưỡng. Cây trồng được 7 tháng chuẩn bị ra buồng, đây cũng chính là lúc cần bón thúc lần 3, thành phần, lượng phân cũng tương đương lần 1. Cùng với việc tưới nước, bón phân, bà con phải thường xuyên cắt bỏ lá khô, lá vàng, tạo môi trường thông thoáng, tránh sâu bệnh.
Thu hoạch:
Sau khi chuối trổ hoa, ra được khoảng 13 buồng, tiến hành bẻ bắp. Nên bẻ vào buổi chiều, tránh ngày mưa để hạn chế mất nhựa. Sau đó dùng cột chống đề phòng gió bão, hoặc buồng nặng quá dẫn đến đổ cây. Một công đoạn không thể thiếu để tăng năng suất và đảm bảo mẫu mã buồng chuối là dùng bao nilon cắt thủng hai đầu trùm kín nải chuối. Mục đích chính của công đoạn này nhằm tránh côn trùng hút chích nhựa từ quả non, tránh sương muối làm thâm vỏ, đảm bảo chuối thương phẩm màu sắc tươi sáng tự nhiên. Khi màu xanh vỏ chuối bắt đầu nhạt, các góc cạnh đã đầy, bà con có thể tiến hành hạ buồng, bán cho thương lái. Nếu tự mình tiêu thụ thì đừng vội ra nải ngay, nên để vài ngày cho ráo nhựa, sau đó dùng dao sắc tách nải rồi nhúng vào dung dịch Tecto 0,2%, để ráo, đặt vào thùng giấy và vận chuyển đến nơi tiêu thụ hoặc cho vào hầm giấm bằng hương.
Chuối tiêu hồng là giống cây được Viện Nghiên cứu rau quả nghiên cứu và tuyển chọn. Để mua cây giống, bà con có thể liên hệ với: Viện Nghiên cứu rau quả, Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Điện thoại: 04.38276254; 04.38276275 – fax: 04.38276148
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ