Tin nông nghiệp Kỹ thuật trồng cỏ voi thức ăn cho hươu nai

Kỹ thuật trồng cỏ voi thức ăn cho hươu nai

Tác giả Trung Tâm Nông Lâm Ngư Nghiệp Kiên Giang, ngày đăng 31/08/2016

Kỹ thuật trồng cỏ voi thức ăn cho hươu nai

1. Đặc điểm

- Cỏ voi (Pennisetum purpureum) là loại cây thân thảo, chia đốt (như cây mía), các đốt gần gốc thường xuất hiện rễ, rễ phát triển mạnh và ăn sâu, lá hình dải có mũi nhọn ở đầu và trên bề mặt lá có nhiều lông, bẹ lá dẹp, ngắn và mềm.

Các giống cỏ voi hiện được trồng phổ biến cho năng suất cao là Kingrass, Selection 1.

- Thân cao từ 2 – 4m, thân có lóng đốt như thân cây mía nhưng đường kính nhỏ hơn (1 – 2cm), nhiều lá và còn giữ được lá xanh khi cây đã cao.

- Thích hợp cho việc thu cắt cho ăn tươi hay ủ ướp.

- Cây sinh trưởng nhanh.

Nếu đủ phân bón và nước tưới vào mùa khô thì cắt quanh năm và năng suất rất cao có thể đạt 400 – 500 tấn/ha/năm.

- Phát triển rất mạnh ở những vùng đất tốt và đủ ẩm.

- Không thích hợp với chân ruộng chua, phèn, mặn, pH đất thích hợp từ 5 – 7.

- Không chịu được ngập úng, không chịu được hạn nặng và mùa khô kéo dài, nhiệt độ thích hợp là 25 – 300C.

- Không chịu được bóng râm.

- Trồng một lần khai thác được nhiều năm.

- Chất lượng cỏ rất tốt, bò thích ăn vì đường nhiều, ngọt.

Tuy nhiên, nếu không thu cắt kịp thời thân hoá gỗ cứng, giảm độ ngon miệng và tỉ lệ lợi dụng thấp.

2. Kỹ thuật trồng

a. Mùa vụ trồng:

Cỏ voi có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào tháng 5 đến tháng 8 dl, cây mau phục hồi và sinh trưởng mạnh.

Khi trồng cỏ vào mùa khô cần phải đảm bảo tưới nước đủ ẩm để giúp cây cỏ sau khi trồng mau phát triển.

b.

Kỹ thuật làm đất:

- Phát dọn sạch cỏ dại và phun thuốc cỏ để ngăn chặn sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại đối với cỏ voi sau khi trồng, nhặt sạch gốc cỏ dại.

- Xới toàn bộ diện tích để giúp đất được tơi xốp và thông thoáng, san bằng mặt đất ở những nơi không bằng phẳng.

- Đào rãnh sâu 10-15 cm, rộng 15-20 cm, rãnh được đào ngang hay dọc phụ thuộc vào diện tích đất trồng và mục đích của việc trồng cỏ, đào rãnh cách rãnh 50 cm để giúp cỏ phát triển tốt và nở bụi sau này.

c. Chuẩn bị hom giống:

- Hom giống được lấy từ phần thân của cây giống tốt, độ già vừa phải (60 ngày tuổi), không sử dụng phần thân non hay già quá vì hom non rất dễ bị thối mầm và sức nảy mầm của hom rất kém, còn hom già thì mắt mầm của hom có thể bị khô và chết trước khi tiến hành ủ hom.

- Chặt hom giống thành từng đoạn dài 20 - 25 cm, mỗi hom phải có từ 2 - 3 mắt mầm (lưu ý dao chặt cần phải sắc bén để không làm giập có thể bị thối hom).

Lượng hom cỏ giống là 6 - 8 tấn hom/ha.

- Khi tiến hành trồng cỏ vào mùa nắng cần phải ủ hom giống để kích thích mầm phát triển, mùa mưa thì hom sau khi chặt xong có thể trồng ngay.

d. Phương pháp ủ hom:

- Sau khi chặt hom cỏ xong tiến hành ủ hom 2 – 4 ngày (hom được chất thành đống, tưới đẫm và dùng bao phủ lại để tạo ẩm độ giúp hom nảy mầm), không nên chất đống hom quá lớn vì rất khó khăn cho việc chăm sóc và kiểm tra trong quá trình ủ.

- Thường xuyên kiểm tra ẩm độ của đống hom để có biện pháp tưới nước phù hợp nhằm giúp hom nảy mầm tốt.

Khi thấy ở các mắt hom xuất hiện mầm (cao khoảng 1 cm) thì có thể tiến hành mang đi trồng.

Không nên để mầm quá dài vì dễ gãy khi trồng.

- Trước khi ủ hom cỏ giống có thể sử dụng một số loại thuốc trị nấm (Antracol, Coc 85 …) phun xịt để ngừa nấm gây hại trong quá trình ủ hom và gây hại đến mầm của cỏ giống sau này.

e. Trồng cỏ:

- Trước khi trồng tiến hành bón phân để giúp cỏ phát triển tốt sau khi trồng, bón phân hữu cơ đã hoai mục 20 – 25 tấn/ha và phân lân khoảng 200 kg/ha.

Để hạn chế côn trùng trong đất gây hại đến mầm của cỏ sau khi trồng, sử dụng thuốc rải như Diazan 10H, Basudin … khoảng 2 kg/ha.

Thuốc được rải trước xuống rãnh, sau khi rải thuốc tiến hành bón lót phân vô cơ và phân hữu cơ, rải một lớp đất mịn dầy 3 – 5 cm.

- Hom giống được đặt dọc theo rãnh đào, theo hình nanh sấu gối đầu lên nhau, sau khi đặt hom xong tiến hành phủ đất lại, đất được phủ phải cao hơn mặt liếp để không bị đọng nước dễ bị thối hom.

Trong quá trình phủ đất không được nén chặt đất vì sẽ làm gãy mầm của hom cỏ giống và mầm cỏ phát triển chậm sau khi trồng.

Khi trời nắng cần phải tưới nước để đảm bảo đủ ẩm độ cho mầm cỏ giống phát triển tốt.

3. Chăm sóc

- Đối với cỏ voi, trong một chu kỳ thu hoạch ta chỉ cần bón phân 1 lần là đảm bảo cây phát triển tốt và cho năng suất hiệu quả

- Sau 10 – 15 ngày trồng mầm cỏ mọc cao lên trên mặt đất thì trồng dặm vào những chỗ hom chết, xới xáo cỏ dại.

- Mỗi lần cắt xong phải làm sạch cỏ dại, cắt sạch lá khô dưới gốc, vào mùa khô sau mỗi lần bón phân tiến hành tưới đẫm để giúp cỏ phát triển tốt.

* Thời gian và lượng phân bón:

- Đối với cỏ mới trồng, khi cây cỏ cao khoảng 30 – 35 cm tiến hành bón phân để giúp cây cỏ phát triển tốt.

- Đối với cỏ voi đang trong thời gian khai thác, sau khi đã khai thác xong khoảng 10 – 15 ngày, cây cỏ đã xuất hiện mầm mới cao khoảng 20 – 25cm, tiến hành bón phân để giúp cây cỏ phát triển tốt.

- Lượng phân bón: mùa khô bón 80 kg Ure/lần thu hoạch, mùa mưa bón 80kg Ure + 15 kg KCl/ha/lần thu hoạch.

- Bên cạnh việc bón phân định kỳ sau mỗi đợt thu hoạch thì hàng năm ta bổ sung thêm phân lân 400 kg/ha, bón vào đầu và cuối mùa mưa của năm.

* Cách bón phân :

Lượng phân bón được trộn đều với nhau và tiến hành bón đều trên diện tích trồng cỏ.

Vào mùa mưa sau khi bón phân không cần tưới nước, nhưng vào mùa nắng sau khi bón phân xong thì tiến hành tưới để giúp cây cỏ hấp thu được lượng phân đã bón.

4. Thu hoạch: 

- Đợt thu hoạch khi cỏ được 50 – 60 ngày tuổi (không thu hoạch non đợt đầu ảnh hưởng tới khả năng tái sinh của cỏ).

Các đợt sau thu hoạch cách nhau khoảng 40 - 45 ngày.

Cắt sát gốc (cách mặt đất 4 – 5 cm).

Cắt non quá cỏ nhiều lá, mềm, bò thích ăn nhưng chất khô của cỏ rất thấp (có thể dưới 10%), vì vậy bò ăn no bụng nhưng vẫn thiếu chất khô.

Cắt già quá phần thân dưới hoá gỗ cứng, bò ăn không hết trở nên lãng phí.

Cỏ voi không được chăm sóc sẽ phát triển chậm, thân già cứng sớm bò cũng không thích ăn.

- Như vậy mỗi năm tiến hành thu hoạch 8 lần, ước lượng năng suất đạt khoảng 240 tấn/ha/năm.

* Chú ý:

Khi khai thác cỏ voi không nên phát sát mặt đất hoặc phát chừa gốc lại quá cao.

Vì cỏ voi sau mỗi chu kỳ khai thác, cây sẽ bật mầm ở vị trí mắt gần sát gốc, nên nếu ta phát sát mặt đất có khả năng cây sẽ không bật mầm mới và dẫn tới chết cây, ngược lại nếu phát chừa gốc lại quá cao sẽ dẫn tới hiện tượng lồi gốc và cây phát triển lại rất yếu.


Tiết lộ cách đọc tuổi sâm Ngọc Linh qua vết sẹo của củ Tiết lộ cách đọc tuổi sâm Ngọc Linh… Lập Thạch lập làng xanh, nhà xanh Lập Thạch lập làng xanh, nhà xanh