Kỹ Thuật Trồng Khoai Tây Thương Phẩm Ở Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ
Khoai tây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao vì vậy, khoai tây là cây lương thực chủ yếu của nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, khoai tây là cây vụ đông quan trọng trong công thức luân canh Lúa Xuân - Lúa mùa sớm - Khoai tây. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật trồng khoai tây thương phẩm ở vùng đồng bằng Bắc bộ:
1. Đất trồng
- Chọn loại đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, thuận tiện tưới tiêu nước, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.
2. Thời vụ trồng
- Vụ sớm: trồng vào đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 12
- Vụ chính: trồng vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2
- Vụ Xuân: trồng vào tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3
3. Làm đất và lên luống
3.1. Độ ẩm đất
Trước khi thu hoạch lúa 1 - 2 tuần cần tháo nước để ruộng lúa khô vừa phải, thuận tiện cho gặt lúa đồng thời cây khoai sẽ mọc nhanh, hạn chế sâu xám và bệnh lở cổ rễ ở giai đoạn mọc.
Nhận biết đất đủ ẩm bằng cách: Khi cắt lúa, bước chân xuống ruộng thấy mặt đất lún xuống in vết bàn chân hoặc lấy đất vào lòng bàn tay nắm mạnh, nếu thấy đất nắm được thành nắm và bóp nhẹ đất rời ra là đất vừa đủ ẩm.
3.2. Làm đất
Cày bừa làm nhỏ đất, kết hợp thu gom rơm rác và gốc rạ để hạn chế sâu bệnh truyền sang khoai. Đất cục quá to sẽ làm cho củ phát triển méo mó. Đất quá nhỏ, quá mịn cũng không phù hợp vì khi tưới nước đất dễ bị gí.
3.3. Lên luống
Có thể trồng hàng đơn hoặc hàng đôi
- Luống đơn: rộng 70 - 80 cm (kể cả rãnh)
- Luống đôi: rộng khoảng 120 - 140 cm
Chiều cao luống 20 - 25 cm, rãnh 20 - 25 cm
4. Phân bón
- Lượng phân bón cho 1 ha: 15 - 20 tấn phân chuồng hoai + 300 - 350 kg đạm urê + 350 - 400 kg lân supe + 160 - 200 kg kali sunphat
- Cách bón: + Bón lót: toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm
+ Bón thúc lần 1: khi cây cao 15 - 20 cm, bón 1/3 đạm + 1/2 kali
+ Bón thúc lần 2: sau bón thúc lần 1 từ 15 - 20 ngày, bón nốt lượng phân còn lại
Không để phân tiếp xúc trực tiếp với củ giống và gốc cây
5. Mật độ và khoảng cách trồng
- Để có năng suất cao, củ to đều, trồng 4 - 5 củ/m2, đặt củ cách nhau 30 - 35 cm. Lưu ý, khi đặt củ phải điều chỉnh, củ nhỏ thì đặt dày hơn, củ to thì thưa hơn một chút.
- Sau khi đặt củ thì lấp một lớp đất dày 3 - 5 cm. Khi trồng nếu đất khô phải tưới nước trước khi bón phân để cây mọc nhanh.
6. Chăm sóc
- Chăm sóc đợt 1: khi cây cao 15 - 20cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón phân thúc đợt 1 rồi vun luống.
- Chăm sóc đợt 2: sau chăm sóc đợt 1 khoảng 15 - 20 ngày, tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối. Cần vun luống cao, to và vét sạch đất ở rãnh.
7. Tưới nước
- Tưới rãnh: áp dụng với ruộng phẳng. Cho nước ngập khoảng 1/2 rãnh, khi nước ngấm đều thì tháo cạn. Tưới rãnh 2 - 3 lần trong một vụ khoai tây. Khi phát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì không tưới rãnh.
- Tưới phun mưa: áp dụng với ruộng không bằng phẳng, xa nguồn nước.
- Giữ độ ẩm đất khoảng 75 - 80 % độ ẩm tối đa đồng ruộng. Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần
8. Sâu bệnh hại
8.1. Bệnh virut
- Virut là nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa cây trồng. Những bệnh virut thường gặp ở khoai tây:
+ Bệnh virut xoăn lùn: triệu chứng đặc trưng là lá bị xoăn lại, cây còi cọc thấp lùn xuống. Cây bị nhẹ thì lá nhăn lại, phiến lá gồ ghề không phẳng, phiến lá có màu xanh đậm - nhạt xen nhau không bình thường, củ nhỏ và ít củ.
+ Bệnh virut cuốn lá: những lá phía dưới bị cong lên, màu sắc lá trở thành vàng nhạt, tím tía hoặc đỏ.
- Biện pháp phòng trừ: dùng củ giống sạch bệnh; phun thuốc trừ rệp môi giới truyền bệnh; nhổ bỏ cây bệnh và tiêu hủy tàn dư. Khi nhổ bỏ cây bệnh bằng tay không để tay tiếp xúc với cây khỏe.
8.2. Bệnh héo xanh vi khuẩn
- Triệu chứng: cây đang xanh, lá và thân héo rũ đột ngột; lát cắt ngang thân và củ có dịch nhầy tiết ra. Cây bị bệnh chết thối nhũn, củ nhiễm bệnh thối nhũn có mùi khó chịu.
- Biện pháp phòng trừ: sử dụng củ giống sạch bệnh; luân canh khoai tây với lúa nước, không trồng khoai tây trên ruộng vụ trước trồng các cây họ cà; không bón phân chuồng tươi; tránh dùng nước tưới nhiễm khuẩn; khi có mưa to phải tháo kiệt nước; nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh và tiêu hủy tàn dư.
8.3. Bệnh mốc sương
- Khi nhiệt độ 10 - 15 độ C mưa phùn kéo dài, đặc biệt trời nhiều mây mù, độ ẩm không khí cao, ruộng khoai ẩm ướt thường phát sinh bệnh mốc sương.
- Biện pháp phòng trừ: dùng củ giống sạch bệnh; phun thuốc phòng bệnh định kỳ 10 ngày/lần từ sau trồng 45 ngày; kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện có ổ bệnh thì khẩn trương tập trung diệt ổ bệnh và phun thuốc phòng trừ cả cánh đồng khoai.
Có thể dùng thuốc Booc đo 1% hoặc Zineb 80 WP, Ridomil Golde 68 WP.
8.4. Rệp
- Với khoai tây, thời kỳ 30 - 60 ngày tuổi thường có rệp xuất hiện.
- Có thể dùng thuốc Pegasus 500EC hoặc Trebon 10EC để phun.
8.5. Nhện trắng
- Thường xuất hiện gây hại khi thời tiết ấm và khô
- Biện pháp phòng trừ: Theo dõi thường xuyên sớm phát hiện nhện trắng. Có thể dùng thuốc Supracide 40EC hoặc Ortus 5SC để phun.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ