Cây cao su Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 2

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 2

Tác giả Võ Tá Trường - Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, ngày đăng 08/06/2018

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 2

Phần 2. Hướng dẫn chăm sóc vườn cao su kiến thiết cơ bản

III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC CAO SU KIẾN THIẾT CƠ BẢN:

1. Làm cỏ trên hàng cao su:

- Cỏ tranh, cỏ lá trúc, le phải diệt sạch trước khi trồng mới bằng cơ giới, thủ công hoặc hoá chất.

- Năm trồng mới: sau khi trồng xong, phải tạo mặt bằng trên hàng kết hợp với làm sạch cỏ quanh gốc cao su bán kính 1,0 m, làm cỏ 2 - 3 lần/năm. Khi làm cỏ trên hàng không được kéo đất ra khỏi gốc cao su.

- Đối với đất dốc bình quân > 10o, phải làm cỏ theo bồn để chống xói mòn rữa trôi đất. Đối với vùng đất thấp trũng hoặc đất thuộc rừng khộp nghèo ngập úng, làm cỏ kết hợp với vun gốc cao hơn mặt đất tự nhiên ít nhất 10 cm để hạn chế úng cục bộ trong mùa mưa.

- Năm thứ hai làm cỏ 3 - 4 lần năm cách gốc cao su mỗi bên 1,5 m.

- Từ năm thứ ba trở đi, kiểm soát cỏ dại bằng thuốc diệt cỏ 2 lần năm vào đầu mùa mưa và gần cuối mùa mưa.

2. Quản lý cỏ giữa hàng cao su:

- Duy trì thảm thực vật tự nhiên cao 15 - 20 cm. Năm trồng mới phát 1 lần năm vào cuối mùa mưa. Từ năm thứ hai đến năm thứ tư phát 2 - 3 lần năm. Các năm còn lại phát 2 lần năm.

- Không cày ở vùng đất có độ dốc bình quân trên 10o. Trên đất bằng cày giữa hàng chỉ khi trồng xen, hoặc thiết lập thảm phủ, cày cách gốc cao su tối thiểu là 1,5 m.

- Đối với đất rừng khộp ngập úng, có thể tổ chức cày lên líp cho vườn cây trồng mới và kiến thiết cơ bản năm 1 để hạn chế úng cục bộ vào mùa mưa. 

Phương pháp: cày vun hai bên hàng cao su, chừa khoảng 1,5 m ở giữa luồng để duy trì thảm họ đậu cho việc thâm canh và chống thoát hơi nước.

3. Tủ gốc và quét vôi chống nắng:

- Trong hai năm đầu, tủ gốc bằng cỏ, thảm phủ họ đậu hoặc tàn dư thực vật từ cây trồng xen vào cuối mùa mưa. Trước khi tủ gốc phải xới váng quanh gốc, tủ theo hình vành khăn cách gốc 10 cm, bán kính tủ gốc ít nhất 1,0 m, dày tối thiểu 10 cm, sau đó phủ lên một lớp đất dày khoảng 5 cm.

- Có thể tủ gốc bằng màng phủ nông nghiệp (PE), kích thước tấm PE tối thiểu 1,0 m x 1,0 m. Không để màng phủ tiếp xúc với gốc cây và mặt sáng của màng phủ quay lên trên, sau khi tủ xong phủ đất che kín màng phủ.

- Đối với những vùng đất trũng thấp và đất rừng khộp nghèo ngập úng, khi tủ gốc, vun gốc cao 15 - 20 cm, bán kính 1,0 m quanh gốc cao su.

- Vùng có ảnh hưởng nắng nóng kéo dài gây cháy nắng cho cây cao su thì tiến hành quét vôi (nồng độ 5%) đoạn thân hoá nâu, chiều cao 1,0 m tính từ mặt đất trước khi khép tán.

4 . Bón phân cho vườn cao su kiến thiết cơ bản:

4.1. Bón phân vô cơ:

- Liều lượng và chủng loại phân bón: liều lượng và chủng loại phân bón theo hạng đất và tuổi cây quy định. Nếu có điều kiện sử dụng phân trộn NPK hay hỗn hợp thay cho phân đơn. 

- Nếu có điều kiện nên bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng.

- Số lần bón phân: phân vô cơ được chia làm 2 - 3 lần bón trong năm.

+ Năm trồng mới: bón lần thứ nhất sau khi trồng mới 1 tháng, bón lần thứ hai cách lần thứ nhất ít nhất một tháng. 

+ Năm thứ hai trở đi: bón hai lần vào đầu mùa mưa và trước cuối mùa mưa ít nhất 1 tháng.

- Thời điểm bón phân: bón phân khi đất đủ ẩm, không bón phân vào thời điểm có mưa lớn và mùa mưa dầm. 

- Cách bón: từ năm thứ nhất đến đầu năm thứ tư cuốc rãnh hình vành khăn hoặc bấu lỗ quanh gốc cao su theo hình chiếu của tán lá để bón phân, sau đó lấp đất vùi phân. Từ cuối năm thứ tư trở đi, bón phân vào băng rộng 1,0 m giữa hai hàng cao su. Các vườn có hố ép xanh và tích mùn và trên đất dốc > 10o, phải bón phân vào hố. Trước khi bón cào bớt đất lá ra khỏi hố, rải đều phân trong hố và lấp kín bằng xác bã thực vật tại chỗ.

Bảng 02: Lượng phân bón vô cơ khuyến cáo cao su kiến thiết cơ bản:

Năm Phân đạm (g) Phân Lân (g) Phân kali (g)
N Urê P2O5 Apatit K2O KCl
1 33 72 36 120 16 27
2 66 144 72 341 24 40
3 99 216 108 360 36 60
4 132 288 145 486 46 77
5 165 360 180 603 54 90
6 165 360 180 603 54 90

 

4.2. Bón phân qua lá:

- Phân bón qua lá được sử dụng trong hai năm đầu cao su khi trồng mới, chỉ được sử dụng các loại phân bón lá trong danh mục cho phép sử dụng trên cây cao su.

- Thời điểm phun: lần đầu tiên phun sau khi trồng mới một tháng, các lần phun sau cách nhau 15 ngày. Chỉ phun phân bón lá vào những ngày không mưa và có nhiệt độ trung bình ngoài trời > 150C, phun từ 7 - 10 giờ sáng.

- Cách phun: điều chỉnh và duy trì béc phun luôn tạo ra tia phun sương, phun đều mặt trên và mặt dưới của lá với liều lượng theo khuyến cáo.

4.3. Bón phân hữu cơ:

- Các loại phân hữu cơ có thể sử dụng trên vườn cao su kiến thiết cơ bản bao gồm: phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ vi sinh và phân khoáng hữu cơ. Các loại phân này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh và độc tố theo quy định của. Đối với phân hữu cơ vi sinh, chỉ sử dụng các loại có thể bón kết hợp với phân vô cơ.

- Khuyến cáo bổ sung phân hữu cơ cho vườn cây để cải thiện độ phì đất, tăng hiệu quả bón phân vô cơ khi hàm lượng mùn vườn cây H% < 2,5% hoặc hàm lượng carbon C% < 1,45%. Khi hàm lượng hữu cơ cao hoặc đối với các vườn kiến thiết cơ bản có sử dụng hố ép xanh, không bổ sung phân hữu cơ.

- Phân hữu cơ hoàn toàn không thể thay thế phân vô cơ. Vì vậy, khi bổ sung phân hữu cơ phải bảo đảm bón đủ lượng vô cơ tương đương theo quy định tại. 

- Trong giai đoạn từ vườn cây khép tán sang giai đoạn kinh doanh, khi bổ sung phân hữu cơ, bón vào hố tích mùn hoặc nếu không có hố tích mùn, vùi kỹ phân vào đất tại vị trí bón phân vô cơ.

- Không cho phép sử dụng phân chuồng, phân bắc chưa hoai và chất thải công nghiệp, chất thải các nhà máy chế biến chưa qua xử lý theo đúng quy định Nhà nước trên vườn cây cao su kiến thiết cơ bản.

- Không bón phân khi đất đang bị ngập, úng cục bộ.

5. Tỉa chồi, tạo tán cho cao su kiến thiết cơ bản:

5.1. Cắt chồi thực sinh, chồi ngang:

- Sau khi trồng phải cắt chồi thực sinh và chồi ngang kịp thời để chồi ghép phát triển tốt.

- Tỉa cành, tạo tán: trong các năm đầu kiến thiết cơ bản, tiến hành tỉa chồi, tạo tán ở độ cao từ 2,5 m - 3 m.

- Năm thứ nhất chỉ tỉa chồi ngang khi tầng lá trên cùng ổn định.

- Từ năm thứ hai phải tiến hành tỉa chồi. Ở hai tầng lá ổn định trên cùng của cây luôn để lại 2 - 3 chồi/tầng cùng phát triển. Duy trì biện pháp tỉa chồi có kiểm soát đến khi cây định hình tán.

5.2. Tạo tán cho cao su kiến thiết cơ bản:

- Điều kiện tạo tán cho cao su kiến thiết cơ bản: những vườn cây không phân cành ở độ cao từ 3,0 m trở lên vào năm thứ 3, thì tiến hành cắt ngọn để tạo tán.

- Phương pháp tạo tán:

+ Đối với dòng vô tính phân cành muộn, cắt ngọn ở độ cao 3 m trở lên, vị trí cắt nằm ở tầng lá trên cùng và chừa lại 3 lá ở đỉnh đã cắt. Chỉ tiến hành khi tầng lá trên cùng đã ổn định.

+ Số chồi để lại trên ngọn để tạo tán mới ít nhất 3 chồi; khoảng cách giữa các chồi tối thiểu từ 15 cm và được phân bố đều các phía để tán lá mới cân đối, hạn chế gãy cành, gãy tán do gió.

6. Trồng xen trong vườn cao su:

- Thiết lập thảm phủ cây họ đậu ngay từ năm thứ nhất. Trên diện tích xen canh cây ngắn ngày, thiết lập thảm phủ họ đậu ngay sau khi ngưng trồng xen.

- Các loại cây họ đậu có thể dùng làm thảm phủ cho vườn cao su kiến thiết cơ bản như Kudzu (Pueraria phaseoloides), Sắn dây dại (P. triloba), Mucuna Ấn Độ (Mucuna bracteata, M. cochinchinensis).

- Đối với Kudzu và Sắn dây dại, trồng 3 hàng thảm phủ giữa 2 hàng cao su theo khoảng cách 1,0 m x 1,0 m (mật độ 4.000 - 5.000 hốc/ha trồng xen). Thu hoạch hạt giống tuỳ từng điều kiện cụ thể.

- Đối với Mucuna Ấn Độ, trồng 1 hàng giữa 2 hàng cao su theo khoảng cách cây cách cây 5 - 6 m (mật độ 250 - 300 hốc/ha).

- Làm cỏ, bón phân cho thảm phủ giúp thảm phát triển nhanh ngay ở năm đầu, đặc biệt cần bón lót lân lúc trồng cây thảm phủ. Nơi cỏ dại phát triển mạnh, tiến hành làm cỏ 1 - 2 đợt cách nhau 30 - 45 ngày.


Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 3 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao… Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 1 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao…