Kỳ tích trồng màu trên vùng biển mặn
Đối với những vùng đất ven biển, nước mặn quanh năm tại tỉnh Cà Mau, người dân không còn độc canh con tôm mà đã biết biến khó khăn thành lợi thế khi phát triển mô hình trồng màu, mang lại hiệu quả cao.
Trong ảnh: Gia đình vợ chồng ông Tươi khấm khá nhờ mô hình trồng màu. Ảnh: Chúc Ly
“Xanh hóa” vùng đất mặn
Mô hình trồng màu tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời là một điển hình trong số đó. Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường vào các ấp Đất Mới, Đất Biển của xã, anh Nguyễn Văn Giới – Chủ tịch Hội ND xã Phong Điền cho biết: Những năm gần đây, đi đến đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của những dây khổ qua, bầu, bí, dưa leo, cây cải xanh... Một người trồng hiệu quả rồi nhiều người cùng làm và giờ đây là nhà nhà cùng trồng rau màu. Nhờ có cây màu, cuộc sống của nhiều nhà nông đã trở nên khá giả, từ một vùng mặn, cây màu đã phát triển như một “kỳ tích”.
Hiện dư nợ Quỹ Hỗ trợ ND toàn huyện là khoảng 3,5 tỷ đồng (nguồn vốn T.Ư giải ngân được 2 dự án, tỉnh 4 dự án và huyện 14 dự án). Các dự án được giải ngân đa dạng mô hình, đa số đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, mô hình sản xuất rau màu đã giải ngân được 3 dự án, đặc biệt có những dự trồng màu trên vùng mặn hiện đang mang lại thu nhập khá cho người dân.
Vừa chăm sóc các luống cải sắp đến ngày thu hoạch, ông Lý Hồng Tươi (ngụ ấp Đất Mới) chia sẻ: “Đất ở đây cao, nhiều phù sa nên trồng màu rất hiệu quả, năng suất cao hơn ở vùng ngọt. Như gia đình tôi, mỗi năm thu lãi từ 7.000m2 đất trồng màu trên 70 triệu đồng, cao hơn cả diện tích nuôi tôm quảng canh”.
Cũng theo ông Tươi, thời gian đầu, cái khó của việc trồng rau màu ở đây là mặt đất bị nhiễm phèn, mặn lâu năm nên phải tốn kém nhiều chi phí để đầu tư cho hệ thống nước tưới. Vào mùa khô phải mất nhiều thời gian chăm sóc, tưới nước liên tục thì cây màu mới phát triển tốt. Tuy nhiên, thuận lợi của việc trồng rau màu trên đất mặn là ít bị các loại sâu, bệnh gây hại, hạn chế được việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Tiếp sức nhà nông sản xuất
Với đà phát triển mô hình trồng màu trên đất mặn tại địa phương, đầu năm 2016, Hội ND xã Phong Điền lập dự án cho 20 hộ nông dân cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND (với tổng số vốn là 200 triệu đồng, trong thời hạn 18 tháng).
Là một trong những hộ được cho vay vốn, bà Lương Thị Hiền (ngụ ấp Đất Mới) vui vẻ nói: “Gia đình tôi có nguồn thu nhập chính nhờ vào gần 1ha đất trồng màu. Từ khi làm mô hình này, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Mỗi vụ cải từ 25-30 ngày, hết vụ thì cho đất nghỉ và cải tạo lại trong khoảng 10 ngày rồi làm tiếp, cứ thế sản xuất quanh năm”.
“Trồng màu ở vùng này tuy chi phí có cao hơn vùng ngọt nhưng năng suất luôn cao, tiêu thụ lại dễ dàng mà giá bán ra cũng khá cao, trung bình cải bán được 10.000 đồng/kg. Hiện nay mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ việc trồng màu trên 100 triệu đồng” – bà Hiền bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch Hội ND huyện Trần Văn Thời cho biết: Xã Phong Điền là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình trồng rau màu trên đất mặn, nhiều tổ hợp tác sản xuất được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Theo đó, các cấp Hội ND luôn tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng trong hội viên về hiệu quả của việc trồng rau màu, nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày và tăng thêm thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ