Làm giàu từ cây na trên vùng sỏi đá
Trồng na trên vùng đất sỏi đá, mỗi năm thu về gần 400 triệu đồng, anh Nguyễn Tấn Thạch (xã Kon Yang, huyện Kong Chro, Gia Lai) đang chứng minh cho nhiều người thấy, nếu có quyết tâm mọi thứ đều có thể làm được.
Dẫn chúng tôi đến vườn cây na đang trong mùa thu hoạch, anh Thạch cho biết, năm nay thời tiết không ủng hộ nên năng suất bị giảm khoảng 5 – 10 % so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá quả na lại cao nhất so với nhiều năm trở lại đây.
Nếu như năm ngoái, loại quả này có giá chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg thì hiện tại giá đã tăng lên gần 35.000 đồng/kg. Dù năng suất có giảm nhưng trung bình mỗi gốc na anh Thạch cũng thu về khoảng 6kg/năm. Với diện tích 1,8ha, anh Thạch trồng hàng ngàn gốc na, như vậy mỗi năm anh thu về gần 400 triệu đồng.
Để có được thành công như ngày hôm nay anh Thạch đã quyết tâm thay đổi mô hình cây trồng bằng cách phá bỏ những vườn cây mía, cây mì không hiệu quả để chuyển sang trồng cây na. Lúc bấy giờ nhiều người nghĩ anh liều vì dám phá bỏ cây mía vốn sống được trên mảnh đất sỏi đá để trồng na mà chưa biết kết quả sẽ như thế nào.
Anh tâm sự: “Gia đình có “4 miệng ăn”, nếu chỉ trông chờ vào cây mía thì cuộc sống càng thêm kiệt quệ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình bàn với vợ quyết tâm vay mượn tiền để chuyển đổi sang trồng cây na”.
Sau khi vay mượn được khoản tiền, anh Thạch đã trồng thử 6 sào với khoảng 500 gốc na. Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được phương pháp trồng, cùng với đó là sâu bệnh, thời tiết không thuận lợi khiến cây na phát triển không như ý muốn, gia đình cũng bị lỗ nặng. Không bỏ cuộc, anh Thạch tìm hiểu trên mạng cách thức trồng và chăm sóc cây na, cũng như cách điều trị sâu bệnh. Mặt khác, xác định cây na là cây trồng phát triển được trên vùng sỏi đá nên càng khiến anh thêm quyết tâm.
Chính việc không ngừng học hỏi, vườn na của gia đình anh Thạch đã cho hiệu quả và năng suất cao hơn năm trước. Theo anh Thạch, nếu so lợi nhuận với cây mía thì cây na cao gấp 4 – 5 lần. Nếu mỗi ha mía khoảng 40 – 60 triệu, đôi lúc mía rớt giá người nông dân còn phải bù lỗ. Trong khi đó, 1 ha trồng na sẽ thu về khoảng từ 150 – 200 triệu/năm. Nhờ chuyển đổi sang trồng na đã giúp anh Thạch mua được xe ô tô tải, đời sống gia đình được nâng cao .
Sau 10 năm trồng na trên vùng sỏi đá, anh Thạch đã gây dựng cho mình được hơn 1,8 ha diện tích na.
Chính vì cây na cho hiểu quả kinh tế cao, nên hiện nay nhiều người dân trong huyện Kông Chro đã nhân rộng mô hình này. Cũng từ đó, diện tích trồng cây na trên địa bàn đã tăng lên đáng kể với gần 70 ha, chủ yếu tập trung ở các xã như Kong Yang, Chư Loong, Đăk Song.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kong Chro, Gia Lai cho biết, những năm trước, cây trồng chủ lực của huyện là cây mía, mì và ngô lai. Tuy nhiên, các loại cây này ngày càng rớt giá, nhà máy cũng thu mua chậm nên người dân đã chuyển sang các loại cây ăn quả như: Na, Quýt đường, Thanh long.
Bước đầu cho thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khá hiệu quả. Trong số đó, cây na được nhiều người dân chọn để trồng. Cùng với gia đình anh Thạch, nhiều hộ dân trong vùng đã bước đầu thoát nghèo, kinh tế khá hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ