Mô hình kinh tế Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Ngày đăng 25/04/2015

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Với diện tích 3.700m2, ông Cát đã xây dựng thành một trang trại chăn nuôi khép kín, cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Mô hình trang trại của ông được nông dân nhiều nơi đến thăm quan học tập, bản thân ông cũng đã đem kinh nghiệm của mình phổ biến cho nhiều hộ dân cùng phát triển. Gia đình ông bắt đầu chăn nuôi từ năm 2004, nhờ niềm đam mê cùng ý chí làm giàu sau nhiều năm tâm huyết, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín.

Khác với nhiều trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa sử dụng cám công nghiệp, trang trại của ông Cát lại tận dụng triệt để nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ như ngô, sắn, rau… kết hợp với nấu rượu lấy bỗng cho lợn, làm dịch vụ xay xát lúa đã giảm đáng kể chi phí thức ăn đầu vào. Hệ thống chuồng trại được đầu tư đồng bộ, sử dụng bioga làm chất đốt, tiết kiệm củi, than đun nấu. Nước thải qua hầm bioga được đổ vào ao làm thức ăn nuôi cá.

Cũng theo ông Cát, trong chăn nuôi thì vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng là vấn đề quan trọng nhất. Hàng ngày, ông đều vệ sinh chuồng trại 2 lần và cứ 15 ngày lại cho lợn ăn thuốc một lần phòng các bệnh như: tiêu chảy, tụ huyết trùng. Đặc biệt, khi kết hợp với nấu rượu lấy bỗng làm thức ăn thì đường tiêu hóa của lợn rất tốt, một số bệnh liên quan đến đường ruột rất ít khi xảy ra.

Hiện nay, gia đình ông đang có gần 80 con lợn thịt, cứ 3 tháng ông xuất một lứa, trung bình mỗi năm xuất 15 tấn lợn hơi, trừ chi phí thu thu về trên dưới 200 triệu đồng. Ngoài ra, nửa mẫu ao nuôi cá ông thu về trên 30 triệu đồng. Một nguồn thu khác cũng không kém của ông Cát là nuôi ong lấy mật. Hiện nay, ông có 25 tổ, trung bình mỗi tháng quay mật 4 lần thu về 8 triệu đồng. Việc áp dụng mô hình khép kín và kết hợp với nuôi cá trong chăn nuôi đã giúp gia đình ông tránh và hạn chế được dịch bệnh cho đàn lợn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông cho biết, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ vào sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã và các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi, học hỏi, nắm vững các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tích cực học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của các mô hình sản xuất, kinh doanh đã thành công, rút ra những kinh nghiệm áp dụng sáng tạo vào mô hình của gia đình mình để đạt hiệu quả cao nhất. Bản thân người làm kinh tế cũng phải luôn nghiên cứu để nắm vững nhu cầu của thị trường cần loại sản phẩm gì để quyết định đầu tư nuôi, trồng bảo đảm đem lại giá trị thu nhập cao. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác thú y và chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi.

Ông Đỗ Tráng Vũ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liễu Đô cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 300 mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Trong đó có 7 trang trại thu nhập cao trên 150 triệu đồng, hàng năm, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng cho các gia đình mở rộng và phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục mở các lớp tập huấn, tổ chức cho các hội viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao để chia sẻ kinh nghiệm, học tập và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.


Hợp tác kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm Hợp tác kiểm soát dịch bệnh gia súc,… Một số lưu ý khi khởi sự nuôi bò sữa ở nông hộ Một số lưu ý khi khởi sự nuôi…