Lận Đận Nuôi Tôm Ở Cà Mau
Thả bao nhiêu chết bấy nhiêu
Ông Nguyễn Văn Luận, ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông (Cái Nước – Cà Mau) lắc đầu nói: “Thời tiết khi mưa to, lúc nắng nóng kéo dài thường xuyên xuất hiện như là điềm báo một mùa tôm đầy bất trắc”. Theo ông Luận, những tháng đầu năm không riêng gì gia đình ông thua lỗ vì nạn tôm chết hàng loạt, mà hầu hết bà con trong ấp đều lâm cảnh mất ăn mất ngủ vì bao nhiêu vốn liếng đổ vào vuông tôm giờ mất trắng.
Ông Luận tâm sự: “Gia đình tui có hơn 1 ha đất nuôi tôm, hơn 10 năm qua chưa bao giờ gặp cảnh tôm chết như hiện nay. Vụ năm trước, tuy tôm nuôi có chết nhưng vẫn còn gỡ được chút đỉnh. Sang năm nay tui quyết định đầu tư đậm để bù lỗ cho những vụ tôm thất bát trước đó, nhưng không ngờ lại trắng tay. Chỉ tính sơ sơ thôi cũng đổ sông, đổ biển hàng chục triệu đồng tiền con giống, đầu tư cải tạo ao đầm, thức ăn…”.
Thất bại nặng hơn gia đình ông Luận là trường hợp của anh Nguyễn Văn Đảo. “Gần 2 năm qua chưa lần nào tui thành công với con tôm. Thả bao nhiêu chết bấy nhiêu mặc dù sau khi tôm nuôi bị chết tui đều đầu tư tiền của cải tạo ao đầm nhưng tôm vẫn chết. Bây giờ tui không dám thả thêm con giống nữa vì số tiền vay đầu tư vào con tôm ở đầu vụ vẫn chưa trả hết”, anh Đảo khẳng định.
Theo nhiều nông dân thì đa phần tôm nuôi được từ 30- 40 ngày tuổi là bắt đầu chết. Ở độ tuổi tôm nuôi như thế này nông dân không thể thu hoạch được. Không chỉ người nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến hay nuôi tự nhiên bị thiệt hại mà cả những lão nông có nhiều kinh nghiệm, chưa hề thất bại trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp cũng phải bó tay trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Be, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước trắng tay sau hai vụ thả nuôi. Ông Be cho biết, ở những tháng cuối vụ năm 2011, ông đầu tư hàng chục triệu đồng vào hai đầm tôm công nghiệp nhưng thất bại. Sang đầu năm 2012, ông quyết định làm lại với hy vọng thu được lợi nhuận nhưng chỉ sau hơn 1 tháng thả nuôi, tôm trong đầm của ông lủi đầu vào mé ao chết trắng.
Tìm cách gỡ khó
Người nuôi tôm ở Cà Mau đang lúng túng trong việc thả nuôi, nhiều gia đình ít vốn thì trắng tay thậm chí đổ nợ sau nhiều lần thất bại liên tiếp. Còn đối với những gia đình khá giả cũng “án binh bất động” không dám tiếp tục thả thêm con giống. Theo báo cáo của ngành chức năng, tính từ đầu năm toàn tỉnh đã có hơn 150 ha tôm chết. Trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và Phú Tân. Tôm nuôi bị chết chủ yếu do bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng và gan tụy. Trong thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tìm mọi biện pháp để gỡ khó, hỗ trợ nông dân.
Kỹ sư Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng quản lý nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau nhận định: Thời tiết biến đổi bất thường khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt. Mưa to và nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển gây hại tôm. Do con tôm là loài thủy sản rất nhạy cảm với điều kiện môi trường nên khi thời tiết giữa ngày và đêm chênh lệch lớn cũng gây bất lợi lớn đến tôm nuôi.
Để giúp bà con nông dân hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay từ đầu vụ Chi cục nuôi trồng thủy sản phối hợp với ngành chức năng các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân lịch thời vụ, cách phòng chống dịch bệnh, biện pháp xử lý khi có dịch xảy ra… Tuy nhiên, theo ông Quốc vẫn còn nhiều hộ nuôi không tuân thủ theo lịch thời vụ (theo lịch thì bắt đầu thả nuôi từ tháng 4/2012) nên tình trạng tôm chết vẫn thường xuyên xảy ra.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN- PTNT Cà Mau cho biết, trước tình hình trên Sở đã chỉ đạo 4 đơn vị gồm: Chi cục NTTS, Chi cục Quản lý Chất lượng NLTS, Chi cục Thú y và Thanh tra Sở kết hợp với các trạm khuyến nông- khuyến ngư hướng dẫn bà con cách thức xử lý tôm chết trong vuông nuôi, hỗ trợ hóa chất để dập dịch… Tính đến thời điểm hiện tại, Sở NN- PTNT Cà Mau đã phân bổ 27 tấn Chlorine đến các địa phương trong tỉnh để điều độc khử trùng ao đầm bị nhiễm bệnh. Khoanh vùng tôm nuôi bị chết để xử lý nhằm không để dịch lây lan ra diện rộng.
Theo ông Bằng, để giảm thiểu tác hại trước sự thay đổi bất thường của thời tiết, một số ao đã thiệt hại, không nên thả lại mà cần phải cải tạo ao thật kỹ, phơi đầm, diệt mầm bệnh trong ao triệt để, tránh rủi ro cho vụ kế tiếp. Những hộ chưa thả thì dừng ngay việc thả giống, đến cuối tháng 3 bắt đầu thả lại.
Bên cạnh đó, công tác thủy lợi cũng cần xúc tiến đầu tư, chọn những kinh trục chính nạo vét, tạo điều kiện nước thuận lợi hơn cho SX. Nhất là đối với những hộ đã bị dịch bệnh cần phải xử lý triệt để, không xả nước ra ngoài làm phát tán nguồn bệnh. Trong thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục bám sát để hỗ trợ bà con. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống trên toàn địa bàn để đảm bảm người nuôi có được con giống sạch không mang mầm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ