Lao đao cà phê Hướng Hóa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi họp tìm lối thoát cho cà phê Hướng Hóa
Tình trạng tranh mua tranh bán, không chú trọng chất lượng là nguyên nhân chính làm giá cà phê xuống đáy.
Khóc bên rẫy cà phê
Huyện Hướng Hóa được xem là “thủ phủ” thứ hai của cà phê miền Trung với thương hiệu nỗi tiếng là cà phê Khe Sanh.
Song bước vào thời vụ năm nay, người trồng không muốn thu hoạch, để trái chín rục ngoài cây vì giá bán quá thấp.
Nguyễn Văn Diệu ở xã Hướng Phùng có 2 ha cà phê đến kỳ thu hoạch.
Mấy hôm nay cà phê chín rục ngoài rẫy nhưng không muốn thu hoạch.
Vẻ mặt Diệu buồn rười rượi.
Cà phê nơi đây chín quá sớm, hạt lép, mất mùa, mất giá.
Không chỉ mình Diệu, nhiều nông dân bỏ cà phê không thu hoạch.
Giá cà phê ở Hướng Hóa những ngày này chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Bà con nông dân rất tiếc nhưng phải vứt bỏ, nếu thu hoạch thì càng lỗ nặng.
Tiền thu hoạch mỗi ngày không đủ trả tiền công.
UBND xã Hướng Phùng cho biết, năm trước tuy giá cà phê thấp nhưng cũng được 6.000 - 9.000 đồng/kg.
Năm nay giá quá tệ, đi đâu cũng nghe nông dân than vãn, u buồn, dường như họ mất hết niềm tin vào cây cà phê.Toàn huyện có khoảng 30% diện tích cà phê bị chín sớm.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, nguyên nhân cà phê chín sớm được xác định là lúc trổ bông gặp hạn hán khốc liệt, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, đậu quả nên hạt chất lượng kém, chín sớm. Số cà phê chín sớm bị hạt lép, giá quá thấp khiến nông dân lao đao.
Nhiều người chỉ biết ngồi khóc bên rẫy cà phê, lo âu chẳng biết lấy tiền đâu để bù lỗ chi phí đầu tư, trả nợ ngân hàng.
Chán nản, nhiều hộ đã chặt bỏ.
4.000 ha chuẩn bị thu hoạch
Trước tình hình quá khó khăn cho cà phê Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức một cuộc họp tìm lối thoát cho cây trồng này.
Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, cà phê là cây chủ lực với tổng diện tích gần 5.000 ha.
Trong đó, diện tích cho thu hoạch 4.000 ha, dự kiến năm nay năng suất bình quân 11 - 12 tấn/ha (quá thấp), sản lượng ước đạt gần 50 ngàn tấn tươi.
Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa
Theo truyền thống, người trồng cà phê ở Hướng Hóa không cần tưới tiêu vì khí hậu ưu đãi.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hạn hán liên tiếp hoành hành nên phương thức canh tác cà phê truyền thống xem như không còn phù hợp. Năm nay hạn nặng gây thiệt hại lớn nên sản lượng cà phê thu hoạch đầu vụ tỷ lệ nhân xô chỉ đạt 40 - 45%.
Huyện đang động viên bà con cố gắng thu hoạch tận thu số cà phê chín sớm này.
Cà phê chính vụ sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10/2015.
Ông Hà Sỹ Đồng hứa sẽ có kiến nghị với Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật, sớm có văn bản chỉ đạo xem xét cho các DN đang nợ tiếp tục được vay vốn đầu tư phát triển cà phê.
Tuy nhiên, một điều khó khăn rất lớn là người trồng cà phê và DN ở địa phương này đã nợ gần 300 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn để phục vụ cho việc trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê.
Nông dân âu lo vì các DN ở Hướng Hóa không còn nguồn tiền để thu mua cà phê cho họ.
Tính toán sơ bộ nếu muốn mua hết 50 ngàn tấn cà phê của vụ này cần 300 tỷ đồng.
Trong lúc các DN đã hết tài sản thế chấp ngân hàng.
Hai DN thu mua chế biến cà phê XK lớn nhất Hướng Hóa là Cty Cà phê Thái Hòa và Cty Đại Lộc.
Ông Nguyễn Bá An, GĐ Cty Cà phê Thái Hòa cho biết, công suất NM chế biến cà phê của Cty gấp 3 lần sản lượng hiện có, nhưng NM vẫn đói nguyên liệu, chỉ đáp ứng được 40% công suất.
Có tình trạng này do tranh nhau mua nguyên liệu đầu vào, giá cả bấp bênh, kéo theo nhiều người thiệt hại.
Tình hình SXKD, xuất khẩu cà phê khó khăn, hai Cty này do nợ xấu, nợ quá hạn nên ngân hàng đã bán nợ.
Ông Nguyễn Bá An cho biết, Cty đã tái cơ cấu để trở lại SX, đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay vốn hoạt động.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng có mặt cũng lúng túng, chưa dám trả lời có tiếp tục cho hai Cty này vay nữa hay không?
Phải giữ thương hiệu
Chỉ đạo buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhắc nhở Hướng Hóa là một địa bàn không lớn nhưng có đến 19 cơ sở, DN tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê làm cho thị trường thêm rối rắm.
Phải kiểm tra các cơ sở thu mua, chế biến, cái nào không đủ điều kiện phải đóng cửa ngay.
Về chất lượng cà phê khi thu hoạch phải đúng thời điểm, đảm bảo phẩm cấp, tỷ lệ hạt nổi như Hiệp hội Cà phê - ca cao VN đề nghị.
Kịp thời xử lý vi phạm với những nơi thu mua, chế biến cà phê kém chất lượng.
Trước mắt, huyện động viên bà con không được tự ý chặt phá cà phê để trồng các cây khác.
Tập trung giữ thương hiệu cho cà phê Khe Sanh.
Sở NN-PTNT phối hợp với huyện rà soát diện tích cà phê cần tái canh để xin chủ trương cấp trên.
Ông Đồng nhấn mạnh, phát triển cà phê phải thích ứng với biến đổi khí hậu nên phải hết sức chú ý đến vấn đề tưới nước.
Tổ chức hội thảo khoa học, tìm ra phương án tưới nước phù hợp và tiết kiệm cho cà phê, không thể làm theo kiểu nhờ trời như bấy lâu nay.
Về thị trường, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, liên doanh liên kết giữa nông dân và DN cũng như ngưởi trồng cà phê.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ