Tin nông nghiệp Lập bản đồ nông nghiệp để định hướng phát triển khoai lang

Lập bản đồ nông nghiệp để định hướng phát triển khoai lang

Tác giả Lê Hoàng Vũ - Ngọc Thắng, ngày đăng 26/06/2021

Lập bản đồ nông nghiệp để định hướng phát triển khoai lang

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xây dựng bản đồ nông nghiệp để có sự kiểm soát, cập nhật sản lượng, diện tích nông sản, xác định thời điểm thu hoạch, kết nối tiêu thụ...

Việc trồng khoai lang tím cho thu nhập tốt những năm trước đã khiến nhiều nơi, nông dân ồ ạt trồng khoai lang khi còn mù mờ về thị trường tiêu thụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn yếu khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ 

Huyện Châu Thành hiện là một trong những địa phương có vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp với khoảng trên 3.300ha/năm, năng suất bình quân 25 tấn/ha, ước sản lượng đạt gần 100.000 tấn/năm.

Nông dân tập trung trồng khoai lang chủ yếu ở các xã như Phú Long, Hòa Tân, Tân Phú. Nhiều năm qua, với việc trồng khoai lang tím xuất khẩu đã giúp nông dân địa phương cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên 2 năm gần đây, từ những biến động bất thường của thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nông dân huyện Châu Thành trong việc tiêu thụ nông sản này.

Mặc dù sản phẩm khoai lang mang lại giá trị kinh tế ổn định nhưng thị trường tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và Campuchia.

Trong khi đó, khoai lang, vẫn đủ khả năng tiếp cận các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, để mặt hàng này xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong vụ xuân hè năm nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 266 ha khoai lang, với tổng sản lượng ước đạt khoảng 8.500 tấn chưa tiêu thụ được. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho khoai lang dựa trên đổi mới mối quan hệ sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Ông Phạm Tấn Xiếu, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Khoai lang là một trong những ngành hàng được huyện đưa vào thực hiện tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp. Để nâng cao giá trị ngành hàng này, huyện hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều mô hình trồng khoai giảm giá thành gắn với tiêu thụ. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng khoai lang của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở khác khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ...

Theo ông Xiếu, trong thời gian tới, để phát triển vùng trồng khoai lang theo hướng bền vững, một trong những vấn đề cốt lõi là phải củng cố lại mối liên kết sản xuất, phục vụ xuất khẩu giữa nông dân, HTX với các doanh nghiệp một cách bài bản, chặt chẽ, đi vào chiều sâu. Hiện nay, huyện Châu Thành được tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp cho vùng trồng khoai lang với diện tích 4.000 ha, chia làm 3 giai đoạn, với kinh phí gần 76 tỷ đồng.

Trước mắt, giai đoạn 1 (2021 – 2023) thực hiện 37 ha tại xã Hoà Tân, gồm cứng hóa bờ bao để kết nối giao thông trong vùng sản xuất với tuyến đường cặp Rạch Nha Mân và ĐT854 phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa.

Kế đến đầu tư hệ thống ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất như: Hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước, quản lý sản xuất bằng công nghệ số, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch… sau đó sẽ đánh giá, mở rộng diện tích.

Tính lại bài toán liên kết sản xuất

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ khoai đang gặp nhiều khó khăn không những ở Đồng Tháp mà “thủ phủ” khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long được xem lớn nhất miền Tây cũng rơi vào tịnh trạng điêu đứng.

Hiện giá bán khoai không bù được chi phí thu hoạch, thương lái thu mua số lượng rất ít. Nông dân sản xuất tự phát, thiếu liên kết và không có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ, chủ yếu do thương lái thu mua và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hay Campuchia.

Hiện nay giá khoai lang tím Nhật từ 5.000 - 6.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2020), người trồng khoai lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, khoai lang đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá khoai lang chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2020), người trồng khoai lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Để hỗ trợ người dân Châu Thành, những ngày qua, nhiều đơn vị như: HTX Đặc sản Đồng Tháp, Câu lạc bộ Doanh nhân Đồng Tháp tại TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, Nhóm Cấy nền giao thương Đồng Tháp... cùng hệ thống các siêu thị đã và đang kết nối, tiêu thụ khoai cho nông dân. Tuy nhiên, sản lượng khoai vẫn còn rất lớn.

Nổi bật nhất là HTX Đặc sản Đồng Tháp kết nối với tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ, qua đó khoai lang tím của bà con nông dân Châu Thành đã kịp thời tiêu thụ, tránh hao hụt hoặc hư hỏng do côn trùng tấn công.

Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX đặc sản Đồng Tháp, cho biết: Các thành viên của HTX gần như hoạt động hết công suất để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành. Hiện nay, nhiều thương lái bắt đầu đến vùng trồng khoai lang tím ở Châu Thành đến mua với giá cao hơn so với giá thị trường vài trăm đồng/kg.

Mới đây, dưới sự chủ trì của ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, các ban ngành, doanh nghiệp, HTX đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng khoai lang trong tỉnh.

Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu huyện Châu Thành phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoai lang cho nông dân, cấp xã, cấp huyện và Hội quán, HTX sản xuất khoai lang, nông dân tại địa phương phải cùng vào cuộc, khẩn trương cung cấp đủ sản lượng khoai theo đơn đặt hàng.

Về lâu dài, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn liên kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ xuất khẩu.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn kết với liên kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu khoai lang Châu Thành. Đồng thời nâng cao khả năng chế biến khoai lang của các HTX hay doanh nghiệp sau thu hoạch.

Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cần xây dựng Bản đồ nông nghiệp đối với mặt hàng nông sản, nhất là ngành hàng tái cơ cấu và yêu cầu bản đồ nông nghiệp phải cập nhật sản lượng, diện tích sản xuất, thời điểm thu hoạch. Từ đó có sự kiểm soát, kết nối tiêu thụ nông sản kịp thời cũng như đưa ra khuyến cáo giúp nông dân sản xuất bền vững hơn.

Và mới đây nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức xuất quân triển khai Chương trình “Nông sản Đồng Tháp - san sẻ yêu thương” cùng nhân dân TP.HCM vượt qua đại dịch Covid-19.

Khoảng 20 tấn gạo, 5 tấn khoai lang, 300 kg cá khô, 600 chai nước mắm, 1.000 trứng gà sẽ được vận chuyển bằng xe tải từ Đồng Tháp đến TP.HCM. Tổng trị giá hơn 300 triệu đồng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động các tổ chức, địa phương và mạnh thường quân để hỗ trợ cho nông dân.


Hàn Quốc hỗ trợ nông dân Sơn La canh tác rau quả có mái che Hàn Quốc hỗ trợ nông dân Sơn La… Bưởi da xanh vượt qua đại dịch Bưởi da xanh vượt qua đại dịch