Tin nông nghiệp Lên núi trồng cây dược liệu an xoa

Lên núi trồng cây dược liệu an xoa

Tác giả Trần Hồ, ngày đăng 05/10/2020

Lên núi trồng cây dược liệu an xoa

Với diện tích hàng chục héc ta cây an xoa, ông Đường Ngọc Sơn (xã Kim Long, huyện Tam Dương) được xem là người trồng loài cây dược liệu này lớn nhất Vĩnh Phúc.

Cây dược liệu an xoa được ông Đường Ngọc Sơn thâm canh dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Hồ.

Núi Đinh được biết đến là nơi "ngụ lộc” (lộc vua ban) gắn với truyền thuyết về bảy vị danh tướng họ Lỗ ở Bồ Lý đánh giặc Nguyên Mông, được vua Trần phong tước Đại vương (Lỗ Đinh Sơn thất vị đại vương) và ban đất tại khu Đinh Sơn (núi Đinh ngày nay).

Năm 1999, ông Đường Ngọc Sơn được chính quyền địa phương giao đất tại khu vực núi Đinh, đã dốc tiền bạc, công sức đầu tư trồng thông và cây ăn quả. Để tận dụng lợi thế đất dưới tán rừng, năm 2005 ông Sơn trồng xen cây dược liệu.

Ngày nay, xen giữa màu xanh của những đồi thông cổ thụ trên núi Đinh là những cây dược liệu quý như an xoa, trà hoa vàng, hoa hải đường, chanh leo và nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ vùng đất khô cằn, sỏi đá ông Sơn biến thành vùng chuyên canh cây an xoa lớn nhất vùng.

Đây là cây thân gỗ, lá có lông tơ, rộng bằng 3 đầu ngón tay, tất cả bộ phận trên cây đều dùng được làm thuốc bao gồm thân, cành, lá. Loại cây này rất phổ biến ở khu vực núi Đinh, núi Đúng và dưới chân núi Tam Đảo. Ban đầu ông Sơn trồng cây an xoa để biếu tặng bạn bè và trị bệnh cứu người. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đến hỏi xin, mua. Hiện mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn dược liệu an xoa qua chế biến.

Cây dược liệu an xoa được ông Đường Ngọc Sơn sơ chế có chức năng điều trị các bệnh về gan hiệu quả.

Thấy được tiềm năng và hướng phát triển bền vững loài cây mà trời ban tặng, năm 2015, ông Sơn đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng dược liệu an xoa. Đồng thời xây dựng đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý ở khu vực núi Đinh, trong đó cây an xoa là chủ lực.

Ông Sơn cũng xác định mục tiêu rõ ràng, cây an xoa được trồng thành khu, thành vùng dược liệu kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến tới sẽ mở rộng trồng để thay thế các cây khác cho hiệu quả kinh tế thấp.

Ông kể, ban đầu trồng an xoa gặp rất nhiều khó khăn vì đồi núi dốc, đường đi lầy lội. Ông đã xây nhiều bể nước dung tích lớn, nối đường ống với bể nước có chiều dài vài km, gắn các đầu phun tự động, khi mở van nước từ bể thì có thể tưới toàn bộ khu vực cây ăn quả, cây dược liệu mà không cần dùng tới nhân công.

Ngoài ra, việc chuyên chở cây và sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm, đường đi được mở rộng để tránh sạt lở, nhiều đoạn được bê tông hóa giúp cho xe cộ có thể đến tận nơi để vận chuyển. Nhiều vị trí đất được tạo mặt bằng để làm vườn ươm cây giống.

Hiện tại cơ sở chế biến an xoa của ông Sơn có 2 loại sản phẩm: Loại 1 phơi khô, sao vàng hạ thổ đóng gói có giá khoảng 140.000 đồng/kg; loại 2 sơ chế và đóng thành gói nhỏ dạng như trà túi lọc, phục vụ nhu cầu chữa bệnh cũng như tăng cường sức khỏe của người sử dụng.

“Hiện các sản phẩm từ cây dược liệu an xoa của tôi đang được tiêu thụ khắp cả nước, thậm chí cả nước ngoài nhưng vẫn không sản xuất đủ để bán. Tuy nhiên, tôi trồng cây an xoa này không để kinh doanh, không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ được cây thuốc quý, chữa bệnh hiệu quả cho người dân”, ông Đường Ngọc Sơn.


Bùng nổ mô hình nông nghiệp trên cao Bùng nổ mô hình nông nghiệp trên cao Brazil tìm cách giành thị phần cà phê đặc sản khi sản lượng tăng Brazil tìm cách giành thị phần cà phê…