Liên kết để cứu ngành chè
Do chất lượng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, đến giữa tháng 10.2015, sản phẩm chè xanh, chè đen và chè ô long tồn đọng trong kho tại các doanh nghiệp không xuất khẩu được là 4.938 tấn.
Hiện đã có 9 doanh nghiệp sản xuất chè xanh và chè đen tạm ngưng hoạt động; nhiều doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp trồng chè ô long đang sử dụng phương pháp cắt ngang cành để hạn chế thu hái nguyên liệu.
Cũng theo ông Sơn, giá chè nguyên liệu thu mua của các nhà máy giảm 5 - 10% so với cùng kỳ và số hợp đồng ký mới cũng giảm nhiều so với mọi năm.
Cũng theo ông Sơn, thị trường chè xanh, chè đen chủ yếu cung cấp cho các nước Pakistan, Afghanistan và hiện các nước này vẫn thu mua nhưng thanh toán chậm, rủi ro cao, gây khó khăn cho xuất khẩu.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nói: “Các doanh nghiệp chưa linh hoạt trong việc tìm kiếm thị trường, chỉ dựa vào thị trường truyền thống nên khi thị trường này có vấn đề thì bị ảnh hưởng ngay.
Không chỉ vậy, khi có thị trường mới, nhiều doanh nghiệp lại tranh bán với nhau làm cho giá trị của chè bị giảm xuống.
Hơn nữa sản lượng chè của Lâm Đồng đạt cao (18 tấn/ha, các nước khác chỉ 10 - 12 tấn/ha), chúng ta có lợi thế cạnh tranh về giá thì Đài Loan lại dùng rào cản kỹ thuật (tiêu chuẩn hoạt chất Fipronil cho phép gần như bằng 0) để ép chè Lâm Đồng.
Ngoài ra, từ tháng 10.2014 đến nay, giao thương giữa TQ và Đài Loan phát triển tốt, chè TQ bán qua Đài Loan nhiều nên cũng chiếm thị phần của chúng ta”.
Trong khi đó, ông Hồ Phương, Giám đốc Công ty TNHH TCB (KCN Lộc Sơn, Bảo Lộc) khẳng định:
“Chè không thiếu thị trường tiêu thụ, nhưng thị trường đang khó khăn, ngay công ty của tôi còn nợ nhiều hợp đồng nhưng không có chè để xuất vì chè không đạt chất lượng đáp ứng theo yêu cầu.
Ai có chè đạt chuẩn thì cứ đưa vào công ty chúng tôi”.
Phải bắt tay
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp tại hội nghị đều đề xuất giải pháp phải liên kết mới đủ sức cạnh tranh.
Ông Phạm Đức Nguyên, Giám đốc DNTN Phương Nam (Bảo Lộc), nêu ý kiến: “Chúng ta không có cánh đồng mẫu lớn để sản xuất chè mà đa số là manh mún nhỏ lẻ gây khó khăn khi sản xuất “sạch”, bởi xen kẽ vườn chè, vườn cà phê và các cây khác nên khi xịt thuốc bảo vệ thực vật của vườn cây bên cạnh sẽ ảnh hưởng đến vườn chè.
Không phải không có khách hàng, nhưng khi họ đến bảo mình đưa đi xem vùng nguyên liệu thì mình không biết đưa đi đâu, còn khi đưa họ ra xem thấy cách tổ chức sản xuất của mình như vậy thì họ khó tin là “sạch”, họ còn cho biết nguyên liệu mua trôi nổi như vậy thì làm sao hợp tác.
Chính vì vậy, bằng cách nào đó chúng ta phải liên kết lại với nhau để có diện tích lớn, tạo vùng nguyên liệu sạch để sản xuất kinh doanh theo chuỗi an toàn thực phẩm”.
Theo ông Phạm S: “Cần hình thành các liên minh sản xuất chè bền vững, đồng thời định hướng sản xuất các nhóm sản phẩm theo thị trường.
Từng doanh nghiệp phải chủ động khai thác thị trường trong nước, đầu tư kinh phí bảo hộ và phát triển thương hiệu chè B’Lao ra thị trường nước ngoài”.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Phạm S cho biết sẽ có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn giãn nợ cho các doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ