Liên Kết Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Chăn Nuôi Ở Hậu Lộc (Thanh Hóa)
Trước thực trạng chăn nuôi của nhiều địa phương đang gặp khó khăn, tổng đàn gia súc, gia cầm có chiều hướng giảm. Nhưng với mô hình liên kết trong chăn nuôi giữa các hộ dân với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã và đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.
Đầu năm 2012, thông qua chính quyền xã Minh Lộc, 11 hộ gia đình đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng 11 trang trại chăn nuôi. Theo đó, các hộ tham gia mô hình đầu tư từ 400 – 600 triệu đồng để xây dựng trang trại, phía công ty hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Việc xây dựng mô hình liên kết bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt đối với người chăn nuôi. Đến nay, xã Minh Lộc đã xây dựng được 3 khu chăn nuôi liên kết với 47 trang trại, gồm: 36 trang trại nuôi lợn và 11 trang trại nuôi gà, do hộ gia đình làm chủ với tổng vốn đầu tư xây dựng trang trại hàng trăm tỷ đồng. Bình quân, mỗi trang trại nuôi từ 5.000 – 10.000 con gà và từ 500 – 1.000 con lợn. Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng mô hình liên kết này vẫn trụ vững và làm ăn có hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Ngạn, xã Minh Lộc, cho biết: Trước đây, gia đình anh chỉ chăn nuôi theo hình thức gia trại, vì vậy chuồng trại và điều kiện chăn nuôi không bảo đảm, dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát cao, rủi ro lớn. Từ khi tham gia mô hình liên kết chăn nuôi với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, quy trình chăn nuôi được thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt, rủi ro do dịch bệnh hầu như không có. Không những thế, do được công ty bao tiêu sản phẩm, nên thị trường tiêu thụ luôn được bảo đảm, không lo bị tư thương ép giá, dù thị trường có biến động thì người chăn nuôi vẫn có lãi.
Không chỉ anh Ngạn mà nhiều hộ gia đình hiện đang có trang trại chăn nuôi theo hình thức liên kết tại xã Minh Lộc đều có chung nhận định trên. Bởi vậy, hình thức chăn nuôi này đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Hậu Lộc.
Hiện tại, ngoài xã Minh Lộc, các xã Phú Lộc, Liên Lộc, Quang Lộc cũng đã có hàng chục trang trại liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Theo đó, người chăn nuôi phải bảo đảm nghiêm ngặt về thức ăn, phòng dịch cũng như vệ sinh môi trường. Đầu ra sản phẩm được công ty liên kết bảo đảm bao tiêu toàn bộ trong vòng 5 năm. Ước tính: 1 trang trại nuôi từ 5.000 con gà trở lên trong vòng 2 tháng sẽ cho thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng; nuôi từ 1.000 con lợn trở lên trong vòng 2,5 đến 3 tháng sẽ thu lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng.
Từ những kết quả ban đầu, huyện Hậu Lộc đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi liên kết. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, cho biết: Sau một thời gian triển khai, nhận thấy việc chăn nuôi theo hình thức liên kết thực sự đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi nên huyện đã có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, giảm phí thuê mặt bằng những năm đầu cho các hộ dân, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi nhằm khuyến khích người chăn nuôi có thêm động lực, mạnh dạn mở rộng quy mô.
Thực tế chứng minh, việc hình thành và phát triển mô hình chăn nuôi liên kết ở Hậu Lộc đang là 1 hướng đi mới không những phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi mà còn là lời giải để giải quyết những khó khăn mà ngành chăn nuôi đang gặp phải.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ