Mô hình kinh tế Liên kết sản xuất mía đường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Liên kết sản xuất mía đường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tác giả Hồng Nhung, ngày đăng 01/08/2016

Liên kết sản xuất mía đường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Hầu hết người dân trồng mía ở các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... đều công nhận sản xuất mía theo chuỗi sẽ yên tâm về giá bán, nơi tiêu thụ và thu nhập cao hơn những hộ sản xuất tự do.

"Trong bối cảnh hội nhập, ngành mía đường trong nước đối diện nhiều vấn đề như nhập khẩu đường, giá đường giảm, trong khi chữ đường của mía sản xuất trong nước lại thấp do giống mía kém chất lượng, mía không đủ chín làm hao hụt nhiều.

Vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào khâu canh tác, nghiên cứu chọn giống mía, phổ biến kỹ thuật trồng mía đạt chất lượng cao, đặc biệt tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng mía”, ông Hòa chia sẻ.

Theo nông dân Trần Văn Khá, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, toàn bộ diện tích mía của ông đã được Cty Cổ phần mía đường Cần Thơ kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 850 đồng/kg loại 10CCS (chữ đường). Ước tính, với 5ha mía trong vụ thu hoạch sắp tới sẽ cho sản lượng 500 tấn mía. Sau khi trừ chi phí ông sẽ lãi 150 triệu đồng.

Ông Phạm Thành Hợp, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần mía đường Sóc Trăng, cho biết, công ty đã kí hợp đồng thu mua mía cho người dân tại huyện Cù Lao Dung trong các niên vụ mía vừa qua. Khi vùng nguyên liệu gặp thiệt hại, công ty đã phối hợp với chính quyền huyện hỗ trợ 100 triệu đồng giúp nông dân tái sản xuất.

Đây cũng là một phần trong chương trình liên kết với các hộ nông dân sản xuất mía, cung cấp nguyên liệu cho công ty. Hơn nữa, mối liên kết này sẽ giúp người dân trồng mía có giá bán ổn định, trụ vững với cây mía. Đồng thời, công ty cũng hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc mía cho các hộ nông dân.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho nhà máy, ngoài thu mua mía cho những người dân tại tỉnh Hậu Giang, Cty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) còn kí hợp đồng với những nơi khác như Kiên Giang, Trà Vinh.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc điều hành Casuco, trong niên vụ 2016-2017, Casuco đã kí hợp đồng thu mua cho hơn 1.200 ha mía tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, với tổng sản lượng hơn 120.000 tấn mía với giá dao động từ 900 đồng – 1.000 đồng/kg mía cây. Với giá này nông dân sẽ có lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng nông nghiệp huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cho biết, thời gian qua, tổng diện tích mía trên địa bàn huyện được ký hợp đồng bao tiêu là hơn 2.000 ha, với sản lượng hơn 200.000 tấn.

Về giống mía, theo bà Nguyễn Thị Bắp, Phó trưởng Trại giống cây trồng Long Phú, vì thời gian sinh trưởng của cây mía dài nên quá trình khảo nghiệm giống cũng lâu hơn. Trại giống Long Phú đã đưa ra được các giống như Khon Khoèn 3 có thể chịu được nước mặn đến 5 phần nghìn, một số giống khác như K95-156, K95-84, KPS 01-25 cho năng suất, chữ đường cao và có khả năng chịu mặn đến 4 phần nghìn. Hầu hết thời gian chịu mặn của các giống này trong 1 con nước (tức 15 ngày triều lên). Hiện chưa có giống mía nào chịu đựng được thời gian mặn kéo dài hơn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng, trong những niên vụ mía tiếp theo, các doanh nghiệp phải xác định rõ vùng nguyên liệu của mình, chủ động tiếp tục đầu tư, ứng phó với tình hình thiên tai, hạn hán cho những năm sắp tới, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm, ngoài mối liên kết với doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương cần hướng dẫn cho nông dân trồng mía xen canh để đảm bảo thu nhập như xen canh mía với cây ngô ở vùng ĐBSCL, hoặc xen canh mía với cao su ở Đông Nam bộ.

Trong niên vụ mía 2015-2016, cả nước có hơn 284.000 ha mía, sản lượng đạt hơn 18 triệu tấn, giảm 8% về sản lượng so với niên vụ trước do tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất hơn 150.000 tấn mía/ngày.


Thoát nghèo nhờ nuôi tôm trên cát Thoát nghèo nhờ nuôi tôm trên cát Khởi nghiệp làm nấm chỉ với... 300.000 đồng Khởi nghiệp làm nấm chỉ với... 300.000 đồng