Mô hình kinh tế Lỡ Cơ Hội Từ Đậu Nành

Lỡ Cơ Hội Từ Đậu Nành

Ngày đăng 08/05/2014

Lỡ Cơ Hội Từ Đậu Nành

Trong khi nông dân nhiều nơi có xu thế bỏ trồng cây đậu nành để chuyển sang trồng lúa, khoai... thì có một thực tế là nhu cầu về đậu nành lại đang ngày một tăng lên...

Giảm vì lợi nhuận

Trung tâm Nghiên cứu đậu nành Vinasoy (VSAC) và Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ (NCSB), Đại học Missouri vừa tiến hành cuộc khảo sát tại một số địa phương ở Tây Nguyên và kết quả công bố cuối tuần qua cho thấy, nhiều nông dân từ lâu đã không còn trồng đậu nành, mà chuyển sang trồng lúa, khoai lang, bắp... do lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, nhu cầu đậu nành thì ngày một tăng lên.

Ông Vương Đình Trị- chuyên gia của NCSB cho biết, người dân bỏ cây đậu nành vì đến nay chưa có một dịch vụ hay tổ chức nào tại Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp hạt giống chất lượng tốt cho người nông dân và bao tiêu sản phẩm.

Còn theo GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng VN, hiện nay giống đậu nành quanh đi quẩn lại chỉ có vài giống do Viện Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ cung cấp. Rất nhiều nơi, do thiếu giống nên người dân dùng cả giống đậu nành của vụ hè đem trồng cho vụ đông nên năng suất, chất lượng không đảm bảo.

Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng đưa ra nguyên nhân khiến diện tích trồng đậu nành của Việt Nam ngày một giảm là do giá đậu nành nhập khẩu thường rẻ hơn giá đậu nành sản xuất trong nước, vì thế doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu về để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ép lấy dầu.

Tuy nhiên, đậu nành nhập khẩu không thể làm được các loại thức uống. ông Nguyễn Văn Tụ-Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cho biết, các doanh nghiệp thường chọn đậu nành trong nước để sản xuất thức uống nhưng cung không đủ cầu mà nhập khẩu cũng rất vất vả, tốn kém. Chưa kể, đậu nhập khẩu để quá 6 tháng chất lượng sẽ giảm, ảnh hưởng đến hương vị của các loại thức uống.

Cần “cuộc cách mạng” cho đậu nành

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2010 Việt Nam có diện tích trồng đậu nành vào khoảng 200.000ha, nhưng nay diện tích chỉ còn 120.000 – 130.000ha, năng suất trung bình là 1,5 tấn/ha.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Quang Minh (tỉnh Hưng Yên) - ông Trần Thanh Quang cho biết, công suất của một nhà máy của tập đoàn đã hơn 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng đậu nành của nước ta hiện nay chỉ xấp xỉ 200.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu của Quang Minh chứ chưa nói gì đến các nhà máy khác.

Theo số liệu thống kê chính thức, đậu nành đang được trồng tại 25 trong số 63 tỉnh thành cả nước, với khoảng 65% tại các khu vực phía Bắc và 35% tại các khu vực phía Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, diện tích đất quy hoạch đậu nành khoảng 100.000ha, tận dụng tăng vụ trên đất lúa để năm 2020 diện tích gieo trồng khoảng 350.000ha, sản lượng 700.000 tấn; vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng thống kê, năm 2011 nhu cầu đậu nành của nước ta khoảng 3,1 triệu tấn, năm 2015 sẽ tăng lên là 4,2 triệu tấn và 2020 là 5 triệu tấn. Nếu các địa phương không sớm quy hoạch và hình thành các vùng chuyên canh cây đậu nành thì nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu này sẽ rất lớn và mỗi năm Việt Nam sẽ phải lãng phí hàng tỷ USD để nhập khẩu khô đậu tương.

Có một thực tế vô lý là hầu hết các tỉnh miền Bắc đều báo cáo diện tích cây đậu tương tại địa phương giảm dần theo từng năm. Theo ông Quang, hiện chi phí cho khâu thu hoạch, chăm sóc, vận chuyển ở nước ta quá tốn kém, lãng phí là nguyên nhân khiến giá thành đậu nành bị đẩy lên cao, trong khi giá bán thì thấp, nông dân không có lãi.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có một “cuộc cách mạng dành” cho cây đậu nành. Loại cây này hiện được tập trung trồng nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Những địa phương nào có khả năng mở rộng diện tích nên mở rộng tối đa theo nhiều hướng, đặc biệt là khu vực miền núi, tỉnh nào không mở rộng được diện tích thì chú trọng nâng cao năng suất và hiệu quả, hình thành nên những vùng chuyên canh lớn để giảm giá thành.

Viện Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ nên sớm đưa ra được bộ giống cho cây đậu tương, tiếp đó phải xây dựng một quy trình chuẩn để thâm canh, xen canh, luân canh cây đậu tương cho mọi người dân, mọi địa phương đều nắm rõ.

Do người dân không mặn mà với cây đậu nành, mới đây Bộ NNPTNT có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về giống cho nông dân với mức 2 triệu đồng/ha khi chuyển đổi diện tích canh tác cây lúa chất lượng thấp sang trồng đậu nành, ngô...

Theo Bộ NNPTNT, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng đậu nành nhập khẩu lên đến 502.000 tấn, tương đương 292 triệu USD, tăng hơn 70% về lượng và hơn 62% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Hiện giá đậu nành giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa ở mức gần 540 USD/tấn, tính ra giá 1kg chỉ khoảng 12.000 đồng/kg.


Kiệt Quệ Vì Tôm Kiệt Quệ Vì Tôm “Gạo Nhân Tạo” Ở Bogor Ngon Thật! “Gạo Nhân Tạo” Ở Bogor Ngon Thật!