Mô hình kinh tế Loay hoay cây mía củ gừng

Loay hoay cây mía củ gừng

Ngày đăng 19/10/2015

Loay hoay cây mía củ gừng

Đến những năm 1990, cây mía về, suốt thời gian dài đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con.

Nhưng giờ đây cây mía không còn trụ được, nó trở thành gánh nặng và nỗi lo cho hàng chục ngàn nông dân, không riêng vùng mía nguyên liệu Thới Bình.

Vùng đất Biển Bạch Ðông, Trí Lực, Trí Phải nay không còn thấy cảnh bạt ngàn mía, dù đây đã bắt đầu vụ thu hoạch.

Bên liếp vừa mới thu hoạch xong vụ củ cải trắng, ông Nguyễn Văn Hậu, ấp 5, xã Thới Bình, tặc lưỡi: “Hơn 3 ha mía phải bỏ hẳn, sau 3 năm đeo bám chờ ngày phất lên.

Bây giờ nhắc tới mía, tôi còn sởn gai ốc!”.

Không khá được từ mía

Mía rớt giá, thương lái quay lưng bỏ cả tiền đặt cọc, Nhà máy đường Thới Bình thì chê mía không đủ chử đường nên mua giá thấp… bao nhiêu là nguyên nhân đổ dồn vào vai người trồng mía.

Họ phải toan tính tất cả mọi chuyện từ giống, nhân công, phân bón… chờ 12 tháng trời mà 1 kg mía không uống nổi ly trà đá (1kg mía hiện giá từ 650 đồng đến 720 đồng, trong khi 1 ly trà đá phải 1.000 - 2.000 đồng!).

Vụ mùa năm nay, cả vùng nguyên liệu mía ở Thới Bình người trồng phải chật vật, và hơn 2/3 trong số họ đã mạnh dạn đoạn tuyệt với mía bằng cách đưa cơ giới vào san bằng mặt ruộng để nuôi tôm, trồng lúa hoặc bỏ mía trồng loại cây khác.

 

Mía không còn là cứu cánh của nông dân Thới Bình nữa.

Hiện huyện chỉ còn hơn 700 ha, trong khi trước đây quy hoạch gần 4.000 ha.

Những lão nông kỳ cựu hơn 15 năm gắn bó với cây mía như ông Nguyễn Văn Ơn, xã Biển Bạch, cũng phải thay thế mía bằng giống dừa xiêm lùn.

Ông Nguyễn Văn Rê, xã Tân Bằng, thì thay thế mía bằng gừng trên 5 công đất rẫy, ông Nguyễn Văn Năm thì ban mặt liếp mía để trồng lúa, nuôi tôm càng xanh…

Sau vài năm loay hoay với việc tìm cây trồng thay thế mía, người nông dân đã chọn rất nhiều phương án như ông Hậu, ông Ơn, ông Rê, ông Năm.

Và rồi, giá cả thị trường đã đưa họ đến gần và kết bầu bạn với củ gừng, loại cây trồng từ trước đến nay chưa hề được nghĩ tới.

Ông Nguyễn Văn Tòng, xã Tân Bằng chia sẻ: “Ðang trong lúc bế tắc lựa chọn cây thế mía, thì có nhiều người bạn rủ trồng gừng.

Lúc đầu vì sợ nên chưa dám.

Mà hơn 2 năm trước giá gừng cao ngất, mỗi công lãi ròng mấy trăm triệu.

Thấy vậy nên tui từ xã Tân Bằng dạt về kinh 2, xã Biển Bạch Ðông, thuê hơn 1,7 ha đất để trồng gừng.

Mùa rồi lãi cao, nhưng vào vụ này phải nhổ hơn 1/3 bán tháo vì dịch bệnh.

Thương lái chào mua 15.000 đồng/kg gừng tốt và 6.000 với loại bệnh.

Bấm bụng, tui bán mấy tấn gừng non không chữa nổi bệnh”.

Ông Lê Văn Tây, Chủ tịch Hội Thuỷ sản xã Tân Bằng, cho biết thêm: “Khi phát hiện rẫy gừng có mầm bệnh, nhiều hộ tìm mua thuốc phun xịt trị bệnh nhưng không hết, đành bán rẻ cho thương lái”.

Hiện nay, cây gừng đang dần thay thế cây mía, đặc biệt sau đợt sốt giá vào năm 2013 - 2014.

Nếu như năm 2014, toàn huyện Thới Bình chỉ có rải rác vài chục héc-ta gừng thì đến nay đã tăng lên hơn 200 ha.

Vụ mùa năm 2014, có thời điểm giá gừng đạt ngưỡng 30.000 đồng/kg, bình quân 1 ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Mức thu nhập này đã khiến cho người dân nơi đây tự phát phá mía lấy đất trồng gừng, mà không hề có sự can thiệp nào từ phía ngành nông nghiệp, cũng như chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.

Tự tìm cách “đứng lên”

“Ðến thời điểm này (còn hơn 2 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch) gừng được các thương lái đặt mua với giá 15.000 đồng/kg.

Trung bình mỗi công gừng sau 8 tháng trồng cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước tính hơn 150 triệu đồng/công.

Không chỉ gừng thương phẩm, nhiều người bán gừng giống còn lãi cao hơn rất nhiều.

Vì thế, nhiều người còn thuê thêm đất để trồng gừng”, ông Rê nói như khoe bên vạt gừng xanh um của mình.

Từ vài liếp gừng ban đầu cho hiệu quả, rồi cả xóm, cả ấp và nay đã lên đến vài trăm héc-ta gừng ở Thới Bình thay thế mía.

Nhưng khi gạ hỏi về giống cung ứng thì từ lãnh đạo UBND xã đến cán bộ ngành nông nghiệp cũng chào thua.

Nhiều giả thuyết được chính người trồng gừng đặt ra về giống và được đa số chấp nhận: “có lẽ mình đã lao vào vòng luẩn quẩn, chiêu bài của thương lái nữa rồi”.

Nghĩa là, người trồng gừng bán gừng cho thương lái vụ mùa trước, thương lái trữ lại rồi đến vụ mùa sau đem bán giống.

Ðến giờ, cũng không ngành chức năng nào “kiểm định được” chất lượng gừng giống ra sao!

“Sự băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở bởi 1 công gừng trung bình khoảng 8 tấn, bán với giá từ 200 triệu đồng thì 1kg gừng có giá 20.000 - 25.000 đồng.

Nhưng hiện nay người dân mua của thương lái đã 30.000 đồng/kg gừng giống.

Do đó, không phải không có khả năng người dân tự mua gừng giống của nhau và người hưởng lợi không ai khác chính là các thương lái!”, ông Tây ví von.

Tưởng chừng thoát khỏi vòng luẩn quẩn trúc - khóm - mía trên đất rẫy, nào ngờ chưa tròn 3 năm, cây gừng đã bắt đầu lộ rõ sự yếu ớt về sức sống, giá cả thị trường và cả việc chuyển giao kỹ thuật… Người nông dân làm chủ rẫy lúc này, hơn ai hết đang mong chờ những sự hỗ trợ từ các cấp, nhất là sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học, doanh nghiệp và sự quan tâm của ngành nông nghiệp, của các cấp chính quyền.

Trong khi chưa được đáp ứng sự mong chờ ấy, họ lại tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đói nghèo, trên vùng hoa màu trù phú ấy, bằng phương án tự bơi, tự thử nghiệm, tự chuyển đổi cũng như lâu nay họ đã làm./.

Năm 2015, toàn huyện Thới Bình đã xuống giống trên 200 ha gừng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ nguồn thông tin khác, huyện U Minh, trên vùng lâm phần đã xuất hiện những rẫy gừng xanh rờn.


Làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp Làm giàu với mô hình kinh tế tổng… Trồng mới 2.000 ha mây và 500 ha tre Trồng mới 2.000 ha mây và 500 ha…