Loay hoay xác định nông sản chủ lực: Mỗi tỉnh chọn một món
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLC) được xác định là vùng có nhiều thế mạnh để xây dựng các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, vì thế Bộ NNPTNT đã phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức không ít hội thảo về liên kết, hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tại các tiểu vùng thuộc ĐBSCL. Dù đã có định hướng chiến lược của Bộ NNPTNT, song các tiểu vùng vẫn khá lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm chiến lược phục vụ xuất khẩu.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Xây
LTS: Thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam từng chiếm vị thế chủ lực trên thị trường trong nước và xuất khẩu như gạo, cà phê, sắn, cao su… đang trên đà sụt giảm tăng trưởng. Trong khi đó, những mặt hàng lâu nay ít được quan tâm đầu tư như rau, đậu, trái cây lại có những bước tăng trưởng ngoạn mục. Điều này khiến nhiều nông dân và người quan tâm lĩnh vực nông nghiệp băn khoăn: Chọn cây gì làm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?
Vẫn quẩn quanh cây lúa
Một số cây chủ lực của các địa phương:
- Cần Thơ: Lúa, trái cây.
- Tiền Giang: Lúa, nếp, trái cây (7 loại), rau an toàn.
- Bến Tre: Dừa, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng.
- Đồng Tháp: Lúa, hoa kiểng, xoài.
- Hậu Giang: Lúa, cam sành, cam xoàn, bưởi Năm Roi, quýt đường Long Trị..
Mặc dù các tiểu vùng ở ĐBSCL có những thế mạnh khác nhau đối với các loại nông sản đặc sản, nhưng hầu như địa phương nào cũng lựa chọn cây lúa để phát triển. Điển hình như tiểu vùng bán đảo Cà Mau (gồm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) cũng chọn cây lúa, hạt gạo làm sản phẩm chủ lực, dù xét về lợi thế vận chuyển, công nghệ, đầu mối tiêu thụ đều thua xa các tiểu vùng khác. Trong khi đó, các loại cây có khả năng và lợi thế lại chưa được chú ý đến như khóm (dứa), mía, chuối…
TS Lương Quang Xê (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) từng đưa ra cảnh báo: “Tình trạng thiếu nước ngọt cho trồng lúa và cả nước mặn cho nuôi trồng thủy sản vào các năm tới sẽ tiếp tục xảy ra do hệ thống thủy lợi cho toàn vùng ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, trong khi đó tiểu vùng bán đảo Cà Mau sẽ thiếu nước ngọt do ĐBSCL không còn mùa lũ. Vì vậy, các địa phương trong vùng cần phải quy hoạch lại thủy lợi cũng như lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp”.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, từ năm 2013, tỉnh đã triển khai chương trình phát triển nông sản chủ lực (giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020) với tổng kinh phí thực hiện khoảng 300 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu cho 11 loại nông sản đặc trưng gắn liền với địa danh của từng địa phương trong tỉnh như: Cam sành Ngã Bảy, cam xoàn Phụng Hiệp, bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, chanh không hạt Châu Thành, khóm (dứa) Cầu Đúc, lúa Hậu Giang...
“Hiện nay, các vùng nguyên liệu chuyên canh của tỉnh Hậu Giang đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, như vùng lúa chất lượng cao 32.000ha, vùng mía nguyên liệu 10.300ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000ha, vùng khóm 2.000ha…” – ông Đồng thông tin.
TS Nguyễn Trọng Uyên - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, lúa là sản phẩm chủ yếu của vùng tứ giác Long Xuyên, gồm An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và một số tỉnh đầu nguồn như Tiền Giang, Đồng Tháp. Tuy nhiên, các tiểu vùng khác cũng ưu tiên lựa chọn cây lúa làm sản phẩm chủ lực, điều này dẫn đến sản lượng lương thực toàn vùng ĐBSCL tăng cao trong nhiều năm nay và có nguy cơ dư thừa. Trong khi đó, bà con mỗi địa phương lại sử dụng tới 30-40 giống lúa, chưa chọn được giống đặc trưng cho từng tiểu vùng.
Ưu tiên xác định sản phẩm chủ lực riêng
Bộ chọn 9 nhóm nông sản chủ lực
Cách đây 6 năm, Bộ NNPTNT đã đưa 9 nhóm hàng nông sản chủ lực vào chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020, gồm: Lúa gạo; rau, đậu các loại; cà phê; cao su; hồ tiêu; điều; chè; cây ăn quả và ca cao. Theo đó, nhóm nông sản chủ lực của vùng Đông Bắc là chè, lúa gạo, ngô, khoai, cam quít, vải, nhãn, quế, hồi; của vùng Tây Bắc là ngô, đậu tương, chè, cây ăn quả ôn đới, nhãn, cà phê chè, lúa đặc sản...; của đồng bằng sông Hồng là cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm với diện tích lúa khoảng 550.000ha; của ĐBSCL là lúa gạo, rau các loại, mía, dừa, cây ăn quả, với trọng tâm phát triển vùng lúa chất lượng cao khoảng 1 triệu ha phục vụ xuất khẩu.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhận định, việc tăng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL đã làm tăng khí thải nhà kính, tiêu hao lượng nước trong khi nguồn tài nguyên này đang ngày càng hiếm. Vì vậy, tới đây bà con không nên tăng diện tích nữa, các nhà khoa học cần nghiên cứu xem để thu hoạch được 1kg lúa thì tốn bao nhiêu nước, làm tăng phát thải nhà kính thế nào, từ đó có hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa hợp lý. Hoặc thay vì trồng lúa liên tục thì nên chuyển sang mô hình lúa - tôm, lúa - màu…
Được biệt, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn được 5 cây - con chủ lực để tập trung đầu tư gồm: Lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và vịt. Theo UBND tỉnh này, sở dĩ chọn lúa làm cây chủ lực là vì nơi đây có hơn 541.800ha sản xuất lúa, sản lượng trên 3,31 triệu tấn/năm, tập trung ở các huyện, thị phía Bắc sông Tiền như: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự. Đặc biệt, Đồng Tháp có thế mạnh về cây xoài nên đã ưu ái phát triển loại cây này thành ngành hàng chiến lược. Hiện tỉnh có hơn 9.200ha xoài, với sản lượng ước tính 30.000 tấn/năm (chủ yếu là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc).
Còn theo ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, tỉnh này tập trung phát triển các loại nông sản như dừa, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng. Trong đó, diện tích dừa không ngừng gia tăng từ 55.800ha năm 2011 lên 65.500ha vào năm 2015 với sản lượng dừa trái hiện nay là 552.500 tấn.
Nhiều tỉnh, thành khác trong vùng cũng đã xác định một số sản phẩm chủ lực riêng. Như Tiền Giang phát triển 7 loại trái cây đặc sản (vú sữa Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơri Gò Công, khóm Tân Lập, bưởi lông Cổ Cò, xoài cát Hòa Lôc), nếp bè Chợ Gạo, lúa chất lượng cao, rau an toàn, các sản phẩm thủy sản (cá tra, tôm, nghêu). Vĩnh Long thì chọn các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản. TP.Cần Thơ chọn lúa gạo, trái cây và cá nuôi nước ngọt...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ