Lợi Ích Và Rủi Ro Trong Nuôi Tôm Hùm Ở Miền Trung
Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sản lượng hằng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: rủi ro cao, thiếu tính bền vững.
Đổi thay từ các làng chài
Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng thật sự phát triển từ năm 2000 đến nay, với số lượng hơn 41 nghìn lồng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền trung. Trong đó, nhiều nhất là ở tỉnh Phú Yên (hơn 21 nghìn lồng), Khánh Hòa (16.309 lồng), Ninh Thuận, Bình Thuận mỗi địa phương vài nghìn lồng nuôi.
Tôm nuôi gồm các loài tôm hùm bông, hùm đá, hùm sỏi và hùm đỏ, nhưng chủ yếu là tôm hùm bông và hùm xanh, bởi loài này tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, giá trị xuất khẩu cao. Nhờ nuôi tôm hùm, đời sống của gần mười nghìn hộ nuôi tôm ở vùng này đã thật sự đổi đời.
Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện có 18.500 lồng nuôi tôm hùm với gần một triệu con, dẫn đầu cả nước về số lượng, sản lượng. Năm 2013, giá tôm hùm giảm, dao động từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng/kg, nhưng cũng mang lại nguồn thu hơn 500 tỷ đồng.
Chúng tôi đến làng cát Phú Dương, Vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nằm nép mình bên bờ vịnh Xuân Đài, nơi đây có thời điểm nhiều người đã bỏ làng đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Hôm nay, ai cũng nhận thấy trên những con đường ấy, ngoài những phương tiện xe máy hiện đại, đã xuất hiện nhiều ô-tô du lịch sang trọng.
Nhiều trường học mới mọc lên, đời sống dân trí nâng lên rõ rệt. Tất cả sự đổi thay đó đều từ con tôm hùm. Bà Nguyễn Thị Cỏn, năm nay đã bước sang tuổi 75, nói với chúng tôi: Ngày xưa ở đây người dân khổ nhất vùng, nhiều nhà đông con phải lên núi đào củ nầng, chặt cùi dứa về ăn thay cơm.
Ngay như người con gái đầu của bà là chị Nguyễn Thị Nên cũng bỏ làng đi làm ăn tận Cam Ranh. Hôm nay, nghề nuôi tôm hùm đã kéo chị Nên về gần với bà, mỗi năm thu nhập của gia đình chị Nên cũng tính được bằng tiền tỷ.
Anh Nguyễn Thành Nhơn, ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh là tỷ phú trẻ nhất làng, năm nay 47 tuổi, đã có thâm niên nuôi tôm 16 năm. Anh cho biết, ban đầu không có vốn, chỉ nuôi vài chục con giống do anh tự lặn bắt trong đầm, sau mỗi vụ tăng dần vài trăm con. Lợi nhuận thu tăng gấp hai, gấp ba lần qua từng năm.
Có vốn tích lũy, nhiều năm liền anh thả nuôi 200 đến 300 lồng tôm, từ 18.000 đến 20.000 con tôm hùm, tổng vốn đầu tư 6 đến 8 tỷ đồng, cứ sau 21 tháng nuôi sẽ xuất bán, tính ra mỗi năm anh bán 8 đến 10 tấn tôm thương phẩm, lãi ròng 1,5 đến 2 tỷ đồng. "Do giá tôm năm 2013 hạ (khoảng 1,6 đến 1,8 triệu đồng/kg loại một), hơn nữa xảy ra dịch bệnh, đến lúc thu hoạch tôm hao hụt nhiều, cho nên thu nhập kém hơn.
Nếu như suôn sẻ như những năm trước, ít dịch bệnh, giá tôm 2,5 đến 2,8 triệu đồng/kg, gia đình tôi phải lãi gấp hai, ba lần". Anh Nhơn tâm sự.
Xã Xuân Thịnh có 2.330 hộ dân, thì gần như 100% hộ tham gia nuôi tôm hùm. Hộ nuôi ít nhất là 200 con, nhiều nhất là 10 nghìn con. Riêng hai thôn Phú Dương, Vịnh Hòa có 25% số hộ có thu nhập tiền tỷ, hàng chục hộ nuôi tôm hùm nắm trong tay tài sản hàng chục tỷ đồng, như Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Xuân Danh, Trần Văn Tới, Đỗ Thanh Ngà...
Còn rủi ro cao
Thực tế cho thấy, nếu nuôi suôn sẻ, tôm ít dịch bệnh, giá cả ổn định, nghề nuôi tôm hùm đem lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên hiện nay, người nuôi tôm hùm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như khan hiếm con giống, vốn, dịch bệnh, đầu ra...
Một số tỉnh trong khu vực duyên hải miền trung chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm; nhiều điểm nuôi nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghề này.
Như tại tỉnh Phú Yên, khu vực Vũng Rô, huyện Đông Hòa không nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng trong một thời gian dài, người dân tự phát, đổ xô nuôi tôm, với mật độ dày đặc, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đến nay chính quyền địa phương buộc phải giải tỏa.
Tại tỉnh Ninh Thuận, hiện có hai khu vực nuôi tôm hùm lồng rất thuận lợi là vịnh Vĩnh Hy và vịnh Phan Rang, nhưng cả hai nơi này đều nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) đã tư vấn giúp tỉnh xác định vùng nuôi mới theo quy hoạch.
Nhưng thực tế thì chưa thật phù hợp. Nông dân Lê Văn Được ở phường Đông Hải, TP Phan Rang -Tháp Chàm, có nhiều kinh nghiệm nuôi, cho biết là đang gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển ra vùng nuôi mới. Vào mùa gió bấc (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) vùng biển nơi này êm còn nuôi được, vào mùa gió nam, gió từ hướng biển thổi ngược vào bờ, cho nên sóng biển đánh dồn dập, làm cho con tôm bỏ ăn, bè bị gãy, nhiều ô nuôi bị vỡ.
Hơn nữa là đường đi từ bờ ra bè xa gần hai hải lý, những lúc biển dậy, sóng lớn, đành phải bỏ đói tôm. Trong số 40 hộ nuôi (50 bè với 200 lồng nuôi tôm) khi di chuyển đến nơi nuôi mới, ngoài hàng chục bè bị sóng đánh hỏng bè, phải nghỉ nuôi, còn gần chục bè khác cố cầm cự thì đang phải phân tán ở các huyện Ninh Hải, Thuận Nam... số còn lại đã chuyển sang nuôi cá.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lâu, người nuôi tôm hùm có kinh nghiệm trong khu vực vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) cho biết, hiện chúng ta chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo. Toàn bộ số tôm hùm con đưa vào nuôi là do ngư dân bẫy bắt ngoài môi trường thiên nhiên. Lượng tôm con năm ít, năm nhiều, giá cả thiếu ổn định.
Từ đầu năm 2014, do khan hiếm, mỗi con tôm hùm con (loại tôm trắng) có giá tới 350 nghìn đến gần 400 nghìn đồng. Bên cạnh đó, do kích cỡ khác nhau, nguồn giống khác nhau, sức khỏe khác nhau, cho nên khi thả nuôi rất vất vả. Đó là chưa kể tới việc không kiểm soát được tình trạng dịch bệnh của tôm con, cho nên hiệu quả phòng, chống dịch rất thấp. Anh Lâu cho biết, người nuôi sợ nhất là bệnh sữa trên tôm hùm.
Thông thường tôm khỏe mạnh chắc chắn là vậy, nhưng khi nhiễm bệnh, toàn thân bệu ra và trắng như sữa, chết sạch, nhiều hộ mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh (Khánh Hòa) Trương Thái Hùng cho biết: Dịch bệnh trên con tôm hùm ở Vạn Ninh năm nào cũng xảy ra, nhất là khi lồng bè phát triển nhiều, lượng thức ăn thừa của tôm thải ra làm ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, đầu ra, giá cả tôm hùm cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi.
Chẳng hạn, những ngày đầu năm 2014, giá tôm lên đến gần 2,5 triệu đồng/kg, sau đó giảm xuống 2,3 rồi 1,8 và nay chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Mỗi khi tôm hùm hạ giá là thương lái không chỉ lợi dụng ép giá mà còn ép cả chất lượng tôm, kết cục người nuôi chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Để phát triển một cách bền vững
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, các cơ quan chuyên môn cần tích cực nghiên cứu, chế biến thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, thay thế dần thức ăn tự nhiên nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sớm thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi tôm hùm; đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn tôm giống tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống tôm hùm để chủ động cung ứng nguồn giống cho người nuôi.
Đi đầu trong phát triển nghề nuôi tôm hùm là tỉnh Phú Yên. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Biện Minh Tâm cho biết: Tỉnh đang triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm hùm ở các địa phương. Đến nay, đã hoàn thành việc khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân giới, cắm mốc mặt nước biển; xây dựng phương án bố trí lồng bè nuôi phù hợp (từ 30 đến 40 lồng/ha).
Đồng thời vận động người nuôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng bè; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh; tăng cường quản lý việc khai thác tôm hùm giống, cần loại bỏ các phương pháp đánh bắt, mang tính chất hủy diệt.
Theo Phó Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Khánh Ly: Hiện nguồn giống tôm hùm vẫn lệ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, vì vậy các tỉnh có vùng phân bố giống tự nhiên cần quy hoạch, bảo vệ và khai thác hợp lý; đồng thời xem đây là một nghề và cấp phép khai thác cho các hộ dân để quản lý.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trước mắt Bộ sẽ chỉ đạo thành lập tổ công tác điều tra dịch tễ, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh trên tôm hùm ở các vùng nuôi trọng điểm, để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và chỉ đạo xử lý dịch bệnh.
Hiện nay, Bộ cũng chỉ đạo các Sở NN-PTNT phối hợp Cục Thú y triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm; lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm và thực hiện việc đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm, đánh giá lồng, bè nuôi, giám sát việc thực hiện nuôi tôm hùm theo Quyết định 2383 ngày 6-8-2008 của Bộ NNPTNT; thống kê thiệt hại và đề xuất chính sách hỗ trợ cho người nuôi khôi phục lại sản xuất; đề nghị Đại học Nha Trang sớm áp dụng kết quả nghiên cứu thức ăn nhân tạo cho tôm hùm vào sản xuất, nhằm hạn chế mầm bệnh và giảm ô nhiễm do sử dụng thức ăn tươi sống như hiện nay; đề nghị các hộ, cơ sở nuôi tôm hùm trong khu vực duyên hải miền trung thực hiện nghiêm túc các quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm; báo cáo kịp thời thông tin về diễn biến bất thường trong hoạt động nuôi tôm hùm, đồng thời thực hiện việc quản lý cộng đồng về môi trường vùng nuôi để giảm ô nhiễm nguồn nước...
Thực hiện nghiêm các việc kể trên mới có thể hạn chế thấp nhất rủi ro trong nuôi tôm hùm, bảo đảm cho nghề nuôi loại hải sản này phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ