Thống kê nông sản Lúa gạo Châu Á: Giá tại Ấn Độ cao nhất 9 tháng, Việt Nam cao nhất 2 năm

Lúa gạo Châu Á: Giá tại Ấn Độ cao nhất 9 tháng, Việt Nam cao nhất 2 năm

Tác giả Thu Hải - VITIC/Reuters, ngày đăng 09/05/2020

Lúa gạo Châu Á: Giá tại Ấn Độ cao nhất 9 tháng, Việt Nam cao nhất 2 năm

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này duy trì ở mức cao kỷ lục 9 tháng do nhu cầu mạnh từ cả Châu Á và Châu Phi, trong khi gạo Thái Lan giảm vì khó cạnh tranh.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá 378-383 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Nhu cầu từ cả khách hàng Châu Á và Châu Phi đều đang cải thiện dần vì giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với gạo Thái Lan.

Đồng rupee yếu đi cũng góp phần hỗ trợ gạo Ấn Độ tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 515–546 USD/tấn, giảm so với 535-557 USD/tấn của tuần trước, do giảm bớt lo ngại về nguồn cung trong nước sau khi một số nơi có mưa, mặc dù nhu cầu từ bên ngoài vẫn không thay đổi.

Giá gạo Thái Lan đầu tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng khoảng 7 năm vì nước này đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, một số khu vực gần đây đã có mưa.

Tại Việt Nam, nguồn cung trong nước thấp đã đẩy giá gạo 5% tấm lên mức cao nhất trong vòng 2 năm, là 450 USD/tấn, mặc dù hoạt động xuất khẩu vẫn trầm lắng.

“Không có nhiều hợp đồng mới được ký gần đây vì nguồn cung trong nước hiện không còn nhiều”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đang tập trung thu mua lúa gạo của dân để thực hiện chương trình dự trữ lương thực quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định nghị định 107 và thực hiện nghiêm chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Quyết định này được đưa ra trên cơ sở nước ta đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19 ở Việt Nam, bảo đảm an toàn căn bản cho người dân, số ca nhiễm thấp, không có người tử vong, cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương nên tổ chức sản xuất, hoạt động bình thường là yêu cầu cấp bách để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng. Tuy nhiên, các thương nhân cần thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu. Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Theo báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL - vựa lúa của cả nước, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn, một số bộ, ngành, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Đến cuối tháng 4-2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.

Myanmar cũng đã khôi phục xuất khẩu gạo bình thường kể từ tháng 5/2020 với khối lượng khoảng 150.000 tấn, trong đó 100.000 tấn xuất qua đường thủy và 50.000 tấn qua đường biên giới. Chính phủ nước này ước tính có trên 2 triệu tấn gạo sẽ được cấp phép xuất khẩu trong tài khóa này (năm ngoái Myanmar xuất khẩu 2,5 triệu tấn).

Trong khi đó tại Bangladesh, Bộ Lương thực cho biết sẽ mua 1,15 triệu tấn gạo và 800.000 tấn thóc của nông dân trong vụ này để đảm bảo nguồn cung. Việc người dân mua tích trữ đã đẩy giá gạo ở Bangladesh tăng lên mức cao kỷ lục 2 năm. Số ca nhiễm virus corona ở nước này đã vượt 10.000 người.

Về các thông tin khác, xuất khẩu gạo Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 300.252 tấn. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 122.094 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40,6% tổng xuất khẩu gạo của nước này; xuất khẩu sang Châu Âu đạt 97.337 tấn, tăng 48%.

Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 27/4/2020 cho biết, dạo trữ gạo của nước này đến cuối 2020 sẽ ở mức khoảng 3,27 triệu tấn, tương đương lượng sử dụng trong ít nhất là 94 ngày, mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này khá lớn.


Giá gạo ngày 8/5/2020 biến động nhẹ Giá gạo ngày 8/5/2020 biến động nhẹ Thị trường dầu cọ thế giới ngày 8/5/2020: Giá tại Malaysia tăng do nới lỏng các hạn chế Thị trường dầu cọ thế giới ngày 8/5/2020:…