Lúa Lai - Tôm Sú: Mô Hình Canh Tác Hiệu Quả Tại ĐBSCL
Lúa lai B-TE1 của Cty Bayer Việt Nam đã chứng minh được ưu thế của mình và đã được đại đa số nông dân vùng ĐBSCL chấp nhận vì những đặc tính vượt trội như cho năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20 – 50%, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kháng được đạo ôn- một bệnh nguy hiểm trong vụ đông xuân… Tuy nhiên giống có thời gian sinh trưởng hơi dài, khoảng 100 – 107 ngày trong điều kiện lúa sạ nên bà con phải bố trí đồng loạt trong cơ cấu 2 vụ lúa/năm.
Một mô hình canh tác mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân tại ĐBSCL là trồng lúa trên vuông tôm, theo cơ cấu một vụ tôm, một vụ lúa. Tại các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… và một số huyện của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nông dân đã áp dụng mô hình lúa lai B-TE1 trên vuông tôm khá thành công. Sau một vụ nuôi tôm, khi nước đã chuyển ngọt, bà con sẽ trồng lúa, thông thường bà con sử dụng các giống lúa mùa địa phương có thời gian sinh trưởng khá dài, khoảng 120 – 140 ngày như giống Một Bụi Đỏ. Trồng lúa trên vuông tôm không chịu sức ép thời gian nên rất thích hợp cho lúa lai Arize B-TE1 phát triển.
Chúng tôi có một chuyến khảo sát thực tế tình hình trồng lúa lai tại các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, thấy bà con ở đây rất phấn khởi với mô hình lúa (B-TE1) – tôm. Theo nhận xét của một số bà con nông dân trong khu vực này, lợi nhuận từ mô hình canh tác lúa lai trên ruộng tôm mang lại là khá cao, có thể tới 20 triệu đồng/ha. Ông Phan Văn Nậu, ở ấp Nam Quí, xã Nam Thái, An Biên, Kiên Giang, là người đầu tiên trồng lúa lai B-TE1 tại huyện An Biên. Ban đầu khi được giới thiệu về lúa lai B-TE1, tất cả đều mới lạ đối với người dân ở đây nhưng riêng ông đã mạnh dạn trồng thử 1 công vào vụ đông xuân 2006/07. Kết quả cho thu hoạch được 8 tấn/ha.
Đến vụ hè thu 2007 ông mạnh dạn mở rộng diện tích lúa lai B-TE1 lên hết đất nhà 7 ha và thu hoạch với năng suất trung bình 7,2 tấn/ha trong khi năng suất lúa thường tại địa phương chỉ đạt được khoảng 3 – 3,5 tấn/ha. Vụ đông xuân 07/08 ông tiếp tục trồng lúa lai Arize B-TE1 trên toàn bộ diện tích đất nhà và khuyến cáo bà con trong khu vực trồng giống lúa này.
Ông Phan Văn Giang, nhà ở ấp Bờ Lờ B, xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Kiên Giang bắt đầu trồng lúa lai Arize B-TE1 vụ đông xuân sớm 2007 trên chân đất trồng lúa mùa Một Bụi Đỏ, mật độ sạ chỉ 30 kg/ha. Theo ông thì chi phí cho canh tác lúa lai Arize B-TE1 thấp hơn nhiều so với lúa mùa vì lúa mùa phải gieo mạ cấy, trong khi lúa lai dùng phương pháp sạ thẳng. Chi phí phun xịt thuốc và bón phân cho lúa lai cũng nhẹ. Năng suất lúa lai Arize B-TE1 đạt được rất cao, vụ này ông thu hoạch được 45 giạ trên 1 công tầm lớn (khoảng 7 tấn/ha), trong khi năng suất lúa mùa chỉ đạt được 15 – 20 giạ (khoảng 2,2 – 3 tấn/ha) vì bị nhiễm rầy nặng. Giá bán lúa lai thương phẩm cũng khá cao, nông dân thu lời khá bằng mô hình canh tác này.
Theo ông Hải - chủ doanh nghiệp xay xát gạo Hoàng Đức 2 ở Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang, hiện nay ông đang tìm thu gom mua lúa lai Arize B-TE1 thương phẩm xay xát để xuất qua thị trường huyện đảo Phú Quốc. Ông cho biết hiện nay loại gạo này rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng gạo ngon, thơm nhẹ, cơm mềm, dẻo… Trong thời gian tới ông sẽ thu mua với số lượng lớn để đẩy mạnh ra thị trường Phú Quốc vì gạo Arize B-TE1 đồng nhất không có pha trộn các loại gạo khác như hiện nay tại thị trường phía Nam.
Vụ đông xuân 07/08, diện tích lúa lai Arize B-TE1 tại Kiên Giang trong vùng canh tác lúa-tôm đạt khoảng 1.500 ha; Cà Mau có khoảng 3.000 ha tại huyện Trần Văn Thời…, đây mới chỉ là con số khá khiêm tốn so với diện tích lúa rất lớn tại các khu vực trên. Tuy nhiên đây mới là vụ đầu tiên Arize B-TE1 được Bộ NN-TNT cho phép sản xuất đại trà nên trong những vụ tới, chắc chắn mô hình trồng lúa lai sẽ được nhân rộng trên chân đất lúa- tôm trong khu vực.
Có thể nói lúa lai Arize B-TE1 của Cy Bayer Việt Nam đã làm thay đổi quan điểm của cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều nơi, đặc biệt tại tỉnh Kiên Giang khi ban đầu giống ít được đón nhận vì họ nghĩ rằng lúa lai năng suất không ổn định. Qua thực tế chứng minh bằng mô hình canh tác tôm- lúa lai này, nông dân thu lợi nhuận rất cao. Đây là mô hình canh tác rất tốt vừa hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo sinh thái nên những vùng có điều kiện cần mạnh dạn khuyến cáo bà con nông dân áp dụng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ