Tin nông nghiệp Lúa ST25 khả quan trên đồng đất Bình Định

Lúa ST25 khả quan trên đồng đất Bình Định

Tác giả Vũ Đình Thung, ngày đăng 21/07/2021

Lúa ST25 khả quan trên đồng đất Bình Định

Trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2021, Bình Định liên tục sản xuất thử giống lúa ST25 trên nhiều chân đất khác nhau, kết quả bước đầu rất khả quan.

Lúa ST25 do Công Cổ phần Giống cây trồng Bình Định sản xuất thử trong vụ đông xuân 2020 -2021 tại phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Vụ đông xuân 2020 - 2021, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định đưa giống lúa ST25 về sản xuất thử tại Bình Định. Công ty đã xây dựng mô hình sản xuất thử giống ST25 tại 2 xã Phước Thắng và Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Tại Thị xã Hoài Nhơn, công ty tổ chức sản xuất 1ha giống ST25 và 1ha giống ST24, kết quả cho rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Giống cây trồng Bình Định cho biết: Năng suất lúa ST25 tại phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn) vụ đông xuân 2020 - 2021 đạt 70 tạ/ha, còn lúa ST24 cho năng suất 72 tạ/ha.

"Là những giống lúa chất lượng cao mà năng suất như vậy là rất đạt. Vụ hè thu 2021, công ty tiếp tục sản xuất thử 5 sào (500 m2/sào) lúa ST25 tại trại của công ty. Nếu giống lúa này cho thấy phù hợp với vụ hè thu như vụ đông xuân thì những năm tới, chúng tôi sẽ triển khai sản xuất diện rộng cả 2 vụ/năm”, ông Hòa cho hay.

Cũng theo ông Hòa, khi đưa giống ST25 và ST24 về sản xuất, công ty đã được kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của giống lúa ST25 khuyến cáo đối với những địa phương thường xảy ra mưa vào cuối vụ thì không nên gieo trồng giống lúa ST25. Bởi giống ST25 là giống lúa thơm, khá dễ bị đổ, khi bị mưa làm đổ ngã thì lúa không còn chất lượng, vì vậy chỉ nên sản xuất giống ST24, bởi giống này cứng cây hơn, lại đã thuần nên ít bị đổ ngã khi có mưa.

Vụ hè thu năm 2021, Hội đồng hương huyện An Nhơn tại TP. HCM đã vận động các doanh nghiệp là con em trong huyện An Nhơn chung tay hỗ trợ kinh phí mua 20 tấn giống lúa ST25 về để nông dân trồng thử nghiệm.

Theo ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn (Bình Định) cho biết trước khi triển khai, Hội đồng hương An Nhơn đã trực tiếp về Sóc Trăng gặp kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm tác giả lai tạo ra giống ST25 để tìm hiểu về đặc tính của giống, quy trình canh tác trong điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Cũng theo ông Sỹ, trong vụ hè thu 2021, Thị xã An Nhơn đã tổ chức sản xuất 20ha giống lúa ST25 tại 2 vùng sinh thái khác nhau. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã An Nhơn sản xuất 2ha với nhiệm vụ theo dõi kỹ điều kiện thích ứng, thích nghi, sinh trưởng của giống lúa ST25 trong điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu của địa phương cũng như đánh giá về chất lượng, phẩm cấp lúa, gạo. Riêng HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ và HTX Nông nghiệp Nhơn An mỗi HTX sản xuất 4ha, còn lại 11 xã, phường khác trên địa bàn Thị xã An Nhơn mỗi đơn vị sản xuất thử nghiệm 1ha.

“Hiện chúng tôi chưa có quy trình riêng để sản xuất giống ST25, các đơn vị đang sản xuất theo quy trình chung và lưu ý những hướng dẫn của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm tác giả khi vào Sóc Trăng tham khảo.

Đặc biệt, sản xuất giống ST25 cần bón phân đạm ít hơn so với làm các giống lúa khác, đồng thời tăng cường phân lân và kali. Trong vụ hè thu này nắng nóng kéo dài, nhưng đến nay các ruộng lúa ST25 vẫn phát triển ổn định, xem chừng giống lúa này phù hợp với đồng đất, khí hậu của An Nhơn”, ông Sỹ nhận định.

Cũng theo ông Sỹ, về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, UBND Thị xã An Nhơn đã giao Phòng Kinh tế làm việc với 1 hoặc 2 HTX nông nghiệp có tiềm lực đảm nhận việc tiêu thụ lúa ST25 trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện đang băn khoăn khi tổ chức đóng gói, gắn nhãn hiệu để bán gạo ST25 thì có vướng mắc gì đến đơn vị cung ứng giống không?

Huyện cũng đang liên hệ với đơn vị cung ứng giống để hỏi ý kiến. Thêm vào đó, phương án sản xuất kinh doanh của HTX đã ổn định bấy lâu nay, giờ thêm 1 khâu dịch vụ thì họ phải tính đến chuyện đầu tư vốn để xây dựng nhà máy xay xát, đóng bao bì, đăng ký nhãn hiệu.

"Trước mắt, chúng tôi chọn HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ để đảm nhiệm việc tiêu thụ giống lúa ST25. Trước mắt, HTX cần hỗ trợ gì về kỹ thuật, máy móc thiết bị hoặc đăng ký nhãn hiệu thì ngành chức năng sẽ hỗ trợ về mặt quản lý nhà nước.

Đặc biệt, việc tiêu thụ lúa ST25 cần phải có định hướng lâu dài thì HTX mới mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy”, ông Đoàn Tuấn Sỹ chia sẻ thêm.


Lan tỏa SRI ở tỉnh khó khăn về nước tưới Lan tỏa SRI ở tỉnh khó khăn về… Chiến lược nông nghiệp đô thị của Singapore Chiến lược nông nghiệp đô thị của Singapore