Miền Trung Tận Diệt Nguồn Lợi Thủy Sản Ven Bờ
Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Báo động đỏ
Với bờ biển dài trên 89km, Đà Nẵng có hai vùng khai thác thủy, hải sản ven bờ là vịnh Đà Nẵng và Nam bán đảo Sơn Trà. Ở đây có 104,6ha rạn san hô là nơi sinh sống của các loại hải sản gần bờ có giá trị cao như tôm hùm giống, cá mú, cá dìa… Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, mấy năm gần đây sản lượng đánh bắt các loại hải sản kể trên ngày càng suy giảm. Vùng nước ven bờ Đà Nẵng bị khai thác quá mức do ngư dân sử dụng các loại lưới giã cào, lờ xếp, lờ xi măng… tận diệt các loại hải sản.
Một thực tế đang diễn ra làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ là ngư dân đánh bắt tất cả các loại thủy sinh vật nhưng chỉ bán được những loại có giá trị cao, như tôm hùm bông, tôm hùm xanh chân ngắn, tôm hùm tre; còn các loại tôm hùm khác khi đánh bắt được thì ngư dân đều vứt bỏ. Phần lớn số tôm hùm này đã chết, làm hủy diệt nguồn giống đa dạng của các loài thủy sinh vật vùng rạn san hô ven biển Đà Nẵng.
Tại hạ lưu các dòng sông lớn ở Quảng Nam như Thu Bồn, Trường Giang… rất dễ bắt gặp cảnh nhiều đội ghe thuyền khai thác nguồn lợi thủy sản bằng những chiếc lờ dây có chiều dài hàng chục mét. Loại công cụ này được du nhập từ Trung Quốc, hoạt động tự phát khắp các địa phương như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn hay Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành và “thâu tóm” tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ.
Ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, cho biết: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất hiếm thấy được các đàn cá chim, cá sủ, cá thiều trên địa bàn tỉnh. Các đàn cá hồng, cá song không còn thấy xuất hiện nữa mà chỉ còn nhiều cá tạp, cá không rõ nguồn gốc.
Tại Thừa Thiên - Huế, riêng hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích gần 21.600ha, được đánh giá không chỉ là vùng biển cạn rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mà còn là nơi có các loài động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Trong đầm phá này có đến 223 loài cá, với 20 - 25 loài có giá trị kinh tế cao, như: cá hanh, dìa, dầy, mòi chấm...
Ngoài ra, còn có hơn 300 loài thực vật phù du, thực vật nhỏ bùn đáy, thực vật bậc cao, động vật phù du, động vật đáy. Tuy nhiên gần đây, sự gia tăng của phương thức khai thác hủy diệt bằng xung điện, lưới rê, thuốc nổ… dẫn đến hiện tượng suy giảm trữ lượng.
Việc sử dụng các loại lưới giã cào đánh bắt ven bờ ở Đà Nẵng đã đẩy nhiều loại thủy sản đến bờ tuyệt chủng.
Cần giải pháp căn cơ
Với thực trạng đáng báo động như hiện nay, các ngành chức năng ở miền Trung đã có những động thái nhằm chấn chỉnh. Tuy nhiên, những động thái đó cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, nghiên cứu; chưa thật sự giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Đơn cử như ở Đà Nẵng, Sở NN-PTNT địa phương này khuyến nghị điều chỉnh cơ cấu nghề và ngư cụ khai thác tôm hùm giống; cải tiến kỹ thuật khai thác và lưu giữ tôm hùm giống; phục hồi hệ sinh thái…
Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và khai thác bền vững nguồn lợi; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái trong khu vực bán đảo Sơn Trà; nâng cao chất lượng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng; quy hoạch và xây dựng, cấp phép cho vùng khai thác; quy định đối với nguồn cá giống tại khu vực bán đảo Sơn Trà…
Tất cả cũng chỉ nằm trên giấy, còn thực tế, mỗi ngày, hàng trăm thuyền thúng công suất nhỏ của ngư dân trên địa bàn quận Sơn Trà, Thanh Khê vẫn ngang nhiên dùng các phương tiện đánh bắt theo kiểu tận diệt hành nghề mà không gặp bất cứ sự ngăn chặn nào của các ngành chức năng.
Một tín hiệu vui đang đến với những ngư dân là trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định: Các tổ chức, cá nhân đóng mới, gia cố bọc vỏ thép cho tàu có tổng công suất máy chính từ 380CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần có thể vay tối đa đến 95% giá trị đầu tư với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả lãi chỉ 1%, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm.
Đối với tàu vỏ gỗ đóng mới, chủ tàu được vay tối đa 85% và trả lãi 2%/năm, nhà nước cấp bù ngân hàng thương mại 3%/năm, thời gian vay tối đa 11 năm (bao gồm 1 năm ân hạn)…
Khi tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết bà con ngư dân mong muốn Nghị định sớm được ban hành. Một mặt tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi đánh bắt tìm nguồn thu nhập cao hơn, mặt khác góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và quan trọng hơn không còn phải ngày đêm quanh quẫn ven bờ tận diệt nguồn lợi thủy sản để rồi con cháu sau này không còn gì khai thác.
Quảng Bình: Xuất hiện tàu nơi khác đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ
Nhiều ngư dân ở huyện Quảng Trạch, Quảng ninh (Quảng Bình) cho rằng, hiện nguồn lợi thủy sản ven bờ đã giảm 70% - 80% so với những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian gần đây tại Quảng Bình xuất hiện một số tàu thuyền từ Nghệ An vào, Quảng Nam, Quảng Ngãi ra đánh bắt thủy, hải sản ven bờ bằng thuốc nổ khiến nhiều loại thủy, hải sản bị tận diệt. Nhiều ngư dân đã trình báo tình trạng này với cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa bắt được trường hợp nào. Bởi khi thấy tàu của cơ quan bảo vệ biển, các thuyền vứt thuốc nổ phi tang và bỏ chạy khỏi hiện trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ