Tin nông nghiệp Mô hình cây dược liệu của chàng kỹ sư công nghệ sinh học

Mô hình cây dược liệu của chàng kỹ sư công nghệ sinh học

Tác giả Nguyễn Văn Khôi - Đài Gia Bình, ngày đăng 20/10/2018

Mô hình cây dược liệu của chàng kỹ sư công nghệ sinh học

Từng có việc làm ổn định tại một viện nghiên cứu có uy tín, nhưng chàng kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Đình Thành lại từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để về quê tại thôn Trung Thành, xã Đại Lai (Gia Bình) xây dựng trang trại trồng cây dược liệu, chiết xuất tinh dầu, với mong muốn xây dựng một vùng chuyên canh trồng cây dược liệu để làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tốt nghiệp Đại học năm 2006, ngay năm đó Nguyễn Đình Thành đã được tiếp nhận vào làm việc tại Phòng sinh học bức xạ thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân ở Đà Lạt. Với bản tính chịu khó, sáng tạo anh đã cùng với đồng nghiệp tạo ra hàng chục giống cây trồng bằng phương pháp đột biến gen. Từ chàng kỹ sư mới học việc, anh đã phấn đấu trở thành Phó phòng, được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm tạo giống cây trồng bằng bức xạ sinh học, và được kết nạp Đảng năm 2011. Cũng từ việc gắn bó với cây trồng từ những mầm phôi mà tình yêu với cây trồng đến với anh như một lẽ tự nhiên. Vốn xuất thân từ nông dân, nên ngoài công việc ở cơ quan, anh thuê 80.000 m2 đất tại Đà Lạt để trồng các loại hoa, cây cảnh. Tuy nhiên do chi phí cao về giá thuê đất, nhân công và các loại vật tư đầu vào như phân bón, điện, nước... nên trang trại của gia đình anh hiệu quả không được như mong muốn.

Nhận thấy đồng đất quê mình rất thuận lợi cho phát triển thành vùng sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa, qua nhiều đắn đo, trăn trở cuối năm 2016 anh quyết định về quê lập nghiệp. Để xây dựng mô hình trồng cây có tính bền vững, anh Thành đã tìm hiểu nhiều loại cây trồng, từ các loại hoa, cây cảnh, rau màu…và đi đến quyết định chọn cây Bạc hà làm cây trồng chính. Theo anh Thành, cây Bạc hà là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít và đầu ra của các loại tinh dầu khá ổn định. Năm đầu anh thuê đất của các hộ dân trong thôn với mức thuê từ 40 - 100 kg thóc/sào/năm, tùy thuộc vào ruộng cao hoặc ruộng trũng. Khi có khoảng hơn 2 mẫu đất anh chủ yếu trồng cây Bạc hà, phần còn lại anh trồng một số giống hoa hồng và cây Hương thảo mà anh đã lựa chọn từ Đà Lạt mang về để nhân giống.

Năm đầu tiên khá thành công, mỗi sào Bạc hà cho thu 4 lứa, mỗi lứa khoảng 200 kg lá, chiết xuất được từ 2-2,5 lít tinh dầu, với giá bán hiện nay khoảng 1,1 triệu đồng/lít, tính ra mỗi sào cho thu khoảng 10 triệu đồng/năm. Năm nay thời tiết có mưa nhiều, cây Bạc hà phát triển chậm, nhưng từ đầu năm đến nay mỗi sào cũng đã chiết xuất được khoảng 6 lít tinh dầu. Anh Thành cho biết: Cây Bạc hà khá phù hợp với đồng đất ở Gia Bình, cây được trồng vào đầu đầu mùa xuân, sau đó cách khoảng 3 tháng cho thu một lứa, sau thu hoạch chỉ cần dọn cỏ, bón thêm phân là những mầm non lại mọc và phát triển để cho thu lứa tiếp theo, hết năm giữ lại phần gốc sau đó sới lại đất, bón phân và trồng trở lại là có một chu kỳ thu hoạch mới. Giống cây Bạc hà là các giống ĐL 97, ĐL 98 là những giống nhập ngoại, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho lượng tinh dầu chất lượng cao.

 Để chủ động trong sản xuất, anh Thành đã mua lò chưng cất tinh dầu, đồng thời đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số công ty sản xuất dược liệu và mỹ phẩm. Bên cạnh cây trồng chính là Bạc hà, anh còn tranh thủ nhân các loại giống hoa hồng, cây Hương thảo cung cấp cho các nhà vườn và các hộ có nhu cầu trong khu vực, nhờ đó gia đình anh đã có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Anh Nguyễn Đình Thành cho biết: Trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục thỏa thuận với các hộ xung quanh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây Bạc hà, gia đình anh sẽ thu mua cây tươi của các hộ, bảo đảm thu nhập sẽ cao hơn từ 2-3 lần so với cây lúa. Mặt khác anh cũng đang nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ để được thuê lại của các hộ khác, hình thành vùng chuyên canh hàng trăm ha trồng  cây dược liệu để cung cấp khối lượng lớn lượng tinh dầu cho các công ty dược phẩm.

Sau gần 2 năm trở về quê lập nghiệp, vượt qua những khó khăn, thử thách mô hình trồng cây dược liệu của chàng kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Đình Thành đang đi vào hoạt động ổn định, nhân dân địa phương đã thấy được hiệu quả thực tế từ mô hình này và đang tích cực ủng hộ. Tin tưởng với quyết tâm và nghị lực của mình, anh Thành sẽ hiện thực được dự định của mình, xây dựng quê hương Đại Lai thành vùng chuyên canh cây dược liệu có thương hiệu và uy tín trên thị trường.


Những 'cây nhả tiền' mọc sừng sững giữa rừng Những 'cây nhả tiền' mọc sừng sững giữa… Giảm phân vô cơ, tăng năng suất cây trồng Giảm phân vô cơ, tăng năng suất cây…