Mô hình kinh tế Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm

Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm

Ngày đăng 31/07/2013

Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm

Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới.

Gọi là mới vì mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác hẳn cách nuôi truyền thống và tuy chỉ là bước khởi động nhưng cho thấy dấu hiệu ban đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu do hội chứng EMS.

Trong tổng diện tích 1.450 ha mặt nước ao đìa nuôi tôm toàn tỉnh, vào vụ nuôi năm nay đã có 941,3 ha diện tích thả nuôi (tính cả 111 ha từ năm 2011 chuyển sang), trong đó có 723 ha diện tích tôm thẻ chân trắng và 122 ha diện tích tôm sú. Hầu như nghề nuôi tôm sú hiện nay chỉ còn hiện diện tại vùng đầm Nại (Ninh Hải), chiếm 21,5% diện tích ao đìa thả nuôi tại đây.

Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, đến cuối tháng 7 tổng diện tích tôm bệnh trên toàn tỉnh là 426,5 ha, chiếm tỷ lệ 47,38% diện tích thả nuôi, trong đó có gần 418 ha mắc hội chứng tôm chết cấp tính khoảng 1 tháng tuổi. Riêng vùng nuôi tôm đầm Nại, bao gồm các xã Tân Hải, Hộ Hải, Khánh Hải, Phương Hải và Tri Hải đã có 343,7 ha, chiếm 80% diện tích tôm nuôi bị bệnh. Có thể nói đầm Nại đang là tâm điểm của tình trạng bệnh tôm.

Tuy nhiên cũng chính trong vùng này xuất hiện một số mô hình mới, cách làm hay, đơn cử tại Phương Hải đã có ông Nguyễn Quốc Hoàng nuôi 5,5 ha ao thành công, vượt qua hội chứng tôm chết sớm nhờ áp dụng theo mô hình nuôi “CPF Turbo Program”. Đầu tháng 8, có dịp trao đổi với anh Dương Ngọc Hòa, một người nuôi tôm có 8 ha đìa ở thôn Phương Cựu 2, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Anh cho biết: “Tôi thả tôm sú nuôi đã trên 3 tháng và đang phát triển bình thường, không hề có hiện tượng hội chứng tôm chết sớm. Tôi nghĩ đó là nhờ dành ra diện tích 4 sào làm ao xử lý nước và thả nuôi mật độ thưa (10 con/m2)”.

Chúng tôi đến thôn Hộ Diêm 1, xã Hộ Hải (Ninh Hải) thuộc vùng đầm Nại và ghi nhận được mô hình nuôi mới tôm sú châu Phi của hộ ông Nguyễn Đức Tận, đang được Chi cục NTTS tỉnh triển khai thực hiện. Với diện tích 3.000m2 ao nuôi và 2.000m2 ao lắng, ông bắt đầu thả giống từ ngày 21-4, mật độ 26 con/m2, sau 90 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng trung bình 20g/con (tức 50 con/kg).

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Chi cục NTTS tỉnh, ưu điểm tôm sú châu Phi là có tốc độ phát triển tương đối nhanh so với tôm sú bản địa, kích cỡ đồng đều hơn và không mắc các bệnh như đóng rong, nhớt, mòn đuôi cụt râu… Mô hình sẽ được tiếp tục thí điểm và nếu hiệu quả sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Tại vùng nuôi tôm trên cát An Hải- Phước Dinh, chúng tôi cũng được anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Quản lý khu vực Ninh Thuận-Bình Thuận của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP giới thiệu: “Các hộ nuôi tôm ở đây qua thí điểm áp dụng hệ thống an toàn sinh học và quản lý ao nuôi theo mô hình “CPF Turbo Program” của công ty đều không bị ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm”. Đặc điểm của mô hình nuôi này dễ nhận ra vì đều dành thỏa đáng diện tích cho ao xử lý.

Chẳng hạn ông Phạm Đình Thao, ở xã An Hải (Ninh Phước) có diện tích 10 ha đã chia ra thành 22 ao nuôi và 6 ao lắng, cùng khu vực này có Đại lý C.P Phú Hải - Ninh Thuận, với diện tích 3 ha cũng làm 6 ao nuôi và 3 ao lắng, chẳng những tôm không bị bệnh mà còn đạt sản lượng cao.

Từ kinh nghiệm của một vài cơ sở nuôi thành công hiện nay, Chi cục NTTS tỉnh phổ biến mô hình mới “CPF Turbo Program” áp dụng quy trình cải tiến về mật độ thả nuôi, khuyến khích các hộ nuôi sử dụng ao chứa lắng xử lý triệt để nguồn nước đầu vào và ao xử lý nước thải hạn chế lây lan mầm bệnh trong vùng nuôi; đồng thời tăng cường hệ thống quạt nước, sục khí; đầu tư máy cho ăn, hệ thống lưới ngăn chim...

Trong thực tế, đa số các hộ nuôi tôm tỉnh ta, nhất là khu vực đầm Nại, chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ nên hạn chế tiếp cận công nghệ nuôi mới. Vì vậy việc tổ chức các mô hình hợp tác, tập hợp người nuôi cùng cộng đồng trách nhiệm theo hướng nuôi an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường là tối cần thiết.

Rất phấn khởi là mô hình như thế này bước đầu đã chứng minh hiệu quả qua việc thành lập vùng nuôi an toàn ở vùng nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) với quy mô 24 ha, có 20 hộ nuôi nhỏ lẻ tham gia liên kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường nuôi rất thành công. Mô hình đang được ngành chức năng tuyên truyền nhân rộng trong các địa phương nuôi tôm.

Hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình mới trong nuôi tôm đang tạo ra động lực mới cho người nuôi. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, mô hình mới đòi hỏi nhiều cải tiến nhưng cái chính là người nuôi phải chú ý giống, quản lý ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi cho tốt. Môi trường đảm bảo là cách ngăn ngừa tốt nhất các bệnh của tôm.


Mô Hình Liên Minh Trồng Táo Ở Nhơn Hải Mô Hình Liên Minh Trồng Táo Ở Nhơn… Anh Trần Chút Trồng Cây Ăn Trái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Anh Trần Chút Trồng Cây Ăn Trái Đạt…