Tin nông nghiệp Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế tại Đồng Tháp

Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế tại Đồng Tháp

Tác giả Nhật Khánh, ngày đăng 18/04/2019

Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế tại Đồng Tháp

Sau nhiều năm chăn nuôi bò theo phương pháp cũ không mang lại hiệu quả, anh Đặng Ngọc Phong (SN 1981) ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi bò vỗ béo và bán bò giống. Mô hình chăn nuôi này giúp giảm chi phí, công lao động và đảm bảo môi trường, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.

Anh Đặng Ngọc Phong chăm sóc đàn bò

Từ lâu, kinh tế của gia đình anh Đặng Ngọc Phong dựa vào việc làm ruộng và chăn nuôi heo nhưng không hiệu quả do thiếu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, siêng năng, anh Phong luôn muốn tìm hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Sau nhiều lần chọn lựa, anh quyết định nuôi bò vỗ béo và bán bò giống theo hình thức bán công nghiệp.

Năm 2010, anh Phong mạnh dạn đầu tư kinh phí mua 25 con bò cùng với xây dựng chuồng trại, quy mô tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường... kết hợp việc trồng thêm 10 công cỏ làm thức ăn xanh cho bò.

Anh Phong cho biết: “Nuôi bò vỗ béo và bán bò giống bằng phương pháp nhốt chuồng là phương thức nuôi thâm canh tại chuồng, giảm vận động và bò tăng trọng nhanh, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả chăn nuôi. Phương pháp này không đòi hỏi phải có diện tích chăn thả, ít tốn công lao động, tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi”.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt mang lại thành công trong mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Đặng Ngọc Phong là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao gồm các bước: chọn giống khỏe mạnh, chú trọng bổ sung dinh dưỡng thường xuyên, tiêm ngừa định kỳ... kết hợp với việc vệ sinh chuồng trại thoáng mát giúp bò sinh trưởng tốt.

Bên cạnh đó, từ nguồn cỏ trồng có sẵn, qua tìm hiểu anh Phong đã thực hiện thành công việc ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò. Quy trình ủ chua thức ăn với tỉ lệ 100kg cỏ hoặc thân cây bắp, 5kg cám, 1,5kg muối trộn đều và cám chia thành nhiều lớp khác nhau và phải ủ trong 25 ngày. Khi đủ số ngày lên men, thức ăn được trộn thêm cám, hạt bắp sấy khô, bột cá, đậu nành, muối và các Vitamin cần thiết... Mỗi ngày, một con bò sắp xuất chuồng có thể sử dụng từ 7 - 8kg thức ăn ủ, kết hợp với cho ăn cỏ. Việc sử dụng phương pháp ủ thức ăn trong chăn nuôi rất phù hợp với các giống bò mà anh Phong chọn nuôi gồm: bò lai sind, bò Pháp cọp, bò Brahman, bò Ý.

Anh Phong chia sẻ: “Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn, tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò rất thích ăn và tăng trọng nhanh, tạo nạc tốt và giảm được các loại giun sán tấn công”.

Hiện tại, mỗi năm anh Phong có thể xuất chuồng hơn 25 con bò vỗ béo, 450 con bò giống. Sau khi trừ các khoản phí, gia đình anh còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Từ đó cuộc sống của gia đình trở nên khá giả hơn.

Mô hình nuôi bò vỗ béo và bán bò giống bằng hình thức nhốt chuồng của anh Đặng Ngọc Phong được chính quyền và người dân địa phương đánh giá rất cao, do đạt hiệu quả về lợi nhuận và có thể mở rộng quy mô, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình và từng bước vươn lên làm giàu.


Vai trò của phụ gia thảo dược với vật nuôi Vai trò của phụ gia thảo dược với… Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (17 - 22/4) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong…