Mô hình kinh tế Mô hình thâm canh cây mè trên đất lúa chuyển đổi ở Vân Canh triển vọng nhân rộng

Mô hình thâm canh cây mè trên đất lúa chuyển đổi ở Vân Canh triển vọng nhân rộng

Ngày đăng 13/10/2015

Mô hình thâm canh cây mè trên đất lúa chuyển đổi ở Vân Canh triển vọng nhân rộng

Nông dân tham quan mô hình trồng mè ở xã Canh Vinh.

Ông Phạm Thanh, Trưởng Trạm KN huyện Vân Canh, cho biết: Cây mè không phải là cây truyền thống của địa phương, nên nông dân trong huyện chỉ sản xuất tự phát, manh mún, năng suất không cao.

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp bà con lựa chọn cây trồng phù hợp trên đất ruộng thiếu nước, trồng lúa Hè Thu kém hiệu quả.

Tại Hội thảo, nông dân được nghe cán bộ chuyên môn của Trung tâm KNKN tỉnh trình bày hiệu quả mô hình trồng mè trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh.

Theo báo cáo của Trung tâm KNKN tỉnh, mô hình được thực hiện trên diện tích 1 ha, với giống mè trắng V6.

Kết quả sau 3 tháng, mô hình đạt năng suất 8,48 tạ, cao hơn 2,28 tạ so với sản xuất theo tập quán cũ ở địa phương; lợi nhuận cao hơn trồng lúa 11,2 triệu đồng/ha.

Mè là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng, nên có triển vọng thay thế cây lúa, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Sản phẩm từ cây mè không những dùng làm thực phẩm, mà còn được dùng trong dược phẩm, công nghiệp, và xa hơn là sản xuất dầu sinh học, nên đầu ra tương đối ổn định.

Theo tính toán sơ bộ của Trung tâm KNKN tỉnh, chi phí sản xuất 1 ha mè khoảng hơn 17 triệu đồng, với năng suất từ 8 tạ đến 12 tạ/ha, với giá mè từ 30.000- 40.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 10 - 13 triệu đồng/ha. Như vậy, nếu so sánh với lúa Hè Thu thì hiệu quả cây mè cao hơn khoảng
10 triệu đồng/ha.

Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát triển của một số loại dịch bệnh trên cây lúa, cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa khô; tạo điều kiện tốt cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Luân canh một vụ màu giữa hai vụ lúa, thu nhập của nông dân cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa.

Mặt khác, cây mè chỉ cần lượng nước tưới bằng 1/3 - 1/5 so với cây lúa, nhưng thu nhập lại cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, nên bà con nông dân ở các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh tham gia Hội thảo rất mong muốn được đưa cây mè vào sản xuất.

Tuy nhiên, cây mè là loại cây khó trồng “nắng không ưa, mưa không chịu”; quan trọng nhất là khâu làm đất, khâu tưới, tiêu và phòng trừ bệnh thối rễ.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình thâm canh cây mè trên chân đất lúa chuyển đổi, bà con nông dân trên địa bàn huyện mong muốn ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiến hành khảo sát đất đai, quy hoạch vùng sản xuất đại trà để tiện việc làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.

Ông Trương Văn Châu, ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, cho rằng nông dân cần những giống mè tốt và quy trình canh tác mè thích hợp, đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng mè. Có như vậy, thì việc nhân rộng mô hình sẽ rất thuận lợi.


Gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng cạn để chuyển đổi sản xuất Gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí… Nhân rộng mô hình chăn nuôi xanh Nhân rộng mô hình chăn nuôi xanh