Mô hình Trồng Bưởi Da Xanh trên vùng nước lợ và vùng ngọt hóa
Bưởi da xanh là loại cây có múi cho trái quanh năm và có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hình 1. Bưởi Da xanh 7 năm tuổi của ông Trương.
Diện tích trồng Bưởi Da Xanh trên toàn tỉnh Bến Tre khoảng 5500 ha, trong đó huyện Bình Đại có diện tích Bưởi Da Xanh xấp xỉ 150 ha, phần lớn được trồng chủ yếu ở vùng nước ngọt ven sông Ba Lai như các xã Long Hòa, Long Định, Phú Thuận, ...
Với đặc tính Bưởi Da Xanh có giá trị kinh tế cao nên thu hút người dân ngày càng gia tăng diện tích trồng. Thực tế hiện nay cây Bưởi Da Xanh đã hiện diện cả trên vùng nước lợ và vùng ngọt hóa. Điển hình như Xã Phú Long là địa phương thuộc vùng nước mới được ngọt hóa cách đây vài năm, nhưng lại tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả là nhờ mô hình "Trồng Bưởi Da Xanh trên vùng ngọt hóa". Vì đây là vùng mới phát triển nên diện tích Bưởi Da Xanh trên toàn xã còn rất ít chỉ khoảng 1ha. Tiên phong là Ông Đặng Văn Trương ấp Ao Vuông thuộc xã Phú Long là một trong những nông dân đầu tiên trồng Bưởi Da Xanh trên vùng đất khó khăn này, Bưởi của ông nay cũng cho trái và năng suất ổn định.
Theo Trương nhận định thì Bưởi Da Xanh có giá trị kinh tế cao mà cũng dễ trồng nên mới mua về trồng thử được 10 cây, đến nay cho trái được khoảng 4 năm, số trái trung bình trên cây trong một năm dao động từ 120-150 trái, số lượng Bưởi đạt loại nhất (lớn hơn hoặc bằng 1,2 kg/trái) khoảng 40%". Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ cây Bưởi Da Xanh, đồng thời phát triển tốt trên vùng sinh thái của địa phương, nên ông đã mạnh dạn trồng thêm gần 2000 m2 . Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả này đã lan sang các xã lân cận thuộc vùng ngọt hóa như Thạnh Trị, Thới Lai,… Nhờ mô hình trên người dân ở địa phương trong điều kiện vùng sinh thái khó khăn này rất phấn khởi và đã dần chuyển sang trồng Bưởi Da Xanh.
Mặc dù Bưởi Da Xanh được trồng trên vùng nước mới ngọt hóa nhưng phẩm chất của trái cũng ngon khi trồng ở vùng nước ngọt. Các đặc tính đặc trưng của Bưởi Da Xanh như múi bưởi vẫn ráo, ngọt thanh và cả màu sắc múi bưởi cũng có màu hồng đậm như Bưởi Da Xanh trồng ở vùng nước ngọt. Đặc biệt là nông dân trồng Bưởi Da Xanh nơi đây hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong biện pháp phòng trừ dịch hại, mà nếu có sử dụng thì chỉ dùng thuốc có gốc sinh học. Đây là một tiền đề quan trọng để sau này địa phương dễ dàng phát triển cây Bưởi Da Xanh theo hướng GAP. Từ đó cho thấy Bưởi Da Xanh trồng trên vùng nước ngọt hóa vẫn đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bên cạnh mô hình trên thì cây Bưởi Da Xanh cũng phát triển tốt trên vùng nước lợ cặp sông cửa Đại, xã Vang Quới Tây là địa phương điển hình trong việc trồng Bưởi trên vùng nước lợ, toàn xã có khoảng 20 ha Bưởi trong đó có 10 ha nằm trong dự án phát triển Bưởi Da Xanh trên vùng nước lợ. Do dự án mới triển khai giữa năm 2015 nên cây còn nhỏ, nhưng cây Bưởi phát triển rất xanh tốt.
Qua hai mô hình trên càng khẳng định được vị thế của cây Bưởi Da Xanh ở các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Riêng huyện Bình Đại tỏ ra hiệu quả kinh tế cao tại các xã thuộc vùng ngọt hóa như Thạnh Trị, Phú Long và Thới Lai. Đồng thời cặp theo sông Cửa Đại thì Bưởi Da Xanh đã phát triển rất tốt ở vùng nước lợ như tại xã Vang Quới Tây. Vì thế bà con nông dân có thể lựa chọn cây Bưởi Da Xanh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ