Tin nông nghiệp Mô hình ứng phó hạn mặn của ông Hai dừa giống

Mô hình ứng phó hạn mặn của ông Hai dừa giống

Tác giả Cầm Trúc, ngày đăng 12/07/2019

Mô hình ứng phó hạn mặn của ông Hai dừa giống

Nhà vườn Lê Văn Tươi, ở Khu phố 1, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, ông đã đóng bí cống cục bộ, trữ nước ngọt và dùng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Nhờ cách làm này, vườn dừa xen bưởi da xanh của ông Tươi đã “ung dung” đi qua mùa hạn mặn kéo dài mang tính lịch sử hồi năm 2016. Lão nông này còn được bà con địa phương gọi là “ông Hai dừa giống” vì chuyên sản xuất các chủng loại dừa lùn như xiêm bầu, xiêm lục, dừa núm và dừa dứa để cung cấp cho các tỉnh đồng bằng.

Mô hình ngăn mặn và tưới nước tiết kiệm mùa hạn mặn của ông Lê Văn Tươi.

Đóng cống dự trữ nước ngọt

Mùa hạn mặn năm 2016, diện tích vườn cây trái trên địa bàn tỉnh thiệt hại nặng nề, tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều vườn trồng cây trái phải đốn bỏ hoặc phải mất thời gian từ một đến hai năm để khôi phục dần. Đặc biệt là các vườn trồng bưởi da xanh hầu như đều xuống sức, vàng lá, rụng trái và chết dần sau đó. Những cây còn sống cũng suy kiệt, khả năng phục hồi chậm nên buộc lòng nhà vườn phải đốn bỏ để trồng mới. Hậu quả thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế nông nghiệp của tỉnh, với mức tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của “ông Hai dừa giống” so với những người làm vườn bình thường vào thời điểm đó là đã chủ động phòng chống hạn mặn bằng cách đặt cống để trữ nước ngọt bên trong và ngăn không cho nước mặn từ bên ngoài nhiễm vào hệ thống nước trong mương vườn. “Nhớ khoảng rằm tháng 9 âm lịch của năm 2015, mưa đã ngưng luôn, thấy vậy, tôi mới đề phòng khô hạn và nước mặn xâm nhập bằng cách nạo vét mương vườn để dự trữ nước ngọt và xử lý độ pH để giảm phèn… Lúc này, tâm lý nhiều người còn chủ quan vì trước nay nước mặn không nhiều và cũng không xảy ra hiện tượng khô hạn kéo quá dài. Nhờ chủ động, nước ngọt trong hệ thống mương vườn đủ tưới dừa và bưởi đến hết tháng Giêng năm 2016. Khi ao khô, tôi tủ gốc bằng lá dừa, mụn dừa để giữ ẩm và ngưng tưới luôn”, ông Hai chia sẻ.

Ông Hai cho biết cách xử lý độ pH là rải vôi xuống nước sau đó dùng giấy quỳ để kiểm tra độ pH vừa mức cho phép (5 - 7 độ). Nếu độ pH trong đất và nước cao thì ông tiếp tục điều chỉnh bằng vôi. Ông tiết lộ: “Cách nay hơn 4 năm, tôi phát hiện có dụng cụ đo độ pH và độ ẩm từ một kỹ sư. Nhưng vì ở Việt Nam chưa có nên phải gửi mua từ bên Nhật Bản đem về. Đến nay, dụng cụ đó được bán đại trà”

Về cách sử dụng thiết bị đo pH, ông Hai cho biết thêm, mỗi năm, cần đo từ 4 - 5 lần, đặc biệt là vào thời điểm trước, giữa và cuối mùa mưa. “Đất này không giống như đất vườn ở những nơi khác có thủy triều lên xuống tự nhiên mà là đất cầm thủy quanh năm nên độ pH vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa hay lên cao”. Vùng này được lắp đặt các cống ngăn mặn trữ nước ngọt nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên vẫn phải chủ động đề phòng nhiễm mặn. Mặt khác, vùng này cũng có nhược điểm là đất cầm thủy (mực nước ổn định, không lên xuống theo thủy triều) nên cần được lưu ý kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tính ổn định độ pH. Việc này còn giúp cây sinh trưởng tốt và phòng tránh nhiều loại bệnh.

Riêng đối với thiết bị đo độ mặn, do chưa có nên ông Hai luôn quan tâm để nhờ các kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ ông kiểm tra độ mặn thường xuyên.

… Đến thiết kế vườn

“Kinh nghiệm của anh Hai học hoài mà cũng không hết. Anh Hai là thành viên hợp tác xã từ khi mới thành lập và là người phụ trách tư vấn kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh cho xã viên, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc cây trồng phòng tránh các loại sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu”. (Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm)

Từ kinh nghiệm của lão nông trên cho thấy, ý tưởng thiết kế vườn, lắp đặt cống trữ ngọt cục bộ là một trong những giải pháp ngăn mặn khá đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông, ngay từ lúc đầu đã xác định trồng cây gì, trồng thế nào, từ đó có thiết kế bờ cho phù hợp. Năm 1989, ông bắt đầu lên vườn. Tận dụng diện tích đất liền lạc, ông thiết kế bờ bao kín xung quanh và xẻ các mương nhỏ bên trong để trữ nước. Lên vườn đến đâu, ông cho hệ thống mương liên thông đến đó nhưng vẫn bao bọc kín xung quanh. Ông lắp các ống nhựa dẫn nước kết nối ra bên ngoài để lấy nước ra - vào hệ thống mương. Ống thiết kế cửa cống hai mặt, để có thể đưa nước vào hoặc rút cạn nước ra bên ngoài. Để đảm bảo lấy nước thuận lợi cho toàn khu vực vườn trồng trên 1ha dừa xen bưởi da xanh, ông Hai lắp 3 cống, ở các vị trí đầu vườn, giữa và cuối vườn. “Làm cống đơn giản, chi phí cũng rẻ, hồi đó chỉ khoảng hơn 200 ngàn đồng/cống, nhưng hiệu quả vô cùng”, ông nói.

Kết hợp với làm cống, năm 2014, ông lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm nước. Hệ thống tưới được kết nối ứng dụng điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Vì thế, dù đi đâu, làm gì ông vẫn có thể chủ động tưới tiêu, ít nhiều tùy theo độ ẩm của đất. “Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động rất rẻ so với giá trị vườn cây trái mang lại, hơn nữa là giảm công tưới rất nhiều, vì chỉ cần mở van là hệ thống tự tưới. Thời điểm đó, giá ống (nhựa đen) dẫn nước tưới khoảng 1.800 đồng/m và bét khoảng 500 đồng/cái”, ông Hai phân tích. 

Ông Hai dẫn chúng tôi tham quan thực tế hệ thống phun tưới tự động quanh vườn. Mỗi lần tưới khoảng từ 10 đến 15 phút. Mực nước cao hơn 2/3 mương và đang cao hơn rất nhiều so với mực nước bên ngoài. Màu nước khá trong vì không có phù sa như của dòng nước ra vào tự nhiên theo thủy triều. “Bình thường mùa nước ngọt tôi mới xả cống để lấy nước phù sa bên ngoài, còn bây giờ đã đóng kín và xử lý phèn rồi, yên tâm có nước ngọt tưới trong mùa khô này”, ông Hai nói.


Sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả Sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả Phòng trừ tuyến trùng hại cây trồng Phòng trừ tuyến trùng hại cây trồng