Mở toang cửa xuất khẩu rau quả tiềm năng thị trường và câu chuyện trái Kiwi
* Thị trường 1.000 tỷ đô la
Và, mốc 1 tỷ USD XK rau quả đến năm 2020 đã bị phá vỡ khi ngay năm 2014. Cụ thể, năm ngoái kim ngạch XK các mặt rau quả đã chạm đến con số 1,5 tỷ USD.Dấu ấn đậm nét này có sự góp công không nhỏ của ngành nông nghiệp.
Cú hích chính sách
Quyết định 1997/2013 về việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển thị trường rau, hoa quả XK được coi là cơ sở để ngành XK rau quả cất cánh.
Trong câu chuyện với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), một bức tranh toàn cảnh về XK rau quả hiện ra rõ nét. Những con số về sản lượng, kim ngạch XK, những thị trường khó tính lần lượt bị chinh phục bởi rau quả Việt Nam, phần nào khẳng định rằng, chúng ta đang đi đúng hướng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đặt trọng tâm là XK rau quả.
Ông Hồng bảo rằng, khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua năm 2013, thì Việt Nam đã có một hàng rào kỹ thuật rất vững, ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đây chính là công cụ hữu ích để chúng ta thương lượng, đàm phán với các nước về vấn đề mở cửa thị trường.
Nếu như thị trường gạo thế giới, với rất nhiều quốc gia tham gia XK, chỉ vẻn vẹn có vài chục tỷ đô la, thì thị trường rau quả toàn thế giới được đánh giá cao gấp nhiều trăm lần, lên đến 1.000 tỷ đô la.
Để mở toang thị trường này, tận dụng những lợi thế, cơ hội của rau quả Việt Nam, việc thành lập Ban chỉ đạo được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quan tâm đặc biệt.
Theo ông Hồng, hiện nay trên thế giới có hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất, đó là hàng rào về an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng rào về kiểm dịch thực vật.
Khi chúng ta đã tham gia các hiệp định AFTA, đặc biệt là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hàng rào về an toàn thực phẩm được đa số các nước có quan hệ buôn bán trái cây, nông sản với Việt Nam đều thực hiện rất tốt.
Như vậy, chỉ có hàng rào kiểm dịch thực vật, vừa chặt chẽ, vừa hiệu quả, và rất quan trọng để bảo vệ cho SX trong nước.
“Từ năm 2010, chính nhờ hàng rào này mà chúng ta đã tái xuất của Ấn Độ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, gọi tắt là con mọt TG. Sau này có thêm nguồn nguyên liệu từ Mỹ có mọt T.I.
Như vậy, hàng rào kiểm dịch của chúng ta đã được tăng cường và cán bộ kiểm dịch được đào tạo để đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chính những nước phát triển đều phải thừa nhận hàng rào kiểm dịch thực vật của Việt Nam chặt chẽ, tiên tiến”, ông Hồng cho hay.
Cùng với xây dựng hệ thống kiểm dịch thực vật, việc tái cơ cấu ngành cũng là chìa khóa mở cánh cửa XK rau quả. Còn nhớ trong hội nghị tái cơ cấu năm ngoái, Cục BVTV đã đề xuất với Bộ phải nhấn mạnh, tô đậm hơn nữa vai trò của rau quả Việt Nam, đặc biệt trái cây.
Trước năm 2010, chúng ta dự báo là đến năm 2020, kim ngạch XK rau quả Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ đến 2014, chúng ta đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD kim ngạch của mặt hàng này, và con số 2 tỷ USD là cầm chắc trong tương lai gần.
Ông Hồng bảo, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt về rau quả. Ở khắp nơi trên thế giới, không có nước nào có thanh long, xoài, vải thiều ngon hơn Việt Nam.
Câu hỏi ở đây là tại sao chúng ta không đưa thế mạnh ấy lên tầm cao hơn, bởi vì chúng ta lợi thế mùa vụ, có thể SX quanh năm. Ngoài ra, chúng ta có những trái cây mà các nước không thể có, từ chôm chôm, thanh long, đến nhãn, vải…
Đấy là những nét độc đáo riêng có của Việt Nam. Nếu chúng ta phát triển chiều sâu, tức là tận dụng các lợi thế về thời tiết, mùa vụ, và các cây trồng đặc trưng, đấy chính là thế mạnh nên khai thác.
Trong tái cơ cấu, chỉ cần làm tốt những diện tích mình hiện có, tổ chức lại SX, đảm bảo kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, thì trong thời gian tới, ngành XK rau quả sẽ có những chuyển biến rất ngoạn mục.
Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cứ đi mãi một đường hướng là XK sang những thị trường “bình dân” như Trung Quốc và một số nước dễ tính thì rất khó để phát huy những thế mạnh.
Cho nên cần phải tiếp cận những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc, Niu Di-lân… Nếu rau quả vào được những thị trường này, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn, nó làm thay đổi tập quán, tư duy của người SX.
“Tôi nói đơn giản thế này, vừa rồi chúng ta tham gia XK vải thiều vào thị trường Mỹ, Úc. DN cam kết rằng, họ sẽ mua vải thiều của nông dân với giá gấp đôi, gấp ba thị trường, với điều kiện là sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nước ngoài.
Thế rồi sản phẩm rau gia vị của Việt Nam, khi tôi làm việc với một số DN XK mặt hàng này, được biết, giá bán của rau Việt Nam bên châu Âu là 25 euro/kg, rất đắt. Như vậy, nếu rau được SX đúng tiêu chuẩn, DN sẵn sàng mua của nông dân giá rất cao.
Tuy nhiên, DN chỉ chọn được 30% trong tổng số thu mua. Vì thế, chỉ cần làm ít, nhưng làm tốt, chất lượng thì vẫn cứ đạt hiệu quả như làm nhiều, làm đại trà mà giá thấp”, ông Hồng phân tích.
Câu chuyện trái Kiwi
Phải nói rằng, ngành nông nghiệp nói chung và lãnh đạo ngành nói riêng rất quan tâm đến lĩnh vực mở rộng và tìm kiếm thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kêu gọi sự phối hợp của các bộ khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương…
Ở các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các tham tán thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận thị trường cho rau quả Việt Nam.
Bài học này được chính Bộ trưởng Cao Đức Phát thấm thía, đó là việc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam liên tục đặt lịch làm việc với Bộ trưởng, với chỉ một đề nghị là cho phép XK nội tạng trắng sang Việt Nam.
Còn nhớ năm 2013, khi Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, ngay lập tức Niu Di-lân thành lập 1 đoàn sang Việt Nam, do đích thân bà Chủ tịch Hội đồng điều phối SX và XK trái Kiwi làm trưởng đoàn.
Sang Việt Nam, họ chỉ hỏi đúng một câu, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ảnh hưởng gì đến việc XK trái Kiwi của Niu Di-lân sang Việt Nam?
Trong câu trả lời của phía Bộ NN-PTNT với phía bạn, Bộ cho rằng, trái Kiwi được XK sang Việt Nam tức là đã được kiểm dịch và đánh giá nguy cơ dịch hại nên vẫn có thể XK bình thường.
Tuy nhiên, với một số điều luật mới được sửa đổi, bổ sung, cần phải đánh giá lại một vài tiêu chuẩn, và trái Kiwi sẽ tiếp tục XK sang Việt Nam nếu đáp ứng yêu cầu.
Điều đó chứng tỏ, với Niu Di-lân, việc XK trái cây, đặc biệt là Kiwi, sản phẩm đặc trưng của họ, là rất quan trọng, vì nó mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Họ coi Việt Nam là thị trường lớn với gần 100 triệu dân.
Chỉ tính riêng 2 TP Hà Nội và TP.HCM đã có tới hơn chục triệu dân. Chỉ cần mỗi người ăn của họ nửa kg Kiwi thôi thì kim ngạch XK của họ đã tăng lên rất nhiều rồi.
Kể câu chuyện trên để thấy rằng, rõ ràng, sau khi có Luật, vị thế của Việt Nam trên thị trường rau quả được nâng lên rất nhiều. Lúc này, chúng ta có thể đám phán thương mại với các đối tác khác một cách bình đẳng. Với riêng Niu Di-lân, sau khi Việt Nam cho phép XK Kiwi, thì chúng ta cũng yêu cầu họ xem xét việc NK thanh long, xoài của Việt Nam.
Ngay lập tức Niu D-lân chỉ đạo bộ phận kiểm dịch thực vật của họ làm nhanh. Chỉ trong vòng 3 tháng, họ đã làm xong và Đại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam cùng với lãnh đạo Cục BVTV đã tiến hành ký kết biên bản cho phép Việt Nam XK thanh long, xoài sang Niu Di-lân. Và đến nay, mỗi năm Niu Di-lân NK gần 1.000 tấn thanh long của Việt Nam.
Tuy nhiên, thắng lợi lớn nhất không phải nằm ở chỗ đưa được thanh long, xoài sang Niu Di-lân, mà giá trị ở chỗ là Niu Di-lân là nước có hàng rào kiểm dịch thực vật vào loại chặt chẽ nhất thế giới, cùng với Úc.
Để rau quả đưa được sang đây, phải trải qua một quy trình ngặt nghèo nhất, với hàng loạt các thủ tục kiểm tra khác nhau.
Như vậy, với việc đưa được rau quả sang quốc gia này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc nông sản của Việt Nam nói chung, rau quả nói riêng vào được các nước khác, nhất là khu vực châu Âu, Mỹ, Nhật…, những thị trường khó tính. Và việc Mỹ, Úc chấp thuận NK vải thiều của Việt Nam mới đây nhất là minh chứng cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ