Mô hình kinh tế Một nghề thì sống, đống nghề thì đút túi có...1,3 tỷ thôi!

Một nghề thì sống, đống nghề thì đút túi có...1,3 tỷ thôi!

Tác giả Hồng Chiêm - Phương Đông, ngày đăng 30/09/2017

Một nghề thì sống, đống nghề thì đút túi có...1,3 tỷ thôi!

Từ năm 2012 -2016, anh Hà Văn Mạn, thôn Lủng Coóc, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) liên tục đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp T.Ư, trong đó năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015.

Trong cơ cấu giống lợn nuôi, anh Hà Văn Mạn (phải) ưu tiên nuôi giống lợn đen địa phương bởi chất lượng thịt thơm, ngon và giá cả tườn đối ổn định. Ảnh: Phương Đông

Anh Hà Văn Mạn chia sẻ, đạt được kết quả trong sản xuất, kinh doanh là nhờ mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Cần cù bù… tài năng

“Anh Hà Văn Mạn là 1 trong 4 nông dân của tỉnh Bắc Kạn tham dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 và được Trung ương Hội ND Việt Nam tặng bằng khen. Anh được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017.

Anh Hà Văn Mạn chia sẻ, ở nông thôn làm giàu rất khó, nông thôn miền núi, vùng cao như ở Bạch Thông lại càng khó khăn hơn. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Mạn cho hay, đó là nhờ sự cần cù, chịu khó và biết tính toán căn cơ trong sản xuất, đời sống. Anh Mạn kể, ban đầu vợ chồng anh chỉ nuôi dăm ba con lợn/lứa. Có chút tiền, anh mua sắm máy xay xát và nấu rượu. Chính những phụ phẩm từ xay xát và bã rượu, cộng với vườn rau quanh nhà đã giúp vợ chồng anh nâng đầu lợn nuôi/lứa.

Anh Mạn tâm sự: “Năm 2012, khi nguồn tín dụng bên ngoài rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế, lãi suất rất cao. Vợ chồng tôi may mắn được vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội ND tỉnh Bắc Kạn. Đây là nguồn vốn rất quý lúc đó để vợ chồng tôi không chỉ mở rộng quy mô chăn nuôi mà còn mở thêm các nghề khác như trồng nấm, sản xuất bún, làm bánh cuốn…

Từ khi tham gia Hội ND, anh Mạn tích cực luôn tham gia các lớp tập chuyển giao KHKT, dạy nghề ngắn hạn và được Hội ND tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay vốn để áp dụng vào sản xuất. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, không cam chịu nghèo khó, anh mạnh dạn chuyển đổi các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Hiện, anh Mạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt và lợn nái với tổng diện tích chuồng trại là 800m2. Số lợn nái tăng từ 10- 50 con. Lợn nái đẻ ra anh đều giữ lại nuôi và duy trì đàn lợn thịt từ 200-300 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa đạt sản lượng 40 tấn/năm. Ngoài chăn nuôi lợn, anh Mạn còn chăn nuôi gà, vịt thương phẩm mỗi năm nuôi trên 1.000 con, đạt sản lượng khoảng 2 tấn…

Tạo việc làm cho nhiều lao động

Nói về những nghề mà vợ chồng anh Hà Văn Mạn đang làm, người khác nghe qua ai cũng bảo anh làm ăn “ôm đồm”, “1 nghề thì sống, đống nghề thì chết” hay “1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề”. “Tôi biết bà con góp ý vậy đều là từ dụng tâm tốt cho mình. Nhưng vợ chồng tôi biết lượng sức, hơn nữa mở thêm nghề thì có thêm việc làm. Việc làm và thu nhập ở miền núi rất quý đối với nông dân” - anh Mạn chia sẻ.

Ngoài chăn nuôi, anh Mạn còn trồng 150m2 nấm sò, đạt sản lượng 3 tấn/năm và có thêm nghề sản xuất bún, bánh cuốn theo dây truyền công nghiệp để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm gia đình anh Mạn đạt doanh thu từ chăn nuôi, trồng nấm sò và làm dịch vụ đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. Gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và tạo việc làm theo thời vụ trên 20 lao động địa phương.

Những nỗ lực vươn lên không ngừng của anh Hà Văn Mạn trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận. Giờ đây, anh Mạn đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc. Hơn hết là những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được anh Mạn chia sẻ cho bà con cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống.

Anh Mạn chia sẻ: “Có được kinh tế ổn định như hiện nay, tôi và gia đình đã không ngừng lao động, học hỏi thêm cách thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và biết tích lũy để mở rộng thêm... Từ kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ, ngoài làm kinh tế, tôi còn là người đảng viên nên phải gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa đời sống bà con phát triển hơn”. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh Mạn tích cực đóng góp công lao động và hiến 500m2 đất để mở đường liên thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương; ủng hộ 1 tấn xi măng làm nhà họp thôn và 1 triệu đồng để mua vật liệu khác. Hằng năm gia đình anh Hà Văn Mạn còn hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho trên 30 hộ trong thôn; cho 25 lượt hộ khó khăn về vốn vay 100 triệu đồng không tính lãi và cho vay 40 con lợn giống đến lúc bán mới trả tiền…

Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh giỏi, anh Mạn và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của địa phương thôn bản và các hoạt động, phong trào thi đua do các cấp Hội ND phát động… Kinh tế ổn định, anh có điều kiện nuôi dạy các con học hành thành đạt. 


Nuôi động vật bản địa bằng thức ăn tự nhiên, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm Nuôi động vật bản địa bằng thức ăn… Giàu từ nghề ương nuôi cua giống Giàu từ nghề ương nuôi cua giống