Một Số Bệnh Thường Gặp Ở Ếch Và Biện Pháp Trị Bệnh
1. Bệnh đường ruột
Cả nòng nọc và ếch trưởng thành đều có thể mắc phải bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn thiu, thối. Nòng nọc khi bị bệnh, bụng phình to, bơi khó khăn. Cơ thể không nằm ngang mà thường thẳng đứng. Khi đó phải thay toàn bộ nước mới, vớt các con bị bệnh ra một chậu. Cứ 5 lít nước hoà 2 lọ penicilin 1 triệu đơn vị và cho nòng nọc bơi trong nước đó khoảng nửa tiếng. Sau đó, đưa chúng sang một chậu nước sạch khác hoặc một bể nhỏ. Cho chúng ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá trong một thời gian. Khi nòng nọc hết bệnh mới đưa trở lại với đàn.
Ở ếch con và ếch trưởng thành, nếu bị bệnh sẽ hoạt động chậm chạp, kém ăn, hậu môn lòi ra và có vết máu. Chữa bằng cách, trộn thêm ganidan hoặc becberin đã nghiền nát vào thức ăn. Sau 3 - 5 ngày, ếch sẽ khỏi bệnh. Cũng có thể dùng sunphadiazine với lượng 4–5g/1kg thức ăn trong 5 ngày hoặc metrromidazole 3 – 5 g/1kg thức ăn trong 1 tuần, bệnh sẽ giảm. Tốt nhất, cho ếch nhịn ăn 1-2 ngày rồi cho ăn thức ăn đã trộn thuốc.
2. Bệnh trùng bánh xe
Bệnh này thường xuất hiện ở giai đoạn nòng nọc. Bệnh do ký sinh trùng trichodina gây ra. Khi mắc bệnh, trên màng vây và đuôi của nòng nọc xuất hiện những điểm màu trắng bạc, bơi ngắc ngoải và cựa quậy liên tục. Chúng sẽ bỏ ăn và chết hàng loạt. Bệnh thường xảy ra khi nguồn nước nuôi bẩn. Khi đó, phải thay nước ngay và đưa những con bị bệnh ra chậu riêng để điều trị. Cho nòng nọc bị bệnh tắm trong dung dịch sun phát đồng (CuSO4) với lượng 2 - 3g/m3 nước hoặc với dung dịch penicilin (1 chai 1 triệu đơn vị cho 1 chậu lớn).
Không nên ngâm nòng nọc trong các dung dịch này quá 2 giờ. Khi thấy chúng hoạt động bình thường trở lại thì vớt ra ngay. Cũng có thể điều trị bệnh này bằng nước muối nồng độ 2-3 ‰ (hoà 2-3 lạng muối với 10 lít nước). Cho nòng nọc bị bệnh vào nước muối đó trong vòng 5-10 phút. Gặp mặn, nòng nọc bơi nhảy tứ tung, trùng bánh xe sẽ bị tiêu diệt. Sau đó, vớt chúng ra và thả lại vào chỗ nuôi.
3. Bệnh giun, sán
Ếch thường bị bệnh sán lá, sán sơ mít và giun ký sinh. Trộn các loại thuốc tẩy giun sán lẫn với thức ăn hoặc có thể dùng peperracin với tỷ lệ 0,1% so với thức ăn. Phải tẩy vài lần mới hết được giun sán, nếu để ếch bị bệnh sẽ lớn chậm.
4. Bệnh mù mắt
Bệnh này thường xẩy ra khi nuôi ếch trong bể xi măng. Lúc đầu một mắt của ếch màu đục trắng. Nếu không chữa, nó sẽ lây sang mắt thứ 2 và ếch sẽ chết.
Hiện nay, bà con thường dùng các loại thuốc như cipro, AntiI.v.v.. có bán ở các quầy thuốc thú y và rải đều xuống nước (liều lượng theo chỉ dẫn ở bao bì). Bệnh cũng có thể khỏi được. Tốt nhất, khử trùng bể nuôi bằng Iodine (PVP Iodine) với liều lượng 5 – 10 ml/m3 nước, bệnh sẽ giảm.
5. Bệnh tê liệt thần kinh
Ếch bị bệnh thường nhảy loạng choạng, đi lại lệch lạc, chân co giật liên tục, dần dần bị bại liệt và chết. Chưa có loại thuốc đặc trị bệnh này. Có thể dùng các loại thuốc chữa thần kinh cho vịt như Frog 200 hoặc Enroflox để điều trị cho ếch với liều lượng như hướng dẫn ngoài bao bì.
6. Bệnh nhiễm trùng ngoài da
Bệnh xuất hiện khi môi trường nuôi bị ô nhiễm hoặc ếch bị xây xát da, khi đó phải thay nước ngay. Có thể xử lý nguồn nước bằng dung dịch thuốc tím hoặc nước muối bằng cách hoà thuốc tím với liều lượng 3 - 5g/1m3 nước và hắt vào lồng nuôi. Cũng có thể dùng muối hạt vãi vào lồng cũng cho kết quả tốt, ếch mau khỏi bệnh.
7. Bệnh đốm trắng ở gan
Đây là bệnh phổ biến ở các loài cá da trơn. Bệnh do vi khuẩn Edwardseella gây ra. Ếch mắc bệnh này thường bỏ ăn, yếu, kém hoạt động và gầy nhanh. Khi mổ ra thấy gan có nhiều đốm trắng li ti. Dùng Entrofloxarin hoặc Ciprofloxarin để trị bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ