Một Số Đặc Điểm Về Sâu Đục Trái Bưởi Và Biện Pháp Quản Lý
Trong Hội thảo khoa học với chuyên đề “Nâng cao năng lực quản lý sâu đục trái bưởi da xanh” trong Ngày hội Cây - trái ngon năm 2013 tại huyện Chợ Lách, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, Trường Đại học Cần Thơ đã có tham luận ”Một số đặc điểm về sinh học và sinh thái của sâu đục trái bưởi và biện pháp quản lý trước mắt” như sau:
Tên loài và khả năng gây hại
Tình hình sâu đục trái bưởi được phát hiện trên địa bàn dọc tuyến sông Hậu vào cuối năm 2011, cụ thể là ở hai huyện liền kề nhau là Châu Thành (Hậu Giang) và Kế Sách (Sóc Trăng). Khác với loại sâu đục vỏ trái (Prays citri) thường tạo u ngoài vỏ làm mất giá trị thương phẩm, loài này đục luôn vào trong ruột trái, từ non cho tới trái đã chín, nên gây thiệt hại rất lớn về năng suất lẫn thương phẩm.
Ngoài trái bưởi, chúng cũng gây hại cho trái cam, chanh và cả quít. Loài này đã xuất hiện và gây hại từ lâu ở Indonesia, Malaysia mà chúng tôi đã tham khảo trong sách Côn trùng gây hại cây trồng chính (NXB Nông nghiệp, 2011) dưới tên khoa học là Citripestis sagittiferella Moore, thuộc họ phụ Phycitinae của họ Pyralidae, bộ Lepidoptera (bộ Cánh vảy).
Một số đặc điểm hình thái, sinh học và sinh thái quan trọng
Sâu đẻ trứng thành chùm 4-5 cái, tròn dẹp, ở bên ngoài vỏ của nửa phần dưới trái, thường là trái non nhưng cũng ngay cả trái già khi mật số của chúng cao. Thời gian để trứng nở khoảng 4-5 ngày. Ấu trùng (sâu) nở ra vào buổi sáng, đục ngay vỏ trái để chui vào bên trong, ăn vỏ rồi đục luôn vào ăn trong thịt trái.
Sâu còn non có màu trắng đầu đen, lớn dần sẽ chuyển sang màu nâu hồng, dài đến 15mm, rất lanh lẹ và thường sống tập thể bên trong ruột của trái. Ấu trùng có 4 ngày tuổi và thời gian phát triển bên trong trái khoảng 2 tuần trở lại. Khi lớn đủ sâu đục ra ngoài rồi rơi xuống đất, nhả tơ tạo kén để làm nhộng trong đất và nở ra thành bướm.
Bướm có màu nâu đậm, hẹp và dài do cánh xếp dọc thân mình, dài khoảng 10-12mm, khi đậu đầu hơi nhô cao và có 2 râu sờ cong lên trước mũi. Bướm không sống lâu, độ 1 tuần lễ và đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Bướm cái có thể đẻ hàng trăm trứng thành chùm trên nhiều trái trong vườn. Thời gian hoạt động của bướm mạnh nhất là vào đầu đêm, từ 6-9 giờ tối.
Đề xuất biện pháp phòng trừ trước mắt và hướng quản lý bền vững
Trước mắt, để giảm thiệt hại và hạn chế sự lây lan, bà con nông dân cần theo dõi sự gia tăng mật số và lây lan trên bưởi và các loại cây có múi khác để có thông tin kịp thời. Giới hạn khả năng gây hại bằng cách thu nhặt trái rụng do bị sâu đục và chôn sâu để diệt sâu còn ở bên trong, vì khi đủ lớn sâu sẽ chui ra ngoài làm nhộng trong đất. Xử lý thuốc một cách an toàn các trái bị đục, tỉa trái và bao lại.
Nên dùng loại thuốc chuyên trị đối với sâu và ít độc đối với thiên địch và môi trường. Nên tỉa cành và tỉa trái để cho ra hoa đồng loạt, tránh để trái “tầm loang” hoặc xen canh với các loại cây có múi khác có trái không cùng mùa. Nuôi giữ kiến vàng trong vườn rất có lợi vì loài kiến này sẽ ăn trứng, sâu và quấy rối sự đẻ trứng của bướm (nhưng phải chú ý diệt kiến hôi vì chúng thường tấn công kiến vàng để tranh giành lãnh thổ).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ