Mú Con Mang Kinh Tế Về Xóm Biển
Ngày đăng 15/05/2012
Những ngày tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạng khá dày. Ngư dân vùng biển Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) thu nhập khấm khá từ bắt cá mú con.
Một ngày trúng bạc triệu
Tờ mờ sáng, bãi biển Gành Rái đã đông đúc già, trẻ, gái, trai. Đưa cánh tay rắn rỏi khua mái dầm, ông Huỳnh Ba, 50 tuổi (thôn Hiệp Đức, xã Chí Công) tươi cười: “Bắt cá mú con cũng vài năm rồi. Mùa trước nó về thưa thớt lắm nhưng năm nay cá về dày hơn. Ai cũng mừng vì được ăn “lộc” biển”.
Ông Ba cho biết, mùa vụ đánh bắt cá mú con rộ nhất vào những tháng gió đã dịu xuống, nước thì bớt trong.
Đây là thời điểm cá mú mẹ sinh sản, xua bầy con theo dòng hải lưu vào lộng tìm thức ăn và tránh kẻ thù.
Nắm được quy luật loài cá thường “ngụ cư” ở các rạn san hô hoặc bãi đá ngầm dưới đáy biển, ngư dân giăng bẫy đánh bắt.
Mỗi ngày người dân kéo những tấm lưới kết thành búi lên, bắt cá. “Một con mú con giá 4.000 đồng, ngày “trúng” từ 200 - 300 con là có bạc trăm, bạc triệu bỏ túi” - ông Ba cười rạng rỡ.
Lắc chiếc thúng chạy dọc theo hàng phao xốp lềnh bềnh trên mặt biển, ông Ba cúi rạp người sát mép nước kéo lên từng đùm lưới giũ rào rào, những chú cá con dính bẫy rơi ra nhảy bần bật trong khoang thúng.
Bắt từng con cá to như đầu chiếc đũa, chừng 1 tháng tuổi, mình mẩy đen trùi trũi bỏ vào chiếc thùng nhựa, ông Ba bảo con mú chẳng phải sợ đứt râu, gãy chân như con tôm hùm, loại này nuôi trong ao, trong lồng nó lớn nhanh, sống khỏe.
Sau 3 giờ vẫy vùng cùng sóng nước, ông Ba vào bờ ôm trên tay chiếc thùng đựng hơn 70 con cá mú con xòe bộ vi tung tăng bơi lượn.
Niềm vui làng biển
Khác với nhiều nơi, khu vực biển Gành Rái dài hơn 10 km vắng tiếng ghe tàu, chỉ có những chiếc thuyền thúng. Mỗi khi có thuyền thúng vào bờ là mọi người xúm xít lại hỏi han, cười mãn nguyện, rồi chia sẻ cùng nhau những toan tính, dự định... từ nguồn “chiến lợi phẩm”.
Các thương lái đã bày biện sẵn dụng cụ thu mua cá ngay tại chỗ, một tay bấm máy tính nhoay nhoáy, một tay mở túi đưa tiền ngay.
Anh Nguyễn Văn Cường, một thương lái cho biết do ngư dân khai thác nhiều, mỗi ngày anh thu mua đến vài ngàn con cá mú con, rồi chuyển đi cung cấp cho các trại nuôi cá mú lồng ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên...
“Hiện nay nguồn giống cá mú đã được sinh sản nhân tạo, nhưng người nuôi vẫn rất chuộng cá mú đánh bắt tự nhiên, bởi chúng lớn nhanh và ít khi bị bệnh” - anh Cường nói.
Cầm xấp tiền dày cộm bỏ vào túi, ông Huỳnh Ba cười sảng khoái. Ông bảo chưa thấy đâu bằng biển nơi này, rất nhiều cá mú Thông, mú Mè... Loại này xếp vào hàng đặc sản cao cấp, thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng rất cao và còn là một vị thuốc bổ dưỡng.
Ông bảo gia đình có đến 7 dây lưới, mỗi dây gắn 70 búi lưới, hôm nay chỉ “vớt” một nửa, phần còn lại hôm sau. Cứ thế xoay vòng để ngày nào cũng được đếm tiền.
Theo chân những ngư phủ vào làng biển Chí Công, đi đâu cũng nghe rộn ràng chuyện “vầy duyên” con cá mú. Ai cũng nói nhờ con mú mà mua sắm được xe máy, tivi, tủ lạnh, quần áo cho con cái ăn học.
Người trong làng giới thiệu anh Bảy Hưng, 40 tuổi ở thôn Hiệp Đức là một trong những người gặt hái lớn trong mùa cá mú năm nay. Anh Hưng nói: “Cả tháng nay, mỗi ngày tui bắt được gần 200 con - cao nhất trong nghề lưới đùm của tui”.
Ông Hai Tĩnh, 52 tuổi, ở Thôn Hiệp Đức, cho biết, xăng dầu tăng giá, ghe thuyền chẳng dám ra khơi, nhưng bù lại cá mú về nên ai cũng ùa ra biển. Dân ở đây ví cá mú như món “lộc” biển ban tặng hằng năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ