Mưu Sinh Mùa Nước Nổi
Những năm trước đây, cứ khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước lũ tràn về, cánh đồng Gò Kén, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh lại nhộn nhịp người đi đánh bắt cá. Mùa nước nổi năm nay, tuy lũ về sớm nhưng lại lên xuống thất thường khiến cho bà con nông dân vốn quen làm nghề này cũng phải vất vả lắm mới kiếm được con cá.
Nước mới ngấp nghé trên đồng, vợ chồng anh Trần Hữu Hồng ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung đã lại bắt đầu một mùa mưu sinh mới trên cánh đồng Gò Kén. Năm nay, mới đầu tháng 7 nước đã về tràn đồng, cứ tưởng nước lũ sẽ dâng cao hơn mọi năm và con cá theo về cũng sẽ nhiều hơn nên vợ chồng anh Hồng mạnh dạn đầu tư sắm hơn 20 tay lưới, mỗi tay lưới có giá hơn 300.000 đồng.
Mặc dù đã có thâm niên trong nghề đánh bắt cá, anh Hồng cũng không thể nào lường trước được tình trạng thất thường của con nước lũ. Anh Hồng cho biết, mọi năm mực nước ở cánh đồng này cao khoảng 1,2m, còn năm nay chỉ cao hơn đầu gối một chút. Năm trước, giăng lưới mỗi ngày (từ lúc 3 giờ sáng đến xế chiều), anh có thể thu hoạch được gần 20kg cá các loại, đem về thu nhập khoảng 600.000 - 700.000 đồng.
Còn năm nay lũ yếu, nên mặc dù anh đã đặt lưới với số lượng nhiều hơn nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Mỗi ngày cật lực đi đặt, dời lưới thường xuyên anh cũng chỉ thu được chừng 7 - 8kg cá; như vậy cũng mừng lắm rồi. Lượng cá giảm đi nhiều nên có hôm anh Hồng không kiếm được con cá nào, phải chuyển sang đi bắt ốc bươu vàng để kiếm thêm thu nhập.
Nhà nghèo, không có ruộng đất, từ bấy lâu nay vợ chồng anh Hồng chủ yếu đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Đến mùa nước nổi không có việc làm, anh chị tranh thủ đánh bắt cá trên đồng để tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Lượng cá ít đi khiến công việc mưu sinh trở nên khó khăn hơn, nhưng đôi vợ chồng nghèo chẳng biết làm việc gì khác để kiếm tiền nên vẫn phải bám lấy cái nghề cũ mỗi khi con nước lũ tràn đồng.
Anh Nguyễn Thanh Sơn - một nông dân sống bằng nghề trồng lúa ở cánh đồng Gò Kén. Mùa nước nổi, không sản xuất được, anh Sơn chuyển sang đánh bắt cá để kiếm sống. Theo lời anh, tuy việc đánh bắt cá chỉ diễn ra trong vài tháng, nhưng nó cũng đủ đem lại cho anh một nguồn thu nhập đáng kể.
Mùa lũ những năm trước, mỗi ngày đi giăng lưới anh có thể kiếm được 20kg cá, đó cũng là chuyện bình thường; ngày nào ít lắm cũng được từ 15kg trở lên. Nhưng năm nay nước thấp, cá về ít, bỏ công sức giăng lưới, đặt dớn cả ngày, anh Sơn cũng chỉ kiếm được trên dưới 5 - 6kg cá sặc, cá rô, tép…
Anh cho biết, mọi năm cứ đến mùa này là cả khu cánh đồng lại tấp nập người. Khoảng 4 - 5 giờ sáng là người người ra đồng thăm lưới, đặt dớn. Sáng ra, dọc 2 bên cánh đồng rộn rịp, xôn xao cảnh mua bán cá. Mọi năm, ngoài những người chuyên đánh bắt cá kiếm sống còn có khá đông người tìm đến đây để câu cá giải trí, làm cho cả khu vực càng thêm náo động.
Năm nay thì khác hẳn, chỉ thấy lác đác vài người. Do mực nước thấp, giăng câu rất khó. Người câu cá ngồi cả buổi may lắm cũng chỉ kiếm được vài con rô đồng bé tí. Theo lời anh Sơn, chưa thấy mùa nước nổi nào mà lượng cá lại ít như mùa này cả, vì thế nhiều người làm nghề cá không bảo đảm được thu nhập nên đã chuyển sang tìm kiếm việc khác để làm. Lượng cá ít đi, con cá trở nên khó kiếm, thế là nhiều người đã dùng thuốc, dùng xung điện để đánh bắt khiến cho nguồn thuỷ sản ngày càng cạn kiệt.
Một mùa lũ không như mong đợi, khiến công việc mưu sinh có phần vất vả hơn, những nông dân nghèo mà cuộc sống hằng ngày phụ thuộc vào con nước lũ cao, thấp, mạnh, yếu còn có thêm nỗi lo: xem chừng mùa tới, vụ lúa không được tươi tốt như mọi năm. Thông thường, khi lũ tràn về trên những cánh đồng, nó không chỉ đem lại nguồn thuỷ sản phong phú cho bà con nông dân mà còn giúp rửa phèn, bồi đắp phù sa đem lại sự màu mỡ cho đồng ruộng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ