Mô hình kinh tế Năm 2014, Cá Tra Có Đối Thủ Cạnh Tranh

Năm 2014, Cá Tra Có Đối Thủ Cạnh Tranh

Ngày đăng 11/01/2014

Năm 2014, Cá Tra Có Đối Thủ Cạnh Tranh

Trong năm 2013, nhiều doanh nghiệp và nông dân trong ngành cá tra đã phải chật vật xoay xở với bài toán nuôi và kinh doanh hiệu quả.

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và là Chủ tịch Công ty cổ phần Hùng Vương, đã đề cập đến cách mà các doanh nghiệp sẽ vượt khó, những thách thức cũng như triển vọng kinh doanh cho ngành này năm 2014.

TBKTSG Online: Ông nhận định gì về triển vọng của ngành sản xuất xuất khẩu cá tra năm 2014?

- Ông Dương Ngọc Minh: Mặt tích cực của năm 2014 là ngành này sẽ có thể giải quyết được vấn đề phát triển nóng của các năm trước, tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng và nhu cầu tiêu thụ sút giảm, lãi suất cao. Tôi cho rằng tất cả những “nút thắt” này cản trở sự phát triển của ngành cá tra có thể sẽ được tháo gỡ. Nhiều nhà đầu tư trong những năm qua không còn tìm thấy sự hấp dẫn của ngành này nên đã rút lui, chỉ còn lại những doanh nghiệp thật sự ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi. Đây là những thành phần chủ lực sẽ góp phần đưa ngành cá tra phát triển.

Ngoài ra, nếu nhìn ra bối cảnh rộng hơn, cá tra sẽ bị cạnh tranh bởi “đối thủ” là giống cá alaska pollock. Sản lượng loại cá này trong năm nay đã tăng 10%, giá cả rất cạnh tranh so với cá tra. Các thị trường nhập khẩu chính của cá tra cũng ưa chuộng giống cá này.

Cá tra không còn là sản phẩm độc quyền của Việt Nam nữa. Hiện nay Indonesia đang bắt đầu phát triển giống cá này, còn Ấn Độ cũng hàng năm sản xuất khoảng 500.000 tấn. Sở dĩ họ chưa tham gia thị trường quốc tế vì còn phục vụ thị trường trong nước.

Đối với rào cản thương mại thì các doanh nghiệp vẫn chờ đợi kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu vào thị trường Mỹ dự báo sẽ được công bố vào tháng 3 tới. Kết quả này sẽ quyết định xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ. Dự báo sản lượng năm 2014 sẽ giảm khoảng 10% nhưng giá trị tăng khoảng 5%. Con số này là hợp lý vì nguồn cung sẽ bắt đầu phục vụ cho nhu cầu để phát triển.

Liên quan đến thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Nhật cũng là những thị trường tiềm năng trong năm tới.

Đâu là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng của ngành cá tra vừa qua, thưa ông?

- Nhiều người vẫn tưởng người nuôi và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc khủng hoảng nhưng thực tế còn có những người sản xuất cá giống và thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Từ năm 2011 đến 2012, những người sản xuất cá giống là những người nghèo nhất giữa các thành phần có liên quan trong chuỗi sản xuất. Đến tháng 7, tháng 8-2013, một ký lô thịt cá tra bán có giá 24.000 đồng nhưng giá cá giống chỉ có 15.000 đồng/kg.

Người làm thức ăn cũng bi thiệt hại vì trong năm 2013, giá bán giảm 3% nhưng nguyên liệu đầu vào thì tăng đến 10%.

Nhiều doanh nghiệp đang huy động vốn từ nhiều kênh, từ thị trường chứng khoán, đến các kênh ngân hàng để đầu tư vào chuỗi sản xuất khép kín, và công ty của ông cũng đang thực hiện hình thức sản xuất này. Nhận định của ông về xu hướng này ra sao?

- Sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, kiểm soát được chất lượng sản phẩm cuối cùng… Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào muốn sản xuất khép kín cũng được. Doanh nghiệp tham gia hình thức sản xuất này cần phải trường vốn thì mới có lợi nhuận và phát huy được ưu thế của nó. Nếu không thì đầu tư chuỗi khép kín sẽ lợi bất cập hại.

Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra đã được đề cập rất nhiều năm nay nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thành công?

- Vì chúng ta không tìm được điểm chung để gắn kết những người tham gia chuỗi sản xuất cá tra.

Chính giữa những người nông dân hay giữa những doanh nghiệp với nhau đã có sự khác biệt lớn. Xét về hiệu quả kinh tế, những nông dân có tiền nuôi cá khác người nông dân không có tiền, doanh nghiệp có tiền cũng nuôi và bán cá cũng khác những doanh nghiệp thiếu tiền đầu tư.

Khi doanh nghiệp hoặc nông dân có vốn liếng mạnh, tư thế đàm phán với các nhà cung ứng thức ăn, con giống, các đối tác khác cũng sẽ thuận lợi hơn những người vốn yếu. Họ sẽ được các đối tác ưu đãi nhiều hơn, tạo nên thế mạnh về cạnh tranh trên thương trường. Chưa kể, vốn mạnh kết hợp với hiểu biết kỹ thuật sản xuất sẽ làm giảm giá thành trong khi giữ vững được chất lượng thịt cá.

Liên kết những đối tượng này với nhau đã khó, chưa nói đến chuyện tìm điểm chung để gắn kết nông dân và doanh nghiệp. Cách đây 4,5 năm, mô hình liên kết đã từng rất thịnh hành, vì khi đó cả nông dân và doanh nghiệp chỉ tập trung vào thế mạnh nuôi trồng hoặc sản xuất/kinh doanh nên còn cần nhau. Nhưng hiện nay tình hình đã khác.

Mới đây đại hội cổ đông công ty cổ phần Hùng Vương của ông đã thông qua kế hoạch bán 30 triệu cổ phần để huy động vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Ông đặt kỳ vọng gì vào con cá tra, gắn liền với thương hiệu Hùng Vương trong năm tới?

- Tôi chỉ đặt mục tiêu kinh doanh vừa phải đối với con cá tra trong năm tới, các chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận cũng sẽ không khác biệt so với năm nay. Năm 2014, Hùng Vương sẽ mở rộng sang lĩnh vực thương mại. Hùng Vương sẽ là doanh nghiệp đại diện của Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp... sang phục vụ cộng đồng người Việt và châu Á sống ở Mỹ.

Xin cảm ơn ông!


Nuôi Lươn Trong Bể... Bê Tông, Thu Tiền Triệu Nuôi Lươn Trong Bể... Bê Tông, Thu Tiền… Dịch Bệnh Trên Tôm Gia Tăng Dịch Bệnh Trên Tôm Gia Tăng