Năm 2015, Ngành Thủy Sản Sẽ Bứt Phá Ngoạn Mục
Các Hiệp định thương mại đã và đang đàm phán với Nga và châu Âu giúp Việt Nam có lợi thế hơn các nước về thuế, bên cạnh thuế VAT với thức ăn chăn nuôi được miễn đang là cơ hội cho DN thủy sản.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam trong năm 2014 dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD. Tăng trưởng này chủ yếu đến từ con tôm và hải sản đánh bắt, riêng cá tra vẫn nằm ở mức khoảng 1,7 USD.
Năm 2014 là một trong những năm bước ngoặt chuyển tiếp 2015, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có bước đột phá mạnh do điều kiện trong môi trường xuất khẩu mà Việt Nam đã, đang đạt được các thỏa thuận hiệp định song phương với các thị trường nhập khẩu lớn. Đánh giá về cơ hội này, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, kim ngạch trong năm 2015 sẽ có bứt phá ngoạn mục.
Năm 2015, ngành thủy sản sẽ bứt phá ngoạn mục (1)Ông Minh nói: Vừa qua Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), dự kiến có thể kết thúc trong năm nay và đến đầu 2015, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào Nga, trong đó có thủy hải sản sẽ được miễn thuế. Hiện Nga đang áp thuế 18% đối với hàng hóa thủy sản Việt Nam.
Dự kiến tháng 10 tới đây, chúng ta cũng kết thúc đàm phán hiệp định thương mại với liên minh châu Âu, khu vực đang áp thuế bình quân 7%. Như vậy, ngay từ đầu 2015, hàng hóa thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào 2 thị trường này sẽ được hưởng lợi về vấn đề thuế. Những đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Thái Lan, Na Uy không có lợi thế như Việt Nam vì các nước này vẫn chịu mức thuế cao.
Ngoài ra, gần đây một số chính sách của Chính phủ cũng bắt đầu có tác động nhất định cho vấn đề nuôi trồng, như vừa qua đã thống nhất chủ trương bỏ thuế VTA thức ăn (5%). Nếu thuế VAT thức ăn không còn, sẽ giúp giá thành thủy sản của Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Nếu kết hợp với điều kiện thuận lợi trong đàm phán thương mại thì tôi nghĩ năm 2015, ngành thủy sản sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Thời gian qua, uy tín mặt hàng thủy hải sản Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao ở các thị trường như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, và các thị trường khác. Để khai thác hết điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại song phương mang lại, theo ông, doanh nghiệp trong ngành cần phải chuẩn bị những gì?
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho sản xuất, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là phải chuẩn bị cho kế hoạch nuôi trồng. Chúng ta phải làm sao để nguồn nguyên liệu thủy sản của Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn hóa của Quốc tế, phải phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường. Có như vậy mới đủ sức cạnh tranh và bán được giá cao.
Thưa ông, trong bối cảnh nguồn tài chính đang khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm ở đâu để đầu tư vào nuôi trồng?
Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự chung sức, hỗ trợ từ phía ngân hàng. Tôi cho rằng ngân hàng cần xem xét, hỗ trợ cho kế hoạch đón đầu thị trường của những doanh nghiệp có thị trường, có điều kiện sản xuất nhằm giúp họ đảm bảo chuổi cung ứng cho xuất khẩu.
Ông có thể đánh giá khái quát cơ hội riêng về thị trường Nga?
Trong năm 2015, dự báo thị trường này sẽ có bước tăng trưởng gấp hai ba lần khi hiệp định FTA thực thi. Do thuế xuất bằng 0%, trong khi các nước như Thái Lan, Na Uy, Trung Quốc vẫn còn bị áp thuế cao nên tôi cho đây là cơ hội để các mặt hàng nông thủy sản của chúng ta thâm nhập sâu vào thị trường này. Năm 2014, doanh số xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường Nga đạt khoảng 200 triệu, nhưng sang năm 2015, sẽ tăng lên 500 triệu USD.
Gần đây HVG mua rất nhiều cổ phiếu của các công ty mà mình đang nắm giữ. Trên cương vị Tổng giám đốc, ông có thể tiết lộ mục tiêu của kế hoạch này?
Chúng tôi đặt mục tiêu đề ra trong năm 2015 sẽ đạt doanh số vượt 20.000 tỷ, tương đương 1 tỷ USD, và sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành thủy sản Việt Nam. Đến nay, mục tiêu này hầu như đã đạt được cho kế hoạch 2014.
Năm 2014, HVG đi vào tiêu chí vừa đảm bảo về lượng, vừa đảm bảo về chất, do đó phải tăng cường chào mua công khai để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà máy thức ăn Việt Thắng từ 65% lên trên 80%, AGF từ 75% lên trên 80%, đồng thời hợp nhất FMC, đưa quyền nắm giữ từ 40% lên trên 52% và Tắc Vân từ 25% lên 52% vào cuối năm nay. Trên cơ sở này, HVG sẽ tập trung lợi nhuận từ các công ty nắm cổ phần chi phối về công ty mẹ, đảm bảo quyền lợi cổ đông nắm giữ cổ phiếu HVG.
Dự kiến 9 tháng đầu năm, chúng tôi đạt doanh số 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trên 500 tỷ đồng. Việc đầu tư khép kín vào quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu đã giúp chúng tôi ổn định trong phát triển sản xuất, có được giá thành tốt trong xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh.
Với lợi thế này, kế hoạch mà HVG đề ra cho 2015 là trên 20.000 tỷ đồng sẽ ở trong tầm tay. Trong số này, chúng tôi định hướng kim ngạch xuất khẩu từ 600-700 triệu USD, trong đó cá tra khoảng 300-350 triệu, tôm từ 300- 350 triệu USD. Dự kiến sản lượng thức ăn trong năm nay khoảng 700 ngàn tấn, đạt mức tăng trưởng 20%, năm 2015 là 800 ngàn tấn, điều này giúp mang về doanh số nội địa cho công ty khoảng 9.000 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ