Nam Định Xây Dựng Nhãn Hiệu Tập Thể Cá Bống Bớp Nghĩa Hưng
Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, nhưng cá bống bớp đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng (Nam Định) từ hơn 20 năm trước, khi những ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom góp lại nuôi trong ao.
Được nuôi dưỡng trong môi trường ao nuôi lấy nước từ 2 cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đổ về mang theo nguồn phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận đã giúp cá bống bớp nhanh chóng thích nghi với môi trường nước lợ và phát triển tốt.
Từ đây, cá bống bớp được người dân xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng thuần hóa và nhanh chóng được nuôi đại trà ở các địa bàn cùng điều kiện thổ nhưỡng như xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Thị trấn Rạng Đông… bởi ngoài việc dễ tiêu thụ, cá bống bớp còn có đặc tính khỏe mạnh, dễ nuôi và ít bệnh. Ban đầu cá bống bớp được nuôi xen canh với tôm sú nhưng năng suất đã đạt 4 đến 6 tấn/ha.
Với giá bán 250-350 nghìn đồng/kg, cá bống bớp đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ven biển huyện Nghĩa Hưng. Bình quân 1ha nuôi cá bống bớp có nguồn thu 1,5-1,8 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có nguồn thu lớn từ cá bống bớp như các gia đình ông: Trần Văn Độ, Trần Văn Lộc, Nguyễn Văn Ba, xã Nghĩa Thắng; Nguyễn Văn Thiện ở xã Nghĩa Hải…
Do đó, diện tích nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng. Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển sản xuất, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi Cồn Xanh, Tây Nam Điền; khuyến khích các hộ nuôi mở rộng diện tích nuôi trồng; hướng dẫn các hộ nuôi ở vùng Đông Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi… kỹ thuật cải tạo ao, đầm và hệ thống thủy lợi, áp dụng phương thức nuôi thâm canh, tránh ô nhiễm môi trường. Khi nhu cầu nuôi tăng lên, nguồn sống tự nhiên không đủ đáp ứng, các cơ quan chuyên môn và người nuôi đã chủ động nghiên cứu nhân tạo sản xuất giống.
Người nuôi đã liên kết nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cá giống ở Viện Nuôi trồng thủy sản Trung ương và những vùng nuôi lớn trên toàn quốc. Nhờ đó đến năm 2010, các trại giống thủy sản ở Nghĩa Hưng đã sản xuất thành công giống cá bống bớp với số lượng lớn, góp phần chủ động nguồn giống cho nuôi cá thương phẩm.
Thành công này không chỉ giúp người nuôi chủ động kế hoạch sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà còn khẳng định quyết tâm phát triển bền vững nghề nuôi cá bống bớp theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá. Anh Nguyễn Văn Sơn ở khu 6, Thị trấn Rạng Đông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trại sản xuất giống cá bống bớp với diện tích rộng trên 1.000m2 với 18 bể ương, có khả năng sản xuất 2 triệu con cá giống/năm.
Để bảo đảm chất lượng con giống, anh Sơn mời đội ngũ kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Đầu năm 2013, trại sản xuất cá bống bớp giống của anh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và ương giống cung ứng cho bà con trong vùng.
Đến nay, diện tích nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng đạt 230ha và đang tiếp tục mở rộng sang vùng Tây Nam Điền với tổng sản lượng ước đạt 1.700-2.000 tấn/năm. Hiện, ngoài 5 đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp, trên địa bàn huyện còn hình thành hàng chục đại lý trung chuyển với sản lượng cá tiêu thụ bình quân 4-6 tấn/ngày xuất đi các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù sản xuất với sản lượng lớn nhưng người nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng vẫn chưa khai thác hết giá trị kinh tế của đối tượng nuôi này do việc tiêu thụ cá bống bớp của người dân huyện Nghĩa Hưng còn bị hạn chế vì không có thương hiệu nên tiêu thụ nhỏ lẻ dẫn đến bị thương lái ép giá, chưa tham gia được vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu chính ngạch…
Để tháo gỡ khó khăn này, từ giữa năm 2013 Sở KH và CN, Chi cục Quản lý chất lượng nông thủy sản (Sở NN và PTNT) đã hỗ trợ Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng xây dựng Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển kênh thương mại nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” cho sản phẩm cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”: khảo sát cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất vùng nuôi; sản lượng cá hàng hóa; chất lượng cơ bản của sản phẩm cá bống bớp; hoạt động cung ứng dịch vụ và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; xây dựng quy trình sản xuất chuẩn và tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng sản phẩm; lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng NHTT; xây dựng quy chế sử dụng NHTT để tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu…
Trên cơ sở đó, các hộ dân vùng nuôi đã bàn bạc, thống nhất quy trình kỹ thuật sản xuất; gửi mẫu phân tích chất lượng sản phẩm để công bố tiêu chuẩn, chất lượng, làm căn cứ xây dựng quy chế quản lý, phát triển NHTT; thiết kế biểu tượng NHTT thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm và biện pháp hỗ trợ bảo vệ cũng như phát triển NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”.
Bên cạnh đó, Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giới thiệu cho các hội viên, các cơ quan quản lý và các hộ dân trong huyện về NHTT, những văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý sản phẩm mang NHTT; cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích của các thành viên tham gia quản lý NHTT; phương thức khai thác giá trị thương mại cho sản phẩm; kỹ năng quản lý điều hành tổ chức, khả năng nắm bắt, mở rộng thị trường và quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc xây dựng NHTT cho sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng đã được 130 hộ sản xuất trong huyện đồng thuận ủng hộ; trong đó các hộ đủ điều kiện về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm tự nguyện đăng ký sử dụng NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” và cam kết thực hiện chặt chẽ quy chế sử dụng NHTT.
Ông Trần Văn Độ, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Xây dựng thành công NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, mà còn khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm cá bống bớp gắn với địa danh Nghĩa Hưng”.
Với mong muốn tất cả các hộ dân nuôi cá bống bớp được sử dụng bình đẳng NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, uy tín, sức mạnh tập thể trong cả việc bảo vệ và phát triển NHTT, Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng đang nỗ lực giúp đỡ các hộ sản xuất hoàn thiện các tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất để đảm bảo đủ điều kiện đăng ký sử dụng NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”.
Đồng thời phối hợp vận động các đại lý phân phối tham gia vào quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” để sản phẩm cá bống bớp có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ lớn nhằm phát triển kênh phân phối sản phẩm và kiểm soát quá trình cung ứng sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường…
Thực hiện thành công dự án là cơ sở giúp xác lập quyền sở hữu NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”; xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”… góp phần bảo vệ uy tín sản phẩm thủy sản đặc trưng của huyện và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và giúp sản phẩm tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, đồng thời khẳng định vị thế là “thủ phủ” cá bống bớp trong toàn miền Bắc cho vùng đất Nghĩa Hưng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ