Nạn Trộm Tôm Hoành Hành
Các chủ đùng nuôi tôm ở khu vực nuôi thủy sản xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải “mất ăn mất ngủ” vì nạn trộm tôm hoành hành. Bọn trộm sử dụng ống hơi, lặn sâu dưới đùng để bắt, hàng tấn tôm của các chủ đùng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nghiêm trọng hơn là các thiết bị điện cho hệ thống sục khí cũng bị chúng vơ vét không chừa.
Thiệt hại nặng nề
Ông Nguyễn Văn Long, một chủ đùng nuôi tôm ở khu Phước Thuận cho biết, ao nuôi tôm của ông thả giống đã gần 2,5 tháng, đến nay tôm nuôi đạt trọng lượng 75 - 80 con/kg. Cách đây hơn 1 tuần, ông Long kiểm tra thấy tôm vào nhá ít hơn bình thường. Linh tính chẳng lành, ông Long lập tức kiểm tra các khu vực xung quanh, thấy rào đã bị cắt, tôm vương vãi khắp nơi; kiểm tra dưới ao nuôi phát hiện 1 cái nò dài đến gần 20m đầy tôm.
“Bọn trộm đã dùng nò bắt tôm nhiều lần nhưng giờ chúng tôi mới phát hiện” - ông Long nói. Theo ông Long, mặc dù chưa tính toán chính xác được lượng tôm thất thoát, nhưng qua kiểm tra chiếc nò bọn trộm để lại cùng với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, ông Long ước tính trong mấy ngày qua bọn trộm đã “bẫy” của ông gần 1 tấn tôm, với giá hiện nay 150.000 đồng/kg, thiệt hại ao nuôi của ông khoảng 150 triệu đồng.
Tương tự, tại khu vực ao nuôi của ông Nguyễn Đăng Nhân, ở Phước Thuận, sau khi phát hiện có đường mòn lạ dẫn vào ao nuôi, ông Nhân kiểm tra dưới ao nuôi cũng phát hiện một cái nò bẫy tôm. Không chỉ vậy, “các mô tơ điện của dàn sục khí chúng cũng lấy” - ông Nhân nói. Điều may mắn đối với ông Nhân là phát hiện mất các thiết bị trên kịp thời thay thế. Bởi với nghề nuôi tôm thẻ, “nếu dàn quay sục khí không hoạt động trong thời gian ngắn tôm sẽ bị thiếu ôxy và chết, thiệt hại phải tính bằng tiền tỉ” - ông Nhân cho biết thêm.
Bi đát nhất là trường hợp của ông Nguyễn Văn Khiên, đến lúc thu hoạch mới biết mình bị mất hơn 2 tấn tôm. Theo ông Khiên, với ao nuôi hơn 3 sào (3.000m2) dự kiến vụ này thu hoạch khoảng 3,5 tấn tôm, nhưng đến lúc thu hoạch ông Khiên chỉ thu được 1,4 tấn. “Hơn 5 tấn thức ăn đổ vào ao này giờ chỉ thu ngần ấy…” - ông Khiên buồn bã nói.
Thủ đoạn tinh vi
Hầu hết các chủ đùng nuôi tôm chỉ biết mình bị mất tôm khi lượng tôm trong ao hao hụt quá nhiều. Ông Long cho biết, các tên trộm chủ yếu sử dụng các nò đánh bắt hải sản đưa vào bẫy tôm trong đùng, các nò bẫy tôm này kích cỡ rất lớn (0,6mx0,6m) dài đến hơn 20m. Với mật độ tôm nuôi 100 con/m2 “chỉ cần 30 phút là chúng bẫy hơn 3 tạ tôm” - ông Long nhận định. Chúng thường đi từ 3 - 4 người, “trinh sát” rất kỹ quy luật ra vào ao của anh em công nhân lao động, vào đêm khuya sử dụng ống hơi lặn xuống đùng để đặt bẫy do đó rất khó phát hiện.
Mặc dù hiện tượng trộm cắp tôm hoành hành trong thời gian khá dài, nhưng chính quyền xã dường như “bó tay” với vấn nạn này. Ông Nguyễn Đăng Nhân cho biết, vừa rồi một số người bị nghi ngờ là trộm tôm đến trại tôm của ông Nhân “xin lại” nò bẫy tôm mà ông đã vớt được trong ao của mình. Khi vụ việc được báo về Công an xã Phước Thuận cũng không giải quyết được vì không đủ chứng cứ khi bọn chúng khai báo rằng “Do nhầm tưởng đùng không nuôi tôm” - ông Nhân bức xúc dẫn lời kết luận của Công an xã Phước Thuận.
Để chống trộm, nhiều chủ đùng nuôi tôm buộc phải tăng cường nhân công canh giữ đùng nuôi của mình, do đó chi phí “đội” lên đến vài triệu đồng/tháng. Khó khăn lại chồng chất với những người nuôi tôm, bởi hiện nay các chi phí nuôi tôm tăng từ 20-30% so với các năm trước, nhưng các chủ đùng tôm vẫn phải “gồng mình” gánh thêm chi phí ngoài ý muốn này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ