Nâng Cao Tính Khả Thi Trong Việc Áp Dụng VietGAP Nhằm Tăng Cơ Hội Xuất Khẩu Cho Thuỷ Sản Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu thuỷ sản từ nuôi. Để khai thác thế mạnh này, trong ba năm qua, Tổng cục Thủy sản đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Quy phạm thực hành NTTS tốt (VietGAP) và hướng dẫn áp dụng VietGAP cho 03 đối tượng nuôi - xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), tôm sú (Penaeus monodon) và tôm chân trắng (Penaeus vannamei).
Để cung cấp các thông tin chính thống liên quan đến VietGAP, tháng 7/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký 02 Quyết định (Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ban hành Quy phạm thực hành NTTS tốt; Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ban hành Hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra, tôm sú và tôm chân trắng).
Theo đó, VietGAP được áp dụng để thực hành NTTS tốt, kiểm soát các mối nguy nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường. Quy phạm này được áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận thực hành NTTS tốt trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Thuỷ sản đã nhận thấy một số bất cập trong nội dung và cách trình bày Quy phạm thực hành NTTS tốt (VietGAP) và Hướng dẫn áp dụng VietGAP, cơ bản đều khó cho người thực hiện.
Vì vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản đã tổ chức một số cuộc họp, cùng với các đơn vị chuyên môn tiến hành rà soát nhằm nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này, nâng cao tính khả thi trong việc áp dụng VietGAP tại Việt Nam (nhất là đối với các đối tượng xuất khẩu chủ lực) nhằm tăng cơ hội xuất khẩu đến các thị trường lớn, thị trường tiềm năng.
Trong thời gian qua, Tổng cục Thuỷ sản đã dựa trên các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu để đề ra các tiêu chuẩn VietGAP, khuyến cáo về hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong NTTS. Nhìn chung, các tiêu chuẩn VietGAP đã tích hợp được các yêu cầu của quốc tế về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP quy định NTTS phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Về mặt quản lý môi trường, VietGAP cũng đã tích hợp các yêu cầu của quốc tế về bảo vệ môi trường như Công ước RAMSAR (được Liên hợp quốc phê chuẩn tháng 5/1999). Về khía cạnh kinh tế - xã hội, VietGAP đã quy định NTTS phải chấp hành nghiêm chỉnh các thỏa thuận liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Nâng cao tính khả thi
Theo Tổng cục Thuỷ sản, VietGAP chủ yếu xoay quanh 04 nội dung chính là an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Để VietGAP ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế (giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam dễ dàng tìm kiếm thị trường), trong thời gian tới, Tổng cục Thuỷ sản sẽ cân nhắc, tiếp tục lồng ghép khéo léo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, Asean GAP, ASC, MSC, BMP vào nội dung của các Quyết định Quy phạm thực hành NTTS tốt (VietGAP) và Hướng dẫn áp dụng VietGAP.
Trong ba năm qua, việc quảng bá, giới thiệu VietGAP được thực hiện khá tốt. Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo trong nước, đồng thời cử cán bộ tham dự các hội chợ thuỷ sản quốc tế để tiếp xúc với người mua nhằm quảng bá và giới thiệu tiêu chuẩn VietGAP tại các thị trường nhập khẩu.
Đối với hai Quyết định đã ban hành (Quyết định số 1503 và 1617), qua quá trình triển khai, Tổng cục Thuỷ sản đã nhận được 20 bản góp ý, trong đó, đánh giá cao độ công phu và tính khoa học khi xây dựng, đồng thời nhất trí hoàn toàn về bố cục, cách trình bày dưới dạng bảng biểu (rất dễ theo dõi).
Để nâng cao tính khả thi, theo ý kiến của các địa phương (nơi đang trực tiếp áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP), yêu cầu truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, Quy phạm thực hành NTTS tốt (VietGAP) phải được hiểu là những quy định chung được xây dựng cho tất cả các đối tượng NTTS tại Việt Nam (chứ không xây dựng cho từng đối tượng riêng biệt). Tuy nhiên, đối với những đối tượng nuôi quan trọng, liên quan đến hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam (cá tra và tôm nước lợ), có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách áp dụng VietGAP.
Về đối tượng áp dụng, sẽ phân loại, chỉ định rõ đối tượng nuôi nào được khuyến khích áp dụng và đối tượng nào bắt buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Trường hợp bắt buộc áp dụng, sẽ đặt ra lộ trình cụ thể. Ví dụ như cá Tra là đối tượng phải bắt buộc áp dụng VietGAP.
Lộ trình áp dụng được quy định trong Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra: Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với việc đào tạo lực lượng cán bộ ở các Sở Nông nghiệp và PTNT tại các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nhìn chung được thực hiện khá tốt (theo Vụ NTTS, mỗi khóa tập huấn được tổ chức trong vòng 06 tháng).
Tuy nhiên, có một vấn đề đang gặp phải là không có đơn vị nào đứng ra cấp chứng chỉ cho các cán bộ đã tham gia các khóa tập huấn này. Vì vậy, trong thời gian tới, sẽ có quyết định quy định rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.
VietGAP sau khi được rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế, việc áp dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cùng với việc tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế, VietGAP sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các nhà nhập khẩu trên thế giới tìm được tiếng nói chung. Nhờ đó, tăng cơ hội xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam (nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ