Mô hình kinh tế Nắng Nóng Kéo Dài, Nhà Vườn Thất Thu

Nắng Nóng Kéo Dài, Nhà Vườn Thất Thu

Ngày đăng 27/06/2014

Nắng Nóng Kéo Dài, Nhà Vườn Thất Thu

Nắng nóng kéo dài hơn một tháng qua không chỉ gây thiệt hại cho cây lúa, hoa màu mà còn khiến nhiều diện tích cây ăn quả trên địa bàn Tiên Phước có nguy cơ bị thất thu.

Khát nước

Nhiều năm trở lại đây, người dân Tiên Phước chủ yếu dựa vào nguồn kinh tế vườn – kinh tế trang trại. Tuy nhiên nguồn thu chính của nông dân ở vùng bán sơn địa này đang có nguy cơ bị thất bát bởi hơn một tháng nay nắng nóng gay gắt khiến các vườn cây đang ra quả bị khô héo, rơi rụng.

Chúng tôi đến thăm vườn cây ăn trái của gia đình ông Nguyễn Đình Sưu (làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Khu vườn được huyện và xã Tiên Cảnh hỗ trợ thêm để cải tạo thành vườn kinh tế gắn với phát triển du lịch sinh thái. Khu vườn với nhiều loại cây có giá trị kinh tế như lòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng… đang “oằn mình” chống lại cái nắng như thiêu đốt.

Ông Sưu cho biết: “Hiện tại, khu vườn nhà có gần 30 cây thanh trà đang cho quả, khoảng 50 cây thanh trà được 2 – 3 năm tuổi và có gần 20 cây lòn bon đang ra quả nhưng do nắng nóng cùng với gió khô hanh khiến quả bị khô héo, rụng gần hết”. Mặc dù gia đình ông Sưu được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hồ chứa và đường ống dẫn nước để cứu vườn cây ăn quả nhưng xem ra cũng không ăn thua.

Ông Sưu chia sẻ thêm: “Vì nắng nóng gay gắt khiến lượng nước ở hồ chứa bị cạn kiệt nên chỉ đủ cứu cây khỏi bị khô chết chứ không thể giúp nó đậu quả và phát triển. Đối với thời tiết như thế này nếu đã sử dụng nước tưới thì phải tưới liên tục, còn nếu tưới qua loa, cầm chừng thì hơi nóng dưới đất bốc lên khiến cây nhanh bị khô héo”.

Hiện các loại cây ăn quả trên địa bàn Tiên Phước trong giai đoạn đậu quả và phát triển nên rất cần nguồn nước nhưng do nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ đậu quả rất thấp, quả bị khô rụng nhiều. Đặc biệt, thời tiết khô hạn khiến hàng trăm héc ta lòn bon đang trong giai đoạn ra hoa, kết chuỗi bị khô rụng gần 60%.

Ông Huỳnh Văn Lánh – Bí thư Đảng ủy xã Tiên Châu (Tiên Phước) cho biết: “Tiên Châu là một trong những địa phương được xem là vựa lòn bon của huyện, nguồn thu chính của người dân chủ yếu dựa vào cây lòn bon nhưng nắng nóng khiến các khu vườn xơ xác, tiêu điều.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ người dân về máy bơm nước, vận động bà con nạo vét các kênh mương, đập bổi nhưng nguồn nước rất hạn chế chỉ cung cấp một ít cho đồng ruộng, hoa màu, còn lượng nước tưới cung cấp cho nhà vườn thì hầu như không có”.

Nguy cơ thất thu

Tiên Phước có tổng diện tích vườn gần 3.415ha, trong đó có 800ha vườn đồi, diện tích còn lại là vườn liền nhà. Trong năm 2013, thu nhập bình quân 1ha vườn đạt 20 triệu đồng. Nhiều vườn cây ăn quả như lòn bon, thanh trà, măng cụt có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.

Tổng giá trị kinh tế vườn – kinh tế trang trại của Tiên Phước đạt 60 tỷ đồng/năm, chiếm 12,5% so với tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp.

Cùng với các địa phương khác, xã Tiên Hiệp cũng đang gồng mình chống lại nắng hạn gay gắt. Tiên Hiệp là một trong những vùng trọng điểm thanh trà đang được huyện Tiên Phước đầu tư nhân rộng. Theo thống kê, toàn xã Tiên Hiệp có hơn 7.000 cây thanh trà đang cho trái, tập trung ở thôn 1, thôn 3, thôn 4…

Tuy nhiên năm nay nắng hạn kéo dài khiến các vườn thanh trà đang ra quả phần lớn bị nám da, quả nhỏ, phần ruột bên trong bị chai khô, ít mọng nước. Giữa cái nắng chang chang, mặt đất khô cằn, ông Cao Văn Thanh (thôn 4, Tiên Hiệp) vừa dùng rơm để che đậy cho quả thanh trà khỏi bị nám da vừa nói: “Chưa năm nào thời tiết như năm nay. Nắng nóng gay gắt khiến việc sinh hoạt, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn.

Vườn thanh trà nhà tôi có gần 50 cây đang cho trái, năm ngoái thu hoạch được gần 50 triệu đồng. Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp khiến quả thanh trà bị hư rụng nhiều, quả nhỏ, vỏ dày, năng suất chắc chỉ còn một nửa so với vụ trước”.

Nhằm duy trì sản xuất của nông dân, các địa phương đã tích cực vận động tuyên truyền và hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng trong điều kiện nắng nóng. Huyện Tiên Phước đã hỗ trợ thêm máy bơm nước và xăng dầu cho một số xã, thị trấn để bơm nước cứu lấy cây trồng, nhưng xem ra kết quả mang lại không cao bởi hiện tại phần lớn các hồ chứa, đập bổi nhỏ đều đã trơ đáy.

Các giếng khoan cũng bị cạn kiệt khiến việc sinh hoạt, sản xuất của nhân dân gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Sáu – Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Hiện tại, chúng tôi hết sức chú trọng và theo dõi những diễn biến của thời tiết để tìm ra biện pháp tốt nhất giúp người dân bảo vệ cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Vận động người dân sử dụng nguồn nước ở các giếng khoan, nạo vét kênh mương, sửa lại đập bổi, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp”.


Gần Kênh Cũng Thiếu Nước Gần Kênh Cũng Thiếu Nước Điểm Sáng Dồn Điền Đổi Thửa Điểm Sáng Dồn Điền Đổi Thửa