Mô hình kinh tế Nên biết chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

Nên biết chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

Ngày đăng 09/11/2015

Nên biết chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

Hội thảo Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước”

Thực tế cho thấy trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Bà Phạm Hương Giang - Phòng Xử lý các vụ kiện PVTM của nước ngoài thuộc Cục Quản lý cạnh tranh - cho biết số vụ việc PVTM mà Việt Nam phải chống đỡ ngày càng tăng.

Từ đầu năm đến nay có đến 11 vụ chống bán phá giá đối với hàng Việt xuất khẩu, trong đó có 6 vụ về thép.

Tính trung bình, mỗi tháng Việt Nam phải đối diện với 1 vụ PVTM.

Không chỉ Mỹ, EU điều tra PVTM đối với hàng Việt mà những thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và cả một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia) cũng tích cực điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra không còn tập trung ở nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hay thế mạnh như thép, sợi, thủy sản, tôm, cá tra mà cả những mặt hàng kim ngạch thấp.

Bà Giang cũng cho biết thêm xu hướng hiện nay các nước không chỉ kiện đơn mà kiện kép (vừa kiện chống bán phá giá vừa chống trợ cấp), kiện chùm (đơn kiện đồng thời nhiều nước) và kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện).

Bên cạnh đó, dù phải liên tục chống đỡ các vụ PVTM, DN Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản PVTM tại sân nhà.

Từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành pháp lệnh chống bán phá giá, pháp lệnh chống trợ cấp và pháp lệnh về tự vệ nhưng đến nay chỉ mới thực hiện 3 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, thì các DN rất ngại những vấn đề liên quan đến kiện tụng, ngại cung cấp thông tin mặc dù thông tin DN được bảo mật theo quy định của WTO.

Đó là chưa kể DN cung cấp thông tin không đúng, phá giá gây bất lợi cho nhau tại thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, DN càng cung cấp số liệu cụ thể bao nhiêu thì càng có lợi vì đó là cơ sở để Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu, bảo vệ DN.

Dưới góc độ DN, ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen - phân tích trong khi phần lớn các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam rất thành thạo áp dụng những công cụ PVTM thì các công cụ này vẫn còn khá xa lạ với DN Việt Nam.

Nhiều DN chưa nhận thức được các biện pháp PVTM là công cụ bảo vệ ngành nghề, lĩnh vực của mình được nhà nước cho phép áp dụng; chưa chủ động nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp PVTM, không đầu tư nguồn lực cũng như quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Nhiều DN Việt Nam chưa nắm rõ quy định của Việt Nam, của WTO và các nước về PVTM, dẫn đến lựa chọn các biện pháp PVTM không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu bắt buộc của pháp luật, mất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị đơn kiện….

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các công cụ PVTM được WTO chấp nhận sử dụng để bảo vệ nền sản xuất của mỗi quốc gia.

Để bảo vệ chính mình trước sân chơi hội nhập, trước hết các DN cần nâng cao hiểu biết về PVTM, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như các nhà sản xuất trong nước, tăng cường phối hợp giữa các DN cùng ngành, nâng cao vai trò của các hiệp hội.


Đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo trong 10 tháng Đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo… Bình Thuận sản xuất thanh long sạch tìm thị trường mới Bình Thuận sản xuất thanh long sạch tìm…