Mô hình kinh tế Ngăn chặn nạn khai thác hủy diệt

Ngăn chặn nạn khai thác hủy diệt

Ngày đăng 27/07/2015

Ngăn chặn nạn khai thác hủy diệt

Khai thác kiểu “tận diệt”

Như thường lệ, vào khoảng 19 giờ, ông Nguyễn Đình Nên, một người dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) lại chuẩn bị dụng cụ hành nghề cho một đêm làm việc mới. Bộ dụng cụ gồm một bình ắc quy và hai cái vợt tự chế, được ông nâng niu như chính đứa con của mình. Bởi nhờ chúng vợ con ông có những bữa cơm nóng hổi. Khu vực ông đánh bắt cá mỗi ngày là hồ thủy điện Cần Đơn, thủy điện Thác Mơ. Mỗi ngày, trung bình ông kiếm được từ 5 - 10kg cá các loại, bán được từ 150.000 đồng - 200.000 đồng. Hầu hết cá khi vớt lên đều đã chết do ông sử dụng bình ắc quy điện công suất lớn để chích cho cá chết hàng loạt, sau đó dùng vợt vớt lên.

Theo ông Nên, hầu hết các hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên khu vực hồ thủy điện Cần Đơn, thủy điện Thác Mơ đều sử dụng bình ắc quy điện công suất lớn để chích cá, thậm chí đánh thuốc nổ... “Ở những khu vực này dòng nước rất sâu, lại chảy xiết nên có muốn giăng lưới, đặt lờ cũng không được. Do đó, chúng tôi đành phải lén đánh bắt theo kiểu này và vớt được con nào hay con ấy. Cũng biết sẽ gây thiệt hại nguồn thủy sinh nhưng không làm thì lấy gì nuôi sống gia đình”, ông Nguyễn Đình Nên giải thích.

Ở tỉnh Đồng Nai cũng không ngoại lệ, trong đó hồ Trị An ở huyện Vĩnh Cửu là một điển hình. Với diện tích trên 32.000ha, hồ Trị An là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ chính phát điện, phân lũ, điều tiết nước phục vụ nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu, phát triển du lịch, hồ Trị An còn tạo ra nguồn tài nguyên thủy sản rất đa dạng và phong phú với trên 100 loài cá, 12 loài tôm nước ngọt. Điển hình như: cá Mơn, cá Sóc, cá Ngựa xám, cá Duồng xanh, cá Măng rỗ, cá Chiên… Tuy nhiên, với cách đánh bắt cá theo kiểu “tận diệt” như dùng mắt lưới kích cỡ nhỏ, sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện... nên những năm qua, sản lượng thủy sản trong hồ đã giảm đi đáng kể. Tái tạo nguồn thủy sản

Để góp phần ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Thủy sản tỉnh Bình Phước thả con giống, tạo điều kiện cho thảm thực vật, rong rêu phát triển để làm nguồn thức ăn cho tôm cá. Các khu bảo vệ thủy sản là vùng cấm khai thác, để tôm cá phát triển và sinh sản. Sau đó nguồn lợi được phát tán, bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác. Chương trình triển khai dựa vào cộng đồng, nghĩa là người dân tự thành lập và quản lý. Khi được giao quản lý diện tích mặt nước, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thủy sản tỉnh Bình Phước, từ năm 2014 đến nay đã có hơn 100.000 con giống được thả xuống các khu vực lòng hồ có diện tích mặt nước lớn. Toàn tỉnh đã có 5 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích gần 4.500ha. Chính nhờ những nỗ lực đó nên nhận thức của ngư dân từng bước được nâng cao, góp phần phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cũng với mục đích trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các ban, ngành liên tăng cường giáo dục ngư dân chấp hành các quy định về khai thác thủy sản, không sử dụng ngư cụ bị cấm, chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Do đó, tình trạng đánh bắt theo kiểu hủy diệt đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, kể từ năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trích một phần kinh phí từ nguồn thu quản lý hồ Trị An để thả bổ sung vào hồ khoảng 2 triệu cá giống các loại/năm (chủ yếu là cá Chép, cá Trôi, cá Trắm, cá Mè…) nhằm tái tạo, ổn định nguồn lợi thủy sản. Đây là việc làm thường xuyên và thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, vừa góp phần tái tạo, phục hồi các loài thủy sản, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái, vừa tạo ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết: Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với khu thực hiện chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người nuôi cá; thành lập thêm các dự án dựa vào cộng đồng. Nghĩa là người dân tự thành lập và quản lý diện tích mặt nước được khai thác. Cùng với đó là các biện pháp phục hồi sinh thái, nguồn lợi thủy sản, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác thủy sản. Đặc biệt là tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt, tận diệt.


Hát Lừu (Trạm Tấu, Yên Bái) phát triển nuôi trồng thủy sản Hát Lừu (Trạm Tấu, Yên Bái) phát triển… Nuôi tôm công nghiệp sôi động vụ nuôi mới! Nuôi tôm công nghiệp sôi động vụ nuôi…