Mô hình kinh tế Ngành điều nắm bắt cơ hội mới

Ngành điều nắm bắt cơ hội mới

Ngày đăng 03/10/2015

Ngành điều nắm bắt cơ hội mới

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm mô hình ghép cải tạo vườn điều do Vinacas thực hiện tại Bình Phước, tháng 12/2014

Sau 26 năm tham gia xuất khẩu (1988 - 2014), ngành điều Việt Nam khẳng định được vị thế, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Trong những năm qua, điều là một trong số ít những ngành hàng nông sản chủ lực vẫn giữ được sự tăng trưởng tốt về xuất khẩu. Năm 2015, trong bối cảnh nhiều mặt hàng gặp khó, thì ngành điều được dự báo sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 2,5 tỷ USD. 

Nhu cầu hạt gia tăng 

Từ nhiều năm nay, trên thị trường thế giới, hạt điều được xếp vào giỏ hàng chung với các loại hạt khô và quả khô như hạnh nhân, óc chó, lạc, phỉ, mắc ca, dẻ, hồ đào, nho khô, táo khô…

Giỏ hàng này gồm những thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu dinh dưỡng và đặc biệt là rất phù hợp với nhu cầu ăn uống lành mạnh đang ngày càng gia tăng trên thế giới.

Đó là nhu cầu sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, gần với tự nhiên, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe con người. 

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), con người ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe

. Thay vì chú trọng ăn no như trước đây, người ta đang chuyển sang ăn uống sao cho đảm bảo sức khỏe lâu dài. Vì thế, các trào lưu ăn kiêng đang ngày càng được phổ biến rộng rãi, như phương pháp ăn kiêng của khu vực Địa Trung Hải (ăn cá, các loại hạt khô, rau củ quả …). 

Ở Việt Nam, tại các đô thị, những gia đình có điều kiện kinh tế cũng chú trọng nhiều hơn tới việc ăn uống đảm bảo sức khỏe.

Và đây chính là cơ hội mở rộng thị trường cho giỏ hàng hạt khô và quả khô. Mà hạt điều đang nằm trong tốp những loại hạt khô được tiêu thụ nhiều nhất, phổ biến nhất. 

Theo tính toán của các chuyên gia về hạt khô và quả khô, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng này đang gia tăng khoảng 10%/năm trên toàn cầu

. Trong khi đó, khả năng tăng diện tích cũng như sản lượng của các loại hạt khô nói chung, hạt điều nói riêng hiện đang thấp hơn nhiều so với sự gia tăng về nhu cầu. 

Riêng về hạt điều, sản lượng điều thô hàng năm trên thế giới hiện vào khoảng 2,7 triệu tấn. Việt Nam và các nước trồng điều lớn khác, nhất là các nước châu Phi, đang cố gắng tăng sản lượng điều.

Nhưng theo nhận định của ông Đặng Hoàng Giang, sản lượng điều thô toàn cầu chỉ có thể tăng được trên dưới 5%/năm. Do đó, dư địa của thị trường thế giới vẫn còn khá nhiều cho hạt điều. Và trong những năm tới, việc tiêu thụ hạt điều vẫn rất ổn định. 

Điều đáng chú ý, tuy nằm cùng giỏ hàng với nhiều loại hạt và quả khô, nhưng hạt điều ít bị cạnh tranh về mặt thị trường với các loại hạt, quả khô khác.

Không những thế, việc tiêu thụ những loại hạt khô còn có tác động tương hỗ cho nhau. Chẳng hạn, khi giá hạt hạnh nhân trên thị trường thế giới tăng thì giá hạt điều cũng tăng.

Khi giá hạt hạnh nhân giảm, giá hạt điều cũng giảm… 

Các loại hạt khô lại không bị biến động nhiều về giá cả mỗi khi có biến động trên thị trường thế giới, bởi có khả năng bảo quản lâu từ 1-5 năm. Vì thế sự rủi ro về mặt thị trường đối với hạt khô nói chung, hạt điều nói riêng là không nhiều. 

Thị trường của hạt điều Việt Nam cũng đảm bảo khá tốt cho việc giảm thiểu tính rủi ro. Bởi nếu như nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc hay một vài thị trường lớn, thì đầu ra của hạt điều lại không phụ thuộc vào một thị trường nào. 

Thị trường Mỹ hiện là lớn nhất của hạt điều Việt Nam nhưng cũng chỉ chiếm 31,5% về lượng và xấp xỉ 32% về giá trị xuất khẩu điều của nước ta năm 2014. Ngoài Mỹ, EU và Trung Quốc là 3 thị trường lớn nhất hiện nay, hạt điều Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 50 thị trường tại khắp các châu lục. 

Tập trung phát huy lợi thế 

Tất nhiên, những khi tình hình tài chính, kinh tế thế giới có những bất ổn lớn, khiến cho người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, giảm bớt chi tiêu, thì việc tiêu thụ hạt điều cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi hạt điều chưa phải là thực phẩm mang tính thiết yếu, bắt buộc phải sử dụng hàng ngày như lương thực, thịt, rau… Vì thế, khi tính tới tiềm năng mở rộng thị trường trong những năm tới cho hạt điều, cũng cần tính tới điều này. 

Ngành điều đang thực hiện nhiều giải pháp để nắm bắt các cơ hội mới 

Mặt khác, khi Trung Quốc (là nước nhập khẩu điều lớn) và nhiều nước châu Phi (vốn chỉ xuất khẩu điều thô) đang có những động thái phát triển ngành chế biến điều nội địa, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới ngành hàng điều của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, ý kiến chung của nhiều doanh nhân ngành điều cho thấy Việt Nam vẫn có thể tin tưởng vào sự tăng trưởng xuất khẩu của hạt điều. 

Bởi về mặt nguyên liệu, so với Trung Quốc phải nhập khẩu hoàn toàn thì Việt Nam có lợi thế hơn hẳn là có vùng nguyên liệu đáp ứng được gần một nửa công suất chế biến.

Còn so với các nước châu Phi, hạt điều của Việt Nam có chất lượng tốt hơn hẳn. Thương hiệu hạt điều Việt Nam đã được biết tới và khẳng định rộng rãi trên thị trường thế giới, vì thế mới có câu “Nói tới hạt điều là nghĩ tới Việt Nam”.

Các khách hàng khi muốn mua nhân điều chất lượng tốt, sản lượng lớn, giá cả hợp lý thì thường sẽ tìm đến cái “chợ” điều lớn nhất chính là Việt Nam. 

Một điều cũng rất quan trọng là Việt Nam đã hình thành được một ngành công nghiệp chế biến điều mà chủ yếu bằng máy móc, công nghệ trong nước, giúp giảm được khá nhiều công lao động, giảm mạnh chi phí sản xuất, tỷ lệ nhân thu hồi cao, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt… 

Đi kèm với đó là hệ thống các dịch vụ hỗ trợ như logistic, kho bãi, đóng gói… hiện đã khá tốt, trong khi các nước châu Phi còn rất yếu kém cả về chế biến lẫn dịch vụ hỗ trợ.

Trung Quốc thì đáng ngại hơn châu Phi vì cái gì họ cũng làm được, nhất là máy móc, công nghệ, và thực tế họ cũng đã thực sự bắt tay vào chế biến điều từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nhưng Trung Quốc gặp phải hạn chế lớn những khâu ban đầu (cắt, bóc vỏ…) họ gần như đang phải buông vì mất rất nhiều thời gian, công sức. 

Thành ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang phải làm như các doanh nghiệp ở những thị trường lớn khác là Mỹ, EU…, tức là chủ yếu nhập khẩu nhân điều về rang, chiên, chỉ có thể nhập khẩu ít điều thô về chế biến ngay từ đầu như Việt Nam.

Do đó, họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân điều nhập khẩu, trong đó có nguồn cung quan trọng là Việt Nam. 

Bởi vậy, cũng như trong nhiều năm qua, trong những năm tới, đối thủ chính của nhân điều Việt Nam vẫn sẽ là Ấn Độ. Mà với đối thủ này, Việt Nam lại đang có nhiều lợi thế hơn, nhất là về chi phí, giá thành sản xuất.

Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã phải sang Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều vì giá thành ở nước ta thấp hơn nhiều so với bên nước họ. 

Gia tăng sản phẩm chế biến sâu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Để tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu một cách bền vững, giữ được vị thế nước xuất khẩu điều số 1 thế giới, ngành điều cần phải đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng thay vì vẫn đang xuất khẩu phần lớn là nhân điều sơ chế như hiện nay.  

Đồng thời phải quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm trong chế biến nhân điều để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ các thị trường khó tính.  

Hiện nay, số lượng cơ sở chế biến điều ở nước ta khá nhiều, trong đó có hàng trăm cơ sở chỉ được xếp loại B, C về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhưng lại chưa có chế tài, giải pháp nào để bắt buộc các cơ sở hạng C, hạng B phải cải thiện điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm ngang tầm với các cơ sở xếp hạng B, hạng A.  

Vì vậy nhiều cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn đang tiếp tục chế biến điều, góp phần gây tổn hại tới uy tín chung của hạt điều Việt Nam, mà vẫn không lo bị xử phạt hay bị buộc phải đóng cửa. 

Ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Vinacas: Siết chặt chất lượng điều thô nhập khẩu 

Hiện nay, ngành điều vẫn còn chạy theo số lượng, vì thế, mỗi năm phải nhập khẩu khá nhiều điều thô. Về lâu dài, điều này tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ.

Chẳng hạn nếu xuất hiện thêm một nước nào đó cạnh tranh với Việt Nam về chế biến nhân điều, thì chắc chắn việc nhập khẩu nhân điều của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn. Do đó, ngành điều cần có sự điều chỉnh lại, thay vì chạy theo số lượng thì đi sâu vào chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. 

Theo tôi, nếu giảm chế biến từ 1,3 triệu tấn điều thô mỗi năm như hiện nay xuống còn khoảng 500 ngàn tấn, ngành điều Việt Nam sẽ giảm khá nhiều lượng điều thô nhập khẩu. Lúc ấy, các doanh nghiệp tập trung vào chế biến sản phẩm nhân điều chất lượng cao và các sản phẩm chế biến sâu, thì giá trị xuất khẩu và lợi nhuận sẽ được nâng cao hơn nhiều. 

Một điều đáng lo ngại trong nhập khẩu điều thô hiện nay là không được kiểm soát tốt về chất lượng. Điều thô nhập khẩu về Việt Nam tuy phải qua kiểm dịch thực vật nhưng nhiều khi vẫn còn khá hình thức. Trong khi đó, những chỉ tiêu quan trọng khác như độ ẩm, tỷ lệ nhân thu hồi, an toàn thực phẩm… thì gần như đang bị buông lỏng.  

Vì thế, đã có không ít lô điều thô nhập khẩu có chất lượng rất kém. Vì thế, Nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát chất lượng điều thô nhập khẩu, đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với điều thô nhập khẩu như độ ẩm là thế nào, tỷ lệ nhân thu hồi phải từ bao nhiêu trở lên, chỉ tiêu an toàn thực phẩm ra sao…  

Khi đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn để siết lại chất lượng điều thô nhập khẩu, chắc chắn giá điều thô nhập khẩu về Việt Nam sẽ tăng lên, qua đó đẩy giá điều thô trong nước lên, giúp người trồng điều Việt Nam gia tăng được lợi nhuận nên sẽ yên tâm hơn trong việc gắn bó với cây điều. 

Tuy giá điều thô nhập khẩu tăng nhưng chất lượng cũng sẽ được nâng cao, thì sản phẩm chế biến từ nhân điều nhập khẩu sẽ được giá hơn. Như vậy, nếu chất lượng điều thô nhập khẩu được siết chặt lại, cả doanh nghiệp lẫn người trồng điều Việt Nam đều được lợi..


Sả được giá, nông dân Tiền Giang phấn khởi Sả được giá, nông dân Tiền Giang phấn… Anh hùng Hồ Quang Cua thành công sản lượng, gạo Việt thua đau Anh hùng Hồ Quang Cua thành công sản…