Tin thủy sản Nghệ An tự động hóa yếu tố môi trường trong nuôi tôm 3 giai đoạn

Nghệ An tự động hóa yếu tố môi trường trong nuôi tôm 3 giai đoạn

Tác giả Ngọc Khánh, ngày đăng 13/09/2024

Nghệ An tự động hóa yếu tố môi trường trong nuôi tôm 3 giai đoạn

Ứng dụng công nghệ giám sát, quản lý môi trường tự động trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn là một trong những hướng đi được tỉnh Nghệ An tập trung nghiên cứu và phát triển.

Dự án nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An chủ trì thực hiện đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở địa phương.

Theo Th.S Trần Nhật Phong, hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng nước gồm có bộ điều khiển trung tâm (E Sensor Master Aqua), sử dụng sóng không dây RF 433Mhz, kết nối wifi, kết nối GSM, có khả năng cảnh báo thông số vượt ngưỡng qua tin nhắn SMS; bộ đọc thông số cảm biến pH, nhiệt độ, oxy hòa tan, ORP, độ mặn; cảm biến đo độ PH với khoảng đo từ 0 – 14; cảm biến đo hàm lượng oxy hòa tan có khoảng đo từ 0–20 mg/l; cảm biến đo ORP có khoảng đo +/- 2.000 mV; cảm biến đo độ mặn từ 0–80 ‰.

Tất cả được kết nối với pin năng lượng mặt trời và phần mềm theo dõi điều khiển trên điện thoại thông minh và máy tính với thời gian cập nhật dữ liệu là 2 phút/lần. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người nuôi tôm giám sát từ xa thông qua các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Dữ liệu sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo.

Cũng theo ông Phong, qua 2 vụ nuôi tôm thực hiện dự án có thể đánh giá, việc tuân thủ quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, có ứng dụng hệ thống tự động quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi đã giúp dễ quản lý, giảm chi phí, giảm công lao động nên rút ngắn được thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.

Thực hiện vụ nuôi thứ 2 của dự án, ông Nguyễn Viết Thắng xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, cho biết: Dự án được thực hiện trên tổng diện tích vùng nuôi 01 ha, với hệ thống bể nuôi, ao lắng và xử lý nước thải hiện đại. Vùng nuôi được lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động của đơn vị Tép Bạc. Đây là hệ thống có chức năng giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi gồm oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn và tiềm năng oxy hóa khử (ORP); tự động gửi cảnh báo thông số vượt ngưỡng cho phép qua tin nhắn SMS; đồng thời, lưu trữ, phân tích và truy xuất dữ liệu lịch sử vụ nuôi thường xuyên.

Trong vụ nuôi đầu tiên, ông Thắng áp dụng quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, đạt tỷ lệ sống 76% và sản lượng 10,5 tấn, đem lại lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Vụ thứ hai, do điều kiện thời tiết lạnh, thời gian nuôi kéo dài nhưng vẫn đạt tỷ lệ sống 75% và sản lượng 8,5 tấn, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Vụ nuôi thứ ba tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, tỷ lệ sống đạt 77% và sản lượng 10,1 tấn. Ông Thắng cho biết, hệ thống quan trắc tự động đã giúp ông kịp thời xử lý các biến động môi trường, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, đơn vị thực hiện dự án cho biết, việc ứng dụng TBKHCN quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn sẽ giúp người nuôi tôm thẻ chân trắng có cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất, mang lại năng suất cao, giúp người nuôi có thể nuôi tôm một cách an nhàn nhưng lại đạt kết quả tốt, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi của tỉnh.


Giá tôm xuất khẩu tăng, giá trong nước bất thường Giá tôm xuất khẩu tăng,… Sớm khôi phục nuôi trồng thủy sản sau bão Sớm khôi phục nuôi trồng…