Mô hình kinh tế Nghĩa Hưng chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Nghĩa Hưng chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Ngày đăng 30/06/2015

Nghĩa Hưng chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Từ trước năm 2012, sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu và tập quán canh tác của nông dân. Cơ cấu giống cây trồng của huyện chậm đổi mới; nông dân chủ yếu gieo giống lúa dài ngày, chất lượng khá nhưng khả năng chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh kém. Thời vụ gieo cấy của 2 vụ lúa đều muộn nên vừa chịu thiệt hại về sâu bệnh, thời tiết, vừa không mở rộng được diện tích cây màu vụ đông. Từ đó, năng suất và hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất không cao.

Xuất phát từ những ảnh hưởng bất lợi trên đối với sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2012, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng và ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp huyện. Đề án đã xây dựng 5 công thức luân canh trên đất lúa là: xây dựng CĐML theo công thức luân canh lúa xuân muộn - lúa mùa sớm - cây vụ đông; xây dựng CĐML theo công thức luân canh lúa xuân muộn - lúa mùa trung sớm - cây vụ đông; trồng lúa 2 vụ trong năm (sản xuất đại trà); 2 vụ màu - 1 vụ lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng màu.

Các xã, thị trấn đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, gắn với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng và cụ thể hóa Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; căn cứ vào Đề án cấp huyện và phương án thôn đội để xây dựng Đề án cấp xã, cụ thể hóa từ: diện tích từng giống cây trồng, mùa vụ;  biện pháp kỹ thuật; phương án tưới tiêu; cơ chế hỗ trợ, dịch vụ sản xuất của HTXNN… Dưới sự giám sát của huyện, công tác chỉ đạo sản xuất luôn được bám sát kế hoạch chung, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ diễn ra thường xuyên và kịp thời ở các xã, thị trấn.

MTTQ, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên và các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ, tiếp thu, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Các xã, thị trấn đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống thủy lợi các vùng sản xuất và hỗ trợ nông dân mua vật tư phục vụ sản xuất, kinh phí bơm nước chống úng, chống hạn để đảm bảo sản xuất triển khai thuận lợi. Thực hiện theo Đề án của huyện, các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc bố trí cơ cấu giống.

Nhiều giống lúa mới tiến bộ có tiềm năng năng suất, chất lượng và thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh được các địa phương áp dụng và mở rộng diện tích gieo cấy trong 2 vụ xuân, mùa như: BT7 kháng bạc lá, DQ11, TBR45, RVT… Chất lượng và phẩm chất giống được nâng lên, các mô hình CĐML đều sử dụng giống xác nhận đến nguyên chủng. Năng suất lúa cả năm của huyện thường đạt trên 125 tạ/ha. Một số giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao được khảo nghiệm và nhân rộng trong sản xuất vụ hè thu và thu đông như: giống đậu tương DDT12, DDT122, DVN99; giống lạc Trạm dầu 207, L18, L23, Sen; giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, Phù Đổng…

Cùng với chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống lúa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thời vụ gieo cấy cũng được huyện xem là đòn bẩy đưa ngành Nông nghiệp phát triển một cách ổn định, bền vững. Ở vụ xuân, các địa phương đã chỉ đạo các hộ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, hoàn thành công tác gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Diện tích trà mùa sớm, trà mùa trung sớm, trà mùa trung được mở rộng lên 90%, vừa tránh rủi ro do sâu bệnh, thời tiết bất thuận gây ra, đồng thời tạo điều kiện về quỹ thời gian để mở rộng diện tích các cây vụ đông trồng trên đất 2 lúa theo đúng kế hoạch và đảm bảo thời vụ gieo trồng. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích gieo trồng cây vụ đông của huyện Nghĩa Hưng luôn đạt trên, dưới 2.000ha, trong đó diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa đạt 1.200ha.

Nhiều loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh lãi 52 triệu đồng/ha, bí đỏ 68 triệu đồng/ha, cà chua 120 triệu đồng/ha, khoai tây 52 triệu đồng/ha… Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, việc thay đổi phương thức thâm canh nhằm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, rút ngắn thời vụ, việc đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hầu hết các địa phương trong huyện đều có mô hình trình diễn hoặc vùng sản xuất theo phương thức gieo sạ và mô hình CĐML. Vụ xuân 2015, diện tích gieo sạ hàng của toàn huyện đạt gần 3.000ha, chiếm trên 30% tổng diện tích gieo cấy của huyện. Một số đơn vị có diện tích gieo sạ nhiều như: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh và Nghĩa Bình… tỷ lệ gieo sạ đạt trên 90% diện tích.

Phương thức gieo sạ đã khẳng định ưu thế và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, những năm tới huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ. Với 25 máy gặt đập liên hợp có sẵn của nông dân trong huyện và gần 30 máy được tăng cường, hiện tổng diện tích thu hoạch bằng cơ giới của huyện đã đạt 90%, góp phần giảm thiểu việc đốt rơm rạ, giảm thiểu tổn thất khâu thu hoạch và giảm chi phí cho nông dân. Trong vụ xuân 2015, đã có 15/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng mô hình CĐML với tổng diện tích 1.298ha.

Các diện tích thực hiện CĐML đều được tổ chức chỉ đạo tập trung và hướng dẫn cụ thể nên đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về làm đất, san sửa ruộng làm rãnh thoát nước, bón phân lót, gieo hạt, phun thuốc trừ cỏ, tưới tiêu nước, đánh chuột… vì vậy bước đầu các mô hình CĐML đều đạt hiệu quả tốt. Thông qua việc triển khai mô hình CĐML, các HTX làm quen với phương thức triển khai tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chuyên môn hóa với nhiều hộ nông dân tham gia trên diện tích lớn.

Hiệu quả từ tổ chức sản xuất CĐML tăng lên rõ rệt; khắc phục được cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; tiết kiệm được công lao động; đánh giá đúng hiệu quả dịch vụ của HTX từ đó vai trò chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của địa phương được nâng lên. Trong vụ mùa 2015, huyện Nghĩa Hưng gieo cấy 10.700ha lúa. Huyện tiếp tục chuyển đổi nhanh cơ cấu giống lúa theo hướng giảm diện tích giống lúa dài ngày, giống nhiễm sâu bệnh. Sử dụng chủ yếu các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chống chịu được với điều kiện thời tiết bất thuận như các giống: giống lúa thuần BT7 kháng bạc lá, Nam Định 5, TBR45, RVT, QR1, BC15...; giống lúa lai TX111, TH3-3, CT16… với cơ cấu mùa sớm 15-20%, mùa trung sớm 15-20%, mùa trung 50-60%, mùa muộn 10%. Toàn huyện phấn đấu năng suất đạt 55 tạ/ha.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với việc thay đổi tập quán, phương thức tổ chức sản xuất của nông dân đã tạo động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng phát triển bền vững, an ninh lương thực được ổn định, góp phần từng bước nâng cao đời sống người nông dân, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày.


Xuất hiện sâu keo, bọ xít đen hại lúa hè thu Xuất hiện sâu keo, bọ xít đen hại… Lương Nghĩa phát triển mô hình chăn nuôi trâu Lương Nghĩa phát triển mô hình chăn nuôi…